Thứ bảy, 20/04/2024 09:47 (GMT+7)

Bình Dương: Gỡ khó, hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp phát triển

MTĐT -  Thứ bảy, 24/09/2022 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngành giáo dục mầm non của tỉnh Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn. Trải qua các đợt dịch Covid-19, các cơ sở phải đóng cửa, không có nguồn thu nhập để trả lương cho giáo viên, trả tiền mặt bằng...

Chiều 23-9, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non (GDMN) tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan.

Cần nhiều chính sách, cơ chế hơn

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 1.021 cơ sở GDMN ở KCN, cụm công nghiệp (CCN), trong đó có 119 trường công lập, 323 trường tư thục, 579 cơ sở GDMN độc lập tư thục với 13.622 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó giáo viên là 7.104 người. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố, lầu hóa cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Tuy nhiên, ngành GDMN của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trải qua các đợt dịch Covid-19, các cơ sở phải đóng cửa, không có nguồn thu nhập để chi trả lương cho giáo viên, trả tiền mặt bằng... Ngành GDMN của tỉnh cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng. Năm học vừa qua, Bình Dương thiếu 2.966 giáo viên, tập trung chủ yếu là giáo viên mầm non tư thục. Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN.

Gỡ khó, hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp phát triển
Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV khảo sát thực tế tại nhóm trẻ Hòa Bình ở phường Đông Hòa, TP.Dĩ An

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến GDMN tại các KCN-CCN như tình trạng thiếu giáo viên, áp lực số lượng học sinh tăng cao ở các cơ sở giáo dục trong KCN-CCN; việc triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ cán bộ, giáo viên mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho con em công nhân được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước; chế độ chính sách, lương, bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục tư thục...

Nỗ lực gỡ khó cho giáo dục mầm non trong khu công nghiệp

Để giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non tại các KCN, thời gian qua Bình Dương đã có chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất GDMN, đặc biệt là các trường, lớp mầm non trong KCN, như: Hỗ trợ đồ dùng, thiết bị dạy học đối với cơ sở GDMN độc lập, tư thục ở địa bàn có KCN - CCN; trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN-CCN; chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN-CCN…

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã ban hành bổ sung và duy trì chế độ chính sách đối với đội ngũ cấp học mầm non công lập nhằm thu hút nguồn nhân lực vào ngành học mầm non và phần nào giúp đội ngũ này an tâm công tác, như: Hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên của nhà trẻ, mẫu giáo, các trường mầm non bán trú 200.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ giáo viên cơ sở GDMN công lập bán trú từ 4 - 6 ngày lương/người/ tháng; giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp có số trẻ vượt từ 20% trở lên so với số trẻ/lớp theo quy định được hưởng 4 ngày lương/tháng/giáo viên…

Tỉnh cũng đã huy động được các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực GDMN. Đến nay, công tác xã hội hóa GDMN đã đạt được một số thành tựu nhất định. Kinh phí xã hội hóa GDMN phục vụ các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN (công lập và tư thục) tăng bình quân hàng năm hơn 100 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đã ghi nhận những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục mà Bình Dương đạt được trong thời gian qua; đánh giá cao việc thực hiện các chính sách, pháp luật đối với GDMN tại các KCN-CCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bà cũng chia sẻ những khó khăn, áp lực mà Bình Dương đang gặp phải hiện nay. “Thời gian tới, Bình Dương cần tiếp tục có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục, đặc biệt là cho GDMN tại KCN để cho công nhân yên tâm gắn bó lâu dài với Bình Dương. Bình Dương cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp với công nhân của công ty để tăng cường nguồn xã hội hóa nhằm có hệ thống giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Tỉnh cũng cần xây dựng chính sách đặc thù cho GDMN trong KCN và tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến GDMN KCN đồng bộ, hiệu quả; tiếp cận hỗ trợ cho GDMN ở KCN phải gắn với các chế độ, chính sách an sinh xã hội của công nhân lao động…”, bà Mai Hoa nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh, với đặc thù là một tỉnh công nghiệp, bên cạnh những thành tựu đạt được, Bình Dương vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có các chính sách về giáo dục. Tỉnh cũng đã thấy được vấn đề này. Do đó, thời gian tới tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch lại cho phù hợp với xu thế phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục - Đào tạo cập nhật, rà soát lại để tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách một cách kịp thời và nhanh chóng. Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất nhiều chính sách để hỗ trợ GDMN ở KCN-CCN ngày càng phát triển hơn.

Trước đó vào sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội khóa XV đã làm việc với UBND TP.Dĩ An và khảo sát thực tế tại 3 trường mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn TP.Dĩ An, gồm: Trường Mầm non tư thục Thành Phố Trẻ Thơ; nhóm trẻ Hòa Bình tại phường Đông Hòa và nhóm trẻ Hoa Nắng ở phường Dĩ An.

Thời gian qua, Bình Dương đã hỗ trợ đội ngũ GDMN tư thục trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với số tiền hơn 20 tỷ đồng; tiếp nhận, xét duyệt, tổng hợp hồ sơ cho 72 cơ sở GDMN độc lập, dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động, trong đó có 18 cơ sở dưới 35 trẻ, 54 cơ sở có từ 35 - 70 trẻ với dự toán mức kinh phí được hỗ trợ khoảng 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ 13.583 trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN-CCN với dự toán mức kinh phí được hỗ trợ khoảng 16 tỷ đồng…/.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Gỡ khó, hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam