Thứ năm, 28/03/2024 17:05 (GMT+7)

Bị động trong phòng, chống thiên tai, hậu quả nhãn tiến

Tùng Dương -  Thứ năm, 28/06/2018 07:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng, những tác động của con người ảnh hưởng đến rừng là quá rõ, nhưng do phân cấp, phân quyền không rõ ràng nên xử lý trách nhiệm cá nhân rất khó.

Đợt lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nghiêm trọng đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi phía Bắc khiến nhiều người chết và mất tích một lần nữa đặt ra câu chuyện về vấn đề bảo vệ rừng. Bởi đây không phải lỗi ở thiên tai mà còn có sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của con người. Môi trường và Đô thị điện tử đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề ở Lai Châu, nhiều người mất tích chưa tìm thấy. Ảnh: Phuc Truong.

Thưa ông, thiên tai, lũ lụt do thiên nhiên gây ra nhưng đằng sau đó là trách nhiệm của chính con người khi đã không có được những giải pháp tối ưu để phòng, tránh?

Tình trạng lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc không phải lần đầu tiên xuất hiện. Năm 2017 cũng từng có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra như trận lũ lịch sử Mù Cang Chải (Yên Bái) hay vụ lở núi ở Hòa Bình vùi lấp nhiều gia đình. Hậu quả của những vụ việc này là rất nặng nề.

Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đưa ra những giải pháp nhưng bài học kinh nghiệm rút ra đến nay dường như vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Tôi cho rằng, sự chủ động của các cấp chính quyền đối với tình trạng này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thậm chí có thể nói là bị động.

Nguyên nhân của tình trạng này thì quá rõ rồi, đó là hậu quả của phá rừng, khai thác rừng trái phép, quản lý rừng chưa chặt chẽ… Những tác động của con người ảnh hưởng đến rừng không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra.

Chính phủ đã xác định rất rõ những hậu quả, thiệt hại nặng nề của việc tàn phá rừng với bà con nông dân, đã giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương để lập bản đồ xác định vị trí, cảnh báo nguy cơ về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở các địa phương. Nhưng đến nay, không biết việc này đã triển khai như thế nào và đến đâu rồi. Quy hoạch khu dân cư sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã tính đến việc này nhưng không biết sự chủ động của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ra sao?... Tôi cảm giác như tất cả còn đang ở thế bị động. Hậu quả xảy ra rồi mới chạy theo để xử lý.

Tôi cho rằng, Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, vì hậu quả ngày hôm nay rõ ràng là do phá rừng, tàn phá, khai thác thiên nhiên dẫn tới rừng không giữ được nước, mưa xuống lún đất đá gây sạt trượt.

Rừng già, nguyên sinh càng ngày càng bị thu hẹp. Chúng ta có trồng lại rừng thì thảm thực vật cũng không kịp phát triển. Bởi cần hàng trăm năm để có được một khu rừng có thể giữ được nước, hạn chế tối đa sạt lở.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý nạn phá rừng.

Thưa ông, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ quý, lâm tặc hoạt động ngang nhiên, thậm chí kiểm lâm cũng tiếp tay cho lâm tặc; nhiều biệt thự, biệt phủ mọc lên với gỗ quý từ chính những khoảng rừng bị khai thác trắng trợn như thế… Lợi nhuận từ gỗ quý khiến lâm tặc bất chấp luật pháp, sự dung túng của người có chức có quyền vì mục đích riêng tư sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân?

Đây là câu chuyện của cả hệ thống về công tác quản lý, quy hoạch rừng còn nhiều tồn tại. Biện pháp khắc phục và tối ưu nhất là đóng cửa rừng nhưng trên thực tế có những nơi vẫn chỉ đóng trên giấy, phá rừng vẫn rất nghiêm trọng.

Kể cả việc làm thủy điện hay xây dựng các công trình cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu.

