Thứ bảy, 20/04/2024 04:43 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu khiến hạn hán, lũ lụt ngày càng trở nên khốc liệt

MTĐT -  Thứ tư, 15/07/2020 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Biến đổi khí hậu sẽ khiến lượng mưa sẽ tăng lên vào mùa mưa ở hầu hết các khu vực, trong khi đó mùa khô sẽ trở nên khô hạn hơn.

Theo một nghiên cứu mới tại Đại học Clemson, biến đổi khí hậu sẽ làm hạn hán và lũ lụt ở nhiều khu vực trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ toàn cầu tăng càng cao, sự chênh lệch lượng nước mưa giữa các mùa càng lớn.

Giáo sư Ashok Mishra, Đại học Clemson, giải thích rằng các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào việc biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến lượng mưa như thế nào.

Nghiên cứu mới này đã thực hiện một cách tiếp cận kỹ lưỡng hơn bằng cách kiểm tra cường độ và sự chênh lệch về lượng mưa và lượng nước bốc hơi, cũng như sự biến đổi trong nguồn nước giữa các mùa.

Những nhà nghiên cứu tìm thấy rằng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa sẽ tăng lên vào mùa mưa ở hầu hết các khu vực, trong khi đó mùa khô sẽ trở nên khô hạn hơn.

Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu là những nơi đang phải gánh chịu lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và phải vật lộn với hạn hán vào mùa khô.

Chúng bao gồm phần lớn lãnh thổ Ấn Độ và các nước láng giềng ở phía đông gồm có Bangladesh và Myanmar, một bộ phận của Brazil, châu Phi và phía bắc Australia.

Hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ có lượng mưa tăng lên cao vào mùa mưa, tăng khoảng 0.25 mm/năm – 1.3 mm/năm tùy vào các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. Khu vực này cũng sẽ chứng kiến sự gia tăng cường độ bay hơi của nước vào mùa khô.

Trung Quốc đang đối mặt với đợt mưa lũ lịch sử. 

Điều này có nghĩa là những khu vực này sẽ phải đối mặt với nhiều trận lũ lụt và nhiều đợt hạn hán với cường độ mạnh hơn hiện nay.

Những nhà nghiên cứu còn đưa ra dự đoán về trữ lượng nguồn nước trong tương lai của mỗi khu vực trong 3 tháng khô hạn nhất và 3 tháng ẩm ướt nhất sử dụng các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau trong đó nhiệt độ toàn cầu tăng 2℃, 3.5℃ và 5℃.

Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ toàn cầu tăng càng cao, sự chênh lệch trữ lượng nguồn nước có sẵn giữa các mùa càng cao. Mùa mưa sẽ trở nên dư thừa nước, trong khi đó mùa khô sẽ thiếu nước trầm trọng.

Tác giả của nghiên cứu Mishra chia sẻ thông điệp cho toàn thế giới rằng nguồn nước là thực sự rất quan trọng trong tương lai.

Trong suốt hàng thập kỉ qua, biến đổi khí hậu luôn nhận được sự quan tâm của người dân trên toàn cầu. Biển đổi khí hậu trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến khắp các châu lục và các đại dương.

Theo nhiều chuyên gia thì mọi quốc gia, mọi vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đang đứng trước những hệ lụy lớn nhất từ hiện tượng này bởi trái đất đang nóng dần lên, mỗi một dấu hiệu của BĐKH đang ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng hơn trước.

Nhiệt độ trái đất tăng, nước biển dâng đã tác động đến hình thái thời tiết. Trên bình diện toàn cầu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán đang diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi. Nắng nóng bất thường xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Âu. Và ngay những ngày vừa qua, tại Trung Quốc, lũ lụt nghiêm trọng trên sông Dương Tử đã gây thiệt hại nặng nề cho quốc gia này. Thời tiết diễn biến bất thường cũng khiến các loại dịch bệnh bùng phát, tái bùng phát.

Việt Nam dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu

Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, do đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng cao.

Tại Việt Nam, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây đã gây thiệt hại không nhỏ tới phát triển kinh tế cũng như ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Tính riêng trong 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Đồng thời, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm hoạ từ thiên tai.

Hạn hán tại Ninh Thuận ngày càng trở nên khốc liệt.

Theo báo Hà Nội mới, PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, số liệu quan trắc trên 150 trạm trên cả nước cho thấy, phần lớn kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây. Một số ví dụ điển hình như tại trạm Con Cuông (Nghệ An), nhiệt độ cao nhất ngày quan trắc được trong đợt nắng nóng năm 1980 là 42°C, năm 2010 là 42,2°C và năm 2015 là 42,7°C; trạm Tuyên Hóa (Quảng Bình) ghi nhận kỷ lục 43°C tháng 4-2019; trạm Lào Cai ghi nhận kỷ lục 41,8°C vào ngày 22-5-2020; và kỷ lục nhiệt độ cao nhất của Việt Nam là 43,4°C được ghi nhận vào ngày 20/4/2019 tại trạm Hương Khê (Hà Tĩnh).

Bên cạnh đó, lượng mưa trung bình năm có xu thế giảm tại hầu hết các khu vực ở phía Bắc và tăng ở phía Nam. Tính chung trên phạm vi cả nước, lượng mưa hằng năm có xu thế tăng trong thời kỳ 1958 - 2018. Số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm, hạn hán xuất hiện thường xuyên hơn trong mùa khô. Số ngày mưa lớn và lượng mưa ngày lớn nhất giảm nhiều ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tăng nhiều ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Số cơn bão mạnh có xu hướng tăng...

BĐKH thể hiện rõ nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ tính riêng mùa khô năm 2019 - 2020, lượng nước từ thượng nguồn chảy về khu vực này thiếu hụt khiến tình trạng xâm nhập mặn ở mức cao nhất trong lịch sử, gay gắt hơn nhiều so với kỷ lục được ghi nhận vào mùa khô năm 2015 - 2016.

Cụ thể, xâm nhập mặn ở mùa khô năm 2019 - 2020 xuất hiện sớm hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 3 tháng, sớm hơn mùa khô 2015 - 2016 gần 1 tháng. Mặn xâm nhập vào các sông từ 57km đến 120km, sâu hơn mùa khô 2015 - 2016 từ 3km đến 9km với cường độ mặn cao hơn, thời gian xâm nhập mặn kéo dài gần gấp đôi so với mùa khô 2015 - 2016. Xâm nhập mặn đã làm thiệt hại khoảng 58.400ha lúa, 6.650ha cây ăn quả, 8.715ha nuôi trồng thủy sản. Vào lúc cao điểm xâm nhập mặn, khoảng 96.000 hộ với 430.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Tình trạng hạn hán, sa mạc hóa cũng có diễn biến phức tạp ở Nam Trung Bộ. Tại các tỉnh phía Bắc, ngay từ đầu năm nay, mưa lũ diễn biến phức tạp không kém, đặc biệt là mưa đá xuất hiện liên tục, gây thiệt hại nghiêm trọng về hoa màu, tài sản. Tại các đô thị, trong đó có Hà Nội, dông lốc cục bộ xuất hiện nhiều hơn, tần suất mưa lớn bất thường gây úng ngập cục bộ cũng có diễn biến khó lường...

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu khiến hạn hán, lũ lụt ngày càng trở nên khốc liệt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...