Thứ sáu, 29/03/2024 05:25 (GMT+7)

Bình Thuận: 98,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Hải Vân -  Thứ năm, 27/10/2022 09:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề “nóng”, được các địa phương tập trung xử lý trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay.

Số liệu mới đây cho thấy, Việt Nam có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40%; tỉ lệ tái chế khoảng 3,24%; còn lại phần lớn chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh mà xả trực tiếp vào môi trường.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường giữ vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân. Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy, môi trường khu vực nông thôn vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ ô nhiễm. Bảo vệ môi trường, giải được bài toán rác thải đang là vấn đề “đau đầu” các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, các bãi rác ở nông thôn chủ yếu là các bãi rác tạm với quy mô phổ biến từ 200-500m2, không được đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của bãi rác hợp vệ sinh, rác thải chủ yếu được đổ lộ thiên và luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, hiện chưa có chính sách hỗ trợ cho các công trình xử lý chất thải quy mô nhỏ, mức thu phí của người dân chỉ đủ cho các hoạt động thu gom và chưa có kinh phí cho các hoạt động vận chuyển và xử lý.

Ngoài ra, do dân cư nông thôn phân bố theo từng thôn, xóm với quy mô từ 50-100 hộ, khối lượng nước thải phát sinh từ 10-40m3/ngày đêm, rất khó khăn cho việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải hiện đại và quản lý công trình theo hướng chuyên nghiệp. Điều này khiến cảnh quan, môi trường nông thôn tại nhiều vùng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập.

Để đạt tiêu chí về cảnh quan, môi trường, nhiều địa phương đã đầu tư các xe thu gom rác thải để mở rộng việc thu gom rác ở các tuyến đường. Vận động nhân dân nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường.

tm-img-alt
Rác thải trôi dạt vào bãi biển thành phố Phan Thiết . Ảnh TL

Lãnh đạo UBND xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc thu gom rác mới chỉ được thực hiện những tuyến đường chính đông dân cư. Vì vậy, để cải tạo cảnh quan môi trường trên chặng đường xây dựng xã NTM nâng cao, xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải ở các tuyến đường nhánh, ngõ xóm. Các thành viên của tổ vận động tuyên truyền người dân nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định và đề nghị địa phương xử phạt nếu vi phạm bỏ rác bừa bãi. Từ hiệu quả mang lại đến nay toàn xã có 2 thôn có tổ thu gom rác thải và sẽ nhân rộng ra các thôn còn lại của xã.

Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Các công trình cấp nước khu vực nông thôn nâng chất lượng sống người dân.

Thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể quan tâm, huy động được nhiều tổ chức, cá nhân và cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Trong đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân những kiến thức, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn. Các địa điểm được lựa chọn để xây dựng mô hình, tổ chức tập huấn tập trung chủ yếu vào các xã bị ô nhiễm môi trường và các xã điểm xây dựng NTM với mục đích tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và người dân nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường tỉnh Bình Thuận đã xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các khu vực nông thôn hàng năm. Qua kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở phải đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức.

Đặc biệt là đối với các trang trại chăn nuôi heo, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhờ vậy, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số kết quả tích cực: Giải quyết dứt điểm 2/5 điểm nóng về môi trường, 3 điểm nóng còn lại cơ bản đã được kiểm soát tốt, không phát sinh thêm điểm nóng về môi trường mới. Có 9/10 địa phương đã hoàn thành việc di dời các điểm thu mua, phế liệu ra khỏi khu dân cư... góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm. Toàn tỉnh Bình Thuận đưa vào sử dụng 60 công trình cấp nước khu vực nông thôn/65 công trình cấp nước toàn tỉnh, tổng công suất thiết kế 64.265 m3/ngày/đêm.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 98,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có 62,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khoảng 90% số hộ tại các xã thuần và thôn xen ghép được sử dụng nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận có 69/93 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm.

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: 98,5% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.