Thứ năm, 28/03/2024 17:03 (GMT+7)

Bị thu hồi 31ha đất chậm triển khai, Bitexco 'đòi' phí lập dự án

MTĐT -  Thứ ba, 02/07/2019 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau nhiều năm chậm tiến độ dự án của Tập đoàn Bitexco bị thu hồi đất sau, doanh nghiệp quay sang đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thanh toán kinh phí quy hoạch.

Theo báo Tiền phong, ngày 1/7, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa nhận được công văn đề nghị thanh toán chi phí lập quy hoạch dự án khu thương mại, văn phòng và nhà ở tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa của Công ty cổ phần Bitexco.

Về đề nghị này, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính nghiên cứu nội dung công văn trên và có văn bản trả lời Công ty Cổ phần Bitexco, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những nội dung vượt thẩm quyền.

Trước đó, vào hồi tháng 2/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi 31.265m2 đất của Bitexco tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa để giao cho trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa quản lý theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết lý do thu hồi đất là vì đất được nhà nước giao để đầu tư mà không đưa vào sử dụng.

Thanh Hóa thu hồi 31.265m2 đất của Bitexco.

Được biết, đây không phải là lần đầu Bitexco đòi bồi thường chi phí lập dự án, đơn vị này từng đòi chi phí cơ hội hơn trăm tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2019, Tập đoàn Bitexco cũng có văn bản gửi tới Bộ GTVT đòi phí cơ hội tại dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với số tiền lên tới 104 tỷ đồng.

Cụ thể, Tập đoàn Bitexco từng được Chính phủ giao lập “đề xuất dự án” cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây vào năm 2007 và lập “dự án đầu tư” năm 2008.

Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt “đề xuất dự án” và sau đó là “báo cáo nghiên cứu khả thi” - lần 1 (năm 2011).

Đến tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1597 chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, do những vướng mắc về pháp luật hiện hành nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua. Bộ Giao thông vận tải sau đó đã hủy kết quả sơ tuyển.

Tháng 3/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 20, trong đó nêu rõ Thủ tướng quyết định dừng triển khai quyết định 1597 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Vào đầu tháng 2/2019, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc Thủ tướng quyết định dừng triển khai dự án thí điểm và chấm dứt việc Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án "là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của nhà nước".

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Bitexco đã chi tổng cộng 84,1 tỷ đồng cho dự án, bao gồm chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý và chi phí dich vụ tư vấn - dịch vụ. Bên cạnh đó, Bitexco cho rằng công ty phải được tính thêm chi phí cơ hội. Cụ thể, theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án, doanh nghiệp dự án (trong đó có Bitexco) sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm.

Tuy nhiên, trên cơ sở Nghị quyết 20, Bitexco đã lựa chọn tư vấn độc lập là Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam – VVFC.

VVFC đã xác định thu nhập của Bitexco bằng bình quân gia quyền của tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (theo báo cáo tài chính hàng năm của Bitexco trong khoảng thời gian thực hiện dự án 2007 – 2018).

Với cách tính này, tỷ suất lợi nhuận bình quân gia quyền của Bitexco được xác định tương đương 14%/năm; tương ứng chi phí cơ hội đối với phần chi phí Bitexco đã sử dụng là 101,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VVFC còn tính thêm 2,9 tỷ đồng là chi phí cơ hội của phần vốn phải chuẩn bị sẵn cho giai đoạn thực hiện đầu tư (giai đoạn 2013 – 2015). Tổng chi phí cơ hội của Bitexco là 104,6 tỷ đồng.

Ngoài phương án tính trên, Bitexco cũng đưa ra phương án tính khác là tỷ suất lợi nhuận 11,77%/năm, tương ứng với mức lợi nhuận trung bình của các dự án BOT giao thông trong thời gian qua.

Trước yêu cầu của Bitexco, đầu tháng 5/2019, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao bộ này tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm về chi phí chuẩn bị dự án, thanh toán cho Bitexco bằng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt theo chỉ đạo của Nghị quyết 20 của Chính phủ.

Dù vậy, về chi phí cơ hội, Bộ Giao thông cho biết do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc xác định chi phí cơ hội cho nhà đầu tư trong trường hợp dừng thực hiện dự án bởi chủ trương thay đổi từ nhà nước như dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

"Đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định việc xác định chi phí cơ hội này, trong quá trình triển khai kiểm toán giá trị thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định hiện hành", Bộ Giao thông vận tải kiến nghị.

Không có chuyện lấy ngân sách đền bù

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa nêu quan điểm, về việc thu hồi đất tại các dự án chậm triển khai thì các tài sản trên đất hoặc đất thì các bên mới ngồi lại với nhau để tính toán giá trị tài sản. Còn quy hoạch không phải như thế!

"Nếu như Tập đoàn Bitexco được giao đất làm dự án nhưng vì nguyên nhân chủ quan mà bị thu hồi thì về nguyên tắc sẽ không được đền bù, chúng tôi không thể lấy ngân sách ra để trả cho Tập đoàn Bitexco.

Trong trường hợp UBND tỉnh giao cho Tập đoàn Bitexco lập quy hoạch dự án trước khi chưa làm chủ đầu tư khu đất đó thì chúng tôi sẽ nghiên cứu theo nguyên lý, thương thảo với nhà đầu tư mới. Nếu nhà đầu tư mới chấp nhận phương án quy hoạch giống như Tập đoàn Bitexco đã làm, họ trả cho Tập đoàn Bitexco được bao nhiêu thì trả, không thì Tập đoàn Bitexco cũng phải chấp nhận.

Cần đặt ra câu hỏi: Tại sao Tập đoàn Bitexco làm quy hoạch đó? Có thể do có người giới thiệu rồi Tập đoàn Bitexco vẫn làm quy hoạch để bảo vệ dự án. Bây giờ doanh nghiệp không bảo vệ được thì mất.

Giống như việc đi mua hàng, được giới thiệu mặt hàng như thế nhưng khi bàn giao hàng thì lại không đúng như cam kết ban đầu thì người mua có quyền từ chối không nhận sản phẩm chứ tại sao lại phải đền bù cho nhà sản xuất về mặt hàng đó?

Mặc dù vậy, tới thời điểm này đơn vị cũng mới nhận được công văn của UBND tỉnh, còn chờ hồ sơ cụ thể dự án, các phòng chuyên môn nghiên cứu tham mưu mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng" - Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa nói.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Trọng Thanh - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Điều 38 và Điều 43 của Luật Đất đai 2003, với những dự án được Nhà nước giao đất xây dựng mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép thì sẽ bị thu hồi, Nhà nước không đền bù tài sản trên đất.

Còn quy hoạch dự án mà Tập đoàn Bitexco lập được coi là sản phẩm riêng, có giá trị như tài sản riêng, thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

"Nếu như bản quy hoạch này được đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ thì ngoài Tập đoàn Bitexco không ai được phép sử dụng hoặc sao chép lại khi chưa có sự cho phép của doanh nghiệp này. Vì nó là sản phẩm riêng, tài sản riêng nên Tập đoàn Bitexco không có cơ sở để đòi người khác phải trả phí cho chính sản phẩm của mình làm ra. Điều đó rất phi lý" - luật sư Thanh cho biết.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bị thu hồi 31ha đất chậm triển khai, Bitexco 'đòi' phí lập dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.