Phải ngăn chặn ngay và dứt điểm nạn phá rừng. Quy hoạch, quản lý, khai thác rừng phải theo quy trình đảm bảo khoa học để phục vụ đời sống của người dân. Việc này đã nói quá nhiều rồi nhưng khắc phục còn hạn chế.

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong câu chuyện này?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa thật sự sát sao. Có những việc vượt quá thẩm quyền, khả năng, điều kiện, chính quyền địa phương nhất là chính quyền sở tại ở cấp xã, cấp huyện nắm rất rõ nguy cơ, hậu quả có thể lường trước được nhưng việc cảnh báo, hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân để dự báo, phòng, tránh là chưa chủ động, chưa hiệu quả.

Xử lý trách nhiệm này như thế nào, thưa ông, vì chúng ta không thể nói mãi với nhau câu chuyện rút kinh nghiệm để rồi hậu quả thì người dân phải gánh chịu?

Trách nhiệm của chính quyền địa phương đã rõ nhưng đúng là lâu nay chưa xử lý được cá nhân một cách rõ ràng, chỉ đánh giá được một phần trách nhiệm nào đó, khó  xử lý dứt điểm. Bởi, chính quyền địa phương thì năng lực có hạn, tập quán sinh hoạt, đời sống của người dân bao năm khó thay đổi.

Còn tồn tại câu chuyện, Bộ trưởng bảo trách nhiệm của chính quyền địa phương, chính quyền địa phương thì bảo của cấp trên, của kiểm lâm, thiếu nhân lực, phương tiện, điều kiện không có, địa bàn rộng… Tất cả là do lỗi… khách quan. Việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm không rõ ràng. Hiện nay, đa số là tình trạng “cha chung không ai khóc”, phân cấp phân quyền không rõ ràng nên khi quy được trách nhiệm của từng cá nhân để xử lý thì rất khó. Luật pháp cũng còn quy định chung chung về xử lý trách nhiệm.

Vậy, chúng ta cần có những giải pháp quyết liệt hơn vì hậu quả tàn phá rừng là nhãn tiền?

Chắc chắn là cần phải như vậy. Vì hậu quả ai cũng thấy nhưng giải quyết thì còn tồn tại. Câu chuyện đặt ra là còn nhiều việc phải làm, trước mắt phải xây dựng được bản đồ, dự báo cảnh báo nguy cơ sạt lở đánh giá địa chất ở các vùng như tôi đã nêu ở trên. Chính quyền địa phương phải làm sao để người dân phải di chuyển khỏi những nơi đó. Cảnh báo người dân thế nào, sơ tán làm sao thì đó là những vấn đề cần phải làm được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quyết tâm của chính quyền địa phương là quan trọng

ĐBQH Trần Thị Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng: “Rõ ràng, vấn đề quy hoạch để bà con đến những vùng an toàn là trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp. Cần có cái nhìn rộng, sớm theo nguyên tắc, quy hoạch phải đi trước một bước.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn ở miền núi là quỹ đất và ngân sách dành cho quy hoạch không phải ít tiền. Đối với các địa phương miền núi, hầu như nguồn ngân sách chờ từ Trung ương, các địa phương gần như “lực bất tòng tâm”.

Hiện, rừng đã không còn đủ để giữ nước được nữa. Với bà con, hầu như diện tích rừng thay cho đất canh tác, chỗ ở thường gần khe núi, độ dốc, trượt lớn, nước chảy từ trên xuống kèm theo đá, bùn, sạt lở là điều không thể tránh khỏi.

Điều này các địa phương đã nhìn thấy, nhưng quan trọng là cần một quy hoạch tổng thể với từng địa phương. Vấn đề phong tục, tập quán, cơ quan chức năng có thể khắc phục bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, nhưng nguồn lực, quỹ đất, tiền và quyết tâm của chính quyền địa phương là quan trọng".

Bạn đang đọc bài viết Bị động trong phòng, chống thiên tai, hậu quả nhãn tiến. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.
Bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan
Sáng 21/3, tại kỳ họp bất thường lần thứ 6, khóa 15, Quốc hội xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; trong đó có việc xem xét bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.