Thứ ba, 16/04/2024 23:30 (GMT+7)

Biến phế phẩm ô nhiễm thành củi

MTĐT -  Thứ năm, 10/05/2018 11:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một máy ép vỏ trấu thành củi đã được một nông dân mày mò chế tạo ra, xuất phát từ những phế phẩm gây ô nhiễm môi trường...

Đó là sản phẩm hữu ích của anh Trần Đình Lai (43 tuổi, trú thôn An Xuân Tây, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Anh Lai kiểm tra các công đoạn tạo ra máy ép vỏ trấu.

Nhâm nhi tách trà nóng, anh Lai chia sẻ anh sinh ra trong gia đình nông dân đông con. Từ nhỏ anh đã theo bố mẹ ra đồng lội trên những thửa ruộng ngập bùn...

Sau khi học xong lớp 12, với mục đích rút ngắn thời gian học để có thể sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, anh đã không thi đại học mà chọn học ở một trường trung cấp cơ khí tại TP Huế. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, anh xin vào làm tại một xưởng cơ khí ở trung tâm thành phố với thu nhập ổn định. Nhưng 4 năm sau, trăn trở trước những vất vả của người nông dân ở quê nhà đã khiến anh quyết định về quê lập nghiệp với số vốn ít ỏi đã dành giùm được.

Cơ sở kinh doanh của anh Trần Đình Lai.

“Người nông dân thường tận dụng các phế phẩm như rơm rạ, củi trấu, mùn cưa để làm chất đốt, song vẫn thừa thãi rất nhiều. Vỏ trấu là một loại chất đốt truyền thống gây khói bụi, thường bị người nông dân đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường do việc sử dụng bếp gas ngày càng phổ biến. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát lúa gạo chính là các điểm tập trung nguồn trấu của các địa phương, nhưng các chủ nhà máy hiện không quan tâm nhiều đến nguồn lợi từ trấu. Tôi luôn đặt ra câu hỏi tại sao một nguyên liệu vừa rẻ, vừa có giá trị như vậy lại vứt đi? Từ đó tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy có thể biến những phế phẩm này thành củi...”, anh Lai cho hay.

10 năm trước, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có dự án đầu tư, chế tạo các loại máy móc có tính hữu dụng cao phục vụ người dân, với tiền vốn được hỗ trợ là 29,5 triệu đồng, anh Lai đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất máy ép củi trấu. Sau nhiều lần vận hành thử nhưng thất bại, đến đầu năm 2008, chiếc máy ép củi trấu của anh mới hoàn thiện và cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Đây cũng là năm anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai để phát triển sản xuất kinh doanh.

Máy ép củi trấu này hoạt động dựa trên nguyên lý nén bằng trục vít, có van nhiệt và sản phẩm tạo ra là những thỏi củi dài hình ống từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Lúc đầu trấu được cho vào máy ép, bộ phận sấy tự động sẽ làm giảm độ ẩm của trấu xuống còn 12%. Sau đó ép thành củi dạng ống, dài 40- 70 cm, đường kính 8,5 cm. Chỉ sau 1 phút khởi động và nạp nguyên liệu, củi trấu sẽ được ép thành công. Năng suất có thể đạt từ 150 đến 200 kg/giờ, chỉ cần 1,5 kg trấu sẽ cho “ra lò” 1 kg củi.

Vỏ trấu được nén thành khối.

Với sự mày mò, cải tiến kỹ thuật không ngừng, hiện nay doanh nghiệp của anh đã có thể lắp ráp hoàn chỉnh và cung cấp cho thị trường 2 loại máy ép củi trấu với công suất 180 kg củi/h và 300 kg/h. Các sản phẩm đều có thông số kỹ thuật ổn định với các ưu điểm như đảm bảo độ ẩm đầu vào của nguyên liệu, không tiêu tốn điện năng, tự động hóa các quy trình ép...

Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Lào và Campuchia.

Những người sử dụng máy ép củi trấu của anh Trần Đình Lai đánh giá, sản phẩm của anh Lai rất tiện lợi, bởi lượng trấu hằng ngày được sinh ra từ việc xay xát lúa gạo rất nhiều nhưng qua máy ép đã được nén lại thành củi nên chi phí tồn kho, vận chuyển giảm đi rất nhiều. Tình trạng vỏ trấu bị đốt bỏ gây ô nhiễm, lãng phí về nguồn lực và tài nguyên thiên nhiên cũng được giải quyết.

Từ thành công trong việc sản xuất máy ép củi trấu, anh Lai tiếp tục nghiên cứu sáng chế ra hàng loạt loại máy móc khác. Hiện cơ sở Bạch Lai sản xuất hơn 20 loại máy móc với hàng ngàn sản phẩm được lắp đặt, thu lợi mỗi năm hơn 3,5 tỷ đồng. Các loại máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy sấy thực phẩm đa năng, máy hút thổi liệu, máy thái rau, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng... do anh sáng chế đều ưu việt, tiện lợi, phù hợp với hoàn cảnh nhà nông hơn là máy nhập ngoại. Qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết gánh nặng thất nghiệp cho nhiều lao động địa phương.

“Nhằm tránh tình trạng hàng nhái sản phẩm của anh Lai, đánh lừa người tiêu dùng và làm mất uy tín của hàng Bạch Lai trên thị trường, chúng tôi đang bàn bạc để đăng ký thương hiệu riêng cho sản phẩm chế tạo tại cơ sở Bạch Lai, qua đó giúp anh Lai làm ăn được thuận lợi hơn...”, ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền cho hay.

Được biết, với những sáng tạo trong sản xuất, anh Lai đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị. Trong đó đáng kể nhất là Giải thưởng Lương Đình Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc, bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung- Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017...

“Tôi sẽ tiếp tục cải tiến chiếc máy ép vỏ trấu để chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Xa hơn, tôi dự định sẽ xuất khẩu máy móc sang những nước láng giềng có nền nông nghiệp giống như chúng ta như Lào, Campuchia...”, anh Lai bộc bạch.

Theo Ngày nay

Bạn đang đọc bài viết Biến phế phẩm ô nhiễm thành củi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến xơ mướp thành nguyên liệu thời trang độc đáo
Nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ phí từ cây mướp, vốn rất dồi dào tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Loofaa đã có cách làm sáng tạo biến xơ mướp thành nguyên liệu “xanh” cho những sản phẩm thời trang độc đáo và thân thiện với môi trường.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.