Bình Thuận: Bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững
Bình Thuận còn được biết đến là một trong bốn ngư trường lớn, đa dạng về chủng loại của cả nước. Với những lợi thế đó, những năm qua tỉnh Bình Thuận đặc biệt trú trọng đến việc bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững.
Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, với diện tích vùng biển khoảng 52.000 km2, có 11 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quý là cơ sở hậu cần, chuyển tiếp cho các hoạt động về kinh tế biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ.
Bình Thuận còn được biết đến là một trong bốn ngư trường lớn, đa dạng về chủng loại của cả nước. Đối với vùng ven biển, Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển du lịch và các ngành dịch vụ. Với những lợi thế đó, những năm qua tỉnh Bình Thuận đặc biệt trú trọng đến việc bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững.
Theo đó, trong những năm qua tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên biển nhằm phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tổ chức rà soát cơ cấu sử dụng đất vùng ven biển, lập quy hoạch sử dụng đất ven biển nhằm sử dụng đất hợp lý, phù hợp với đặc tính sinh thái của từng vùng. Tổ chức kiểm soát khai thác nước mặt, nước dưới đất vùng ven biển, trong giới hạn phục hồi của nguồn nước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, trên đảo và các hoạt động trên biển. Song song đó, tỉnh Bình Thuận còn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp từ vùng biển ven bờ như các khu dịch vụ, du lịch dọc theo bờ biển, bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển. Hàng năm tỉnh còn tổ chức đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tại tỉnh Bình Thuận và công bố công khai kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm biển và hải đảo năm theo quy định.
Đặc biệt là tỉnh rất quan tâm đến việc thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo tác động môi trường của tỉnh có nguồn thải ra biển, cơ quan quản lý môi trường các cấp của tỉnh tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện công tác bảo vệ môi trường sau khi báo cáo tác động môi trường được phê duyệt và trước khi đi vào hoạt động chính thức. Các hoạt động thu mua, chế biến thủy, hải sản ven biển, các cảng cá được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, yêu cầu chủ cơ sở phải thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Thực tế hiện nay cho thấy, một số quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên ven biển chưa hợp lý và thiếu đồng bộ, việc xây dựng chính sách cụ thể khuyến khích thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển còn hạn chế. Ý thức và trách nhiệm về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trước thách thức của biến đổi khí hậu chưa cao. Do đó, tỉnh Bình Thuận đã đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tập trung nâng cao giá trị sử dụng đất ven biển. Đặc biệt là xây dựng và thực hiện Quy hoạch phân vùng, sử dụng tài nguyên và môi trường biển của tỉnh làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó còn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.
Công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thực trạng môi trường biển đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, nguồn lợi thiên nhiên, sự đa dạng sinh học đang ngày càng suy giảm. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển.
Để khai thác hiệu quả, bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển bền vững đòi hỏi các cấp chính quyền và toàn thể người dân hãy cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động để ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường biển. Từng bước thay thế việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt nhằm góp phần bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ môi trường đại dương trong khi tham gia đánh bắt xa bờ.