Bến Tre phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Thời gian gần đây, du lịch (DL) của tỉnh thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Trước việc ngày một gia tăng số lượng khách, đặc biệt thời điểm hè - cao điểm của mùa DL sẽ tạo áp lực cho môi trường sống.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành
Ngày 7-6, tại Khu du lịch Cồn Phụng, huyện Châu Thành, Bến Tre đã diễn ra hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành”. Hội thảo do UBND huyện Châu Thành phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu và khách mời đã có nhiều ý kiến đánh giá và kiến nghị để hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn Châu Thành phát triển hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, con người nơi đây.
Ông Phạm Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, Châu Thành có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và du lịch sông nước, lượng du khách đến địa phương tăng bình quân khoảng 14% mỗi năm.
Trong năm 2023, du lịch Châu Thành đón khoảng 1 triệu lượt khách, hiện có khoảng 43 cá nhân, tổ chức trên địa bàn tham gia kinh doanh du lịch nhưng chủ yếu tập trung ở các xã ven sông Tiền như Tân Thạch, Phú Túc, Quới Sơn, An Khánh, Tân Phú), các cù lao trên sông như: cồn Phụng (xã Tân Thạch), cồn Quy (xã Tân Thạch và Quới Sơn)… và sông Hàm Luông như xã Tân Phú và Tiên Thủy. Trong đó hai xã Tân Thạch, An Khánh và Tân Phú hiện có số lượng cơ sở kinh doanh du lịch nhiều nhất là 28 cơ sở.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mặc dù du lịch đang đem lại nguồn lợi lớn cho phát triển của địa phương, tuy nhiên tình trạng suy thoái về môi trường ở huyện vẫn là một trong những thách thức lớn. Việc phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đôi lúc chưa chặt chẽ.
Thực tế, đa phần là các khách sạn, nhà hàng, các điểm ăn uống có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đúng quy chuẩn về nước thải sinh hoạt chẳng hạn như không có bể tách mỡ, bể chứa không đúng quy cách, không tuân thủ nội dung cam kết.
Một khó khăn được đánh giá lớn nhất là tại một số khu du lịch, điểm du lịch ở các cồn ven sông, các điểm du lịch xa các tuyến đường chính là việc đăng ký thu gom và xử lý rác thải gặp khó khăn, các đơn vị này phải tự xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp không hợp vệ sinh.
Thời gian gần đây, du lịch (DL) của tỉnh Bến Tre thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Trước việc ngày một gia tăng số lượng khách, đặc biệt thời điểm hè - cao điểm của mùa DL sẽ tạo áp lực cho môi trường sống. Do đó, các khu, điểm DL cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường đảm bảo DL an toàn, trong lành cho du khách.
Theo nhiều chuyên gia, tỉnh có rất nhiều tiềm năng về phát triển DL. Việc DL phát triển nhanh trong những năm gần đây đã tạo sức ép rất lớn đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là những khu du lịch (KDL) ven sông. Tình trạng rác thải trong các khu, điểm DL vẫn là một vấn đề nóng.
Dễ thấy nhất tại các điểm, KDL vào các mùa cao điểm, lượng khách đến rất đông, sau khi kết thúc tiệc hay sự kiện thì cơ sở phải huy động lực lượng tham gia thu gom, dọn dẹp lượng rác rất lớn. Thực tế, tại DL Hạ Thảo ( xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre), do địa bàn gần sông, nhiều du khách tiện tay quăng rác hoặc tàn thuốc xuống sông, điều này tác động không nhỏ đến môi trường. Theo quản lý, điều hành DL Hạ Thảo Dương Quốc Việt, du khách đến đây rất lịch sự và có ý thức bảo vệ môi trường nhưng khi đã uống rượu, bia thường không làm chủ được ý thức, vẫn thả rác, tàn thuốc xuống sông.
Theo nhìn nhận của một số cơ sở, điểm DL trên địa bàn huyện Châu Thành, cái khó hiện nay của người làm DL là sự hợp tác của du khách trong bảo vệ môi trường. “Mặc dù mỗi khu có trang bị sọt rác nhưng thường sau một lượt khách, nhân viên phải thu gom lượng lớn khăn giấy, vỏ bánh kẹo và chai nước suối của khách để lại”, một nhân viên phục vụ tại điểm DL sinh thái Bảo Thạch (Tân Phú, Châu Thành) chia sẻ.
Hiện nay, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển DL đang là một trong các ưu tiên của tỉnh. “Nếu sự phát triển quá nhanh, các hoạt động DL thiếu chuyên nghiệp, thiếu nguyên tắc sẽ ảnh hưởng đến đời sống dân cư, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đe dọa phát triển DL trong tương lai. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển DL, các địa phương cần tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường để ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm”, ThS. Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề DL Sài Gòn cho biết.
Theo ThS. Phan Bửu Toàn, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ DL, cần xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên đi đôi với việc bảo tồn giá trị tự nhiên và đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường. Phát triển DL vì chất lượng cuộc sống, DL phải gìn giữ được cảnh quan môi trường và mang lại lợi ích cho cộng đồng, đó là biện pháp để tỉnh trở thành điểm DL đáng đến.
Ưu tiên bảo vệ môi trường
Trước tình trạng vứt rác ra sông của một bộ phận du khách, DL Hạ Thảo có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển DL. Trong những trường hợp khách vứt rác bừa bãi, nhân viên sẽ nhắc nhở hoặc nhắc khéo khách bằng cách để đồ gạt tàn thuốc ngay bên cạnh. Quản lý điều hành DL Hạ Thảo Dương Quốc Việt cho biết: “Yêu cầu đặt ra của khu DL không phải là doanh thu mà vấn đề quan trọng là môi trường và phòng cháy chữa cháy. Bởi làm DL mà chỉ đáp ứng yêu cầu nhất thời vội vã, thậm chí bỏ qua một số tiêu chí môi trường để kinh doanh sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng môi trường”.
Bên cạnh đó, DL Hạ Thảo còn ưu tiên các sản phẩm DL thân thiện với môi trường, không sử dụng các loại thức uống bằng chai nhựa; sử dụng túi giấy để gói thức ăn cho khách. Ngoài ra, Hạ Thảo còn trang bị hệ thống xử lý nước thải và hệ thống xử lý nước hồ bơi chuyên nghiệp đảm bảo quy chuẩn nguồn nước khi thải ra môi trường.
Không riêng DL Hạ Thảo, công tác bảo vệ môi trường đang được các điểm, KDL trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong khuôn viên KDL Nông trại Sân chim Vàm Hồ (xã Tân Mỹ, Ba Tri), chủ cơ sở đã đầu tư nhiều thùng rác loại to, đồng thời tận dụng các thùng rác nhỏ tại các khu ăn uống, các tuyến đường xuyên vườn cây trái… để phục vụ du khách. Giám đốc Nông trại Sân chim Vàm Hồ Đoàn Thị Mỹ Nhu cho biết, điểm DL của bà luôn ưu tiên bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan và hướng đến một nền DL xanh, bền vững.