Thứ bảy, 20/04/2024 07:38 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu: Nơi nóng như lò đốt, nơi chìm trong bão tuyết

MTĐT -  Thứ tư, 18/12/2019 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi nước Úc đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục thì người dân tại Anh và Mỹ lại đang đối mặt với đợt bão tuyết kéo dài.

Đài BBC dẫn nguồn Cục Khí tượng quốc gia Úc (BOM) cho biết, sức nóng "tăng cường" từ hôm 17/12 đã vượt ngày nóng kỷ lục được thiết lập trước đó vào ngày 7/1/2013.

Bình quân mức nhiệt tối đa trên cả nước là thước đo chính xác nhất sức nóng của sóng nhiệt. Kỷ lục được đưa ra khi nước Úc đang vật lộn với hạn hán và cuộc khủng hoảng cháy rừng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng dự báo nắng nóng dữ dội nhất sẽ xảy ra vào cuối tuần này, có nghĩa là kỷ lục mới lại có thể bị phá vỡ.

Nước Úc đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục.

Khi hàng trăm vụ hỏa hoạn đang hoành hành khắp nước Úc thì Thủ tướng Scott Morrison cũng phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích gay gắt vì phản ứng kém hiệu quả của chính phủ trước thảm họa cháy rừng, cũng như chính sách khí hậu “nửa vời” của nước Úc.

Tuần này, nước Úc nóng lên khi một khối không khí nóng quét qua phía đông lục địa và được các nhà khí tượng học dự báo là "điều kiện sóng nhiệt từ mức khắc nghiệt đến cực đoan". Một số kỷ lục nhiệt độ ở các thị trấn và thành phố bị phá vỡ, và từ ngày 17/12 nhiều nơi ở trung tâm nước Úc ghi nhận nhiệt độ trên 45 độ C.

Từ đầu tuần, thành phố Perth, thủ phủ bang Tây Úc, đã ghi nhận ba ngày nóng liên tiếp trên 40 độ C, là nhiệt độ kỷ lục cho tháng 12 ở khu vực này.

Các nhà khí tượng giải thích, nguyên nhân nóng kỷ lục ở Úc là do nhiệt độ mặt biển ấm hơn ở nửa phía tây và mát hơn ở nửa phía đông. Chênh lệch nhiệt độ hai vùng cao nhất trong vòng 60 năm nay, và vùng nước ấm hơn gây ra lượng mưa cao hơn mức trung bình ở Tây Ấn Độ Dương, dẫn đến lũ lụt, trong khi khắp Đông Nam Á và Úc khí hậu khô hơn mức trung bình.

Nhiều vụ cháy rừng xảy ra tại Úc vì nắng nóng. 

Trái ngược với thời tiết nắng nóng tại Úc thì nhiều người dân nước Mỹ đã phải khốn đốn vì bão tuyết. Đã có ít nhất 10 người thiệt mạng do các vụ tai nạn liên quan đến bão tuyết và gần 60 triệu người đã nhận được cảnh báo khi cơn bão tuyết thứ hai đang dồn dập tấn công nhiều vùng trung tây và đông bắc nước Mỹ. Cùng với bão tuyết, một loạt hiện tượng vòi rồng cũng đã xảy ra ở vùng đông nam nước Mỹ khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, phá hủy nhiều nhà cửa.

Theo AP, những nạn nhân thiệt mạng trên các tuyến đường băng tuyết bao phủ tại các bang Indiana, Kansas, Nebraska và Missouri. 4 trường hợp tử vong đã được báo cáo ở Missouri, 3 ở Nebraska, 2 ở Indiana và 1 ở Kansas. Các vụ thiệt mạng ở Missouri chủ yếu do tài xế mất kiểm soát vì đường trơn trượt, và khiến xe lật nhào. Bang này hiện là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất: lớp tuyết dày từ cơn bão đầu tiên đã khiến đội tuần tra đường cao tốc quốc gia phải xử lý hơn 1.000 trường hợp lái xe bị mắc kẹt và các vụ tai nạn xe liên tiếp.

Cơ quan thời tiết quốc gia đã đăng tải các khuyến cáo thời tiết mùa đông - cảnh báo nguy hiểm - cho hơn 53 triệu người và cảnh báo bão mùa đông đến gần 6 triệu người nữa. Một cảnh báo mùa đông có nghĩa là sẽ xảy ra hiện tượng tuyết rơi dày (ít nhất là 12 cm) và phủ khắp đường đi. Hiện nay, tại Missouri, bão tuyết khiến cả một vùng rộng lớn của bang bị bao phủ trong những lớp tuyết dày 8-13 cm. Tại bang Kansas, bão tuyết cũng phủ lớp tuyết dày tới 28cm. Cơ quan giao thông vận tải bang Kansas xác nhận, nhiều tuyến đường đã bị tuyết phủ một phần hoặc toàn bộ.

Nước Mỹ chìm trong bão tuyết.

Hiện nay, hầu hết bang Kansas đang bị tuyết bao phủ. Cơ quan Giao thông vận tải tiểu bang cho biết, một người đàn ông 21 tuổi đã thiệt mạng khi chiếc xe bán tải bị lật do anh lái trên con đường băng giá. Tại Nebraska, một vụ tai nạn trên Xa lộ Liên tiểu bang 80 phía đông bắc Lincoln đã khiến 3 hành khách, độ tuổi 10, 15 và 19, thiệt mạng. Tại Indiana, một người phụ nữ và con trai của cô đã thiệt mạng sau một đêm tuyết rơi.

Tuy nhiên, thiên tai vẫn chưa dừng lại ở đó. “Sẽ có một đợt bão tuyết lớn nữa trên khắp các vùng phía đông trung tâm Missouri và tây nam Illinois”, Cơ quan thời tiết quốc gia ở St. Louis cũng đã ra cảnh báo. Nhà khí tượng học Mike Ryan cho biết, bão tuyết chưa kết thúc. Vào thời điểm bão tuyết qua đi, nó sẽ để lại lớp tuyết dày từ 8-21cm”, ông Ryan nói hôm 17/12 và nhấn mạnh: “Có thể có những nơi bị phủ lấp bởi lớp tuyết từ 15-18cm”.

Các cơn bão mùa đông khiến nhiều trường học phải đóng cửa, và gây hỗn loạn giao thông trên toàn khu vực. Cơ quan tuần tra Mỹ cho biết, họ đã nhận được hơn 660 cuộc gọi xin hỗ trợ từ các tài xế bị kẹt vì tuyết, và 685 vụ tai nạn giao thông khác.  Các trường công lập St. Louis phải hủy các lịch học cho hơn 30.000 học sinh, và hàng chục ngàn trẻ em khác trên toàn tiểu bang cũng nghỉ học do thời tiết. Hơn 300 chuyến bay đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ trong ngày 15 và 16/12 (giờ Mỹ) tại Sân bay Quốc tế St. Louis Lambert.

Hay như tại châu Âu, những ngày này, nước Anh lại đang chìm trong giá rét với nền nhiệt xuống thấp và nhiều khu vực bị băng tuyết bao phủ.

Khu vực phía tây Anh, Scotland, Bắc Ireland, và xứ Wales sẽ đón những trận gió mạnh từ đêm 17/12, trong khi mưa tuyết tiếp tục xảy ra trong những ngày tới.

Nhật Hạ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu: Nơi nóng như lò đốt, nơi chìm trong bão tuyết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...