Thứ sáu, 29/03/2024 09:32 (GMT+7)

Bình Dương: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

MTĐT -  Thứ năm, 07/04/2022 17:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Để bảo đảm môi trường an toàn và phát triển bền vững, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chú trọng xây dựng khu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường.

Những năm qua, việc thu hút đầu tư, phát triển khu công nghiệp (KCN) đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để bảo đảm môi trường an toàn và phát triển bền vững, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) chú trọng xây dựng KCN gắn liền với bảo vệ môi trường (BVMT).

Huyện Bắc Tân Uyên: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
KCN KSB, xã Đất Cuốc hướng tới môi trường xanh, sạch, đẹp

Nâng cấp hạ tầng

Việc chú trọng nâng cấp hạ tầng các KCN gắn với BVMT là một trong những giải pháp nhằm tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. KCN Tân Bình (xã Tân Bình) “sinh sau đẻ muộn” so với các KCN khác tại Bình Dương, nhưng với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi giúp KCN Tân Bình trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, với khả năng kết nối từ KCN đến vùng nguyên liệu tỉnh Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên qua đường ĐT741 đem đến nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, là điều kiện để phát triển của các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ.

Hiện nay, các tuyến đường trục chính, đường nội bộ KCN Tân Bình đều được đổ bê tông nhựa nóng, tạo điều kiện cho các phương tiện của DN vận chuyển hàng hóa ra vào dễ dàng, thuận tiện. Hệ thống cây xanh được đầu tư trên tuyến đường giao thông trong, ngoài hàng rào KCN, quanh nhà xưởng… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tiếng ồn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông trong KCN được đầu tư hợp lý theo hướng tiết kiệm điện, tăng vẻ đẹp cho công xưởng, nhà máy... Việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng theo tiêu chí “xanh, sạch, đẹp” đã tạo nên một KCN khang trang, khẳng định đem đến môi trường tốt nhất cho các DN. Đến nay, KCN Tân Bình đã thu hút được 59 DN với gần 9.000 người lao động, chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Không riêng KCN Tân Bình, tại các KCN khác ở trên địa bàn huyện như KCN KSB (xã Đất Cuốc), KCN VSIP II (thị trấn Tân Bình) đã và đang đặc biệt quan tâm đến việc BVMT. Theo Ban Quản lý KCN Tân Bình, việc trồng, chăm sóc cây xanh trong môi trường công nghiệp hiện nay đã và đang trở thành nhu cầu, trách nhiệm của mỗi đơn vị, DN.

Các KCN với sự đầu tư bài bản, đồng bộ cùng không gian xanh giúp điều hòa không khí, tạo môi trường làm việc thân thiện. Theo đánh giá của nhiều DN trên địa bàn, với sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng đã tạo nên sự yên tâm để đầu tư, sản xuất. Bà Bùi Nguyễn Xuân Hương, Trợ lý giám đốc Công ty TNHH Hong Yi Furniture (KCN Tân Bình), cho biết là DN chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, công ty được KCN tạo điều kiện để phát triển sản xuất, hỗ trợ tuyển dụng lao động... Công ty cũng chấp hành tốt các quy định về giữ gìn và BVMT.

Sản xuất an toàn

Với mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, huyện xác định phát triển các KCN phải đi đôi với BVMT, nhằm tạo ra một môi trường đầu tư bền vững. Theo đó, huyện Bắc Tân Uyên đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động BVMT. Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, giám sát của người dân, các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tuân thủ nghiêm túc các quy định liên quan đến BVMT, đặc biệt là trong việc xử lý nước thải.

Tại KCN KSB, để bảo đảm môi trường phát triển bền vững, thời gian tới Ban quản lý sẽ tập trung thu hút các ngành nghề sạch và hạn chế ngành nghề có khối lượng nước thải nhiều. Bên cạnh đó, KCN cũng đang có dự án mở rộng thêm khu xử lý nước thải nhằm đáp ứng nhu cầu tăng năng suất của các DN. Đại diện Ban Quản lý KCN KSB (xã Đất Cuốc) cho biết KCN nào thành lập cũng đã có chủ trương, kế hoạch về vấn đề BVMT. KCN phải có nhà máy xử lý nước thải, các DN đầu tư hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải nội bộ. Tại KCN KSB nhà máy xử lý nước thải có tổng công suất 5.800m3/ngày đêm. Hiện nay, KCN có 108 DN hoạt động. Ban Quản lý luôn phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn nhằm phổ biến các quy định mới của pháp luật về BVMT, từ đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của các DN, người lao động, kêu gọi cùng chung tay, phối hợp thực hiện.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết đến nay trên địa bàn huyện các KCN đi vào hoạt động có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật BVMT. Các KCN có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT khác... Nước thải được xử lý đạt quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường với tỷ lệ đạt 100% theo mục tiêu đề ra.

Trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên có 117 DN đang hoạt động với hơn 14.000 công nhân. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng, khuyến khích đầu tư ngành nghề có công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

PV(T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bình Dương: Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.