Thứ tư, 24/04/2024 16:22 (GMT+7)

Bình Thuận triển khai khu công nghiệp tổng đầu tư 3 tỷ USD tại La Gi và Hàm Tân

MTĐT -  Thứ tư, 17/11/2021 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây sẽ là khu công nghiệp lớn bậc nhất Bình Thuận với diện tích gần 5.000 ha, tổng mức đầu tư 3 tỉ USD. Khi hoàn thành sẽ là điểm đến của hàng trăm doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Bình Thuận đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Becamex VSIP Gần 5.000ha

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vừa có buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Bình Dương và nhà đầu tư về việc triển khai Dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận. Dự án này của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Tổng công ty Becamex IDC), được đăng ký thực hiện trên địa bàn Hàm Tân và một phần địa bàn thị xã La Gi.

Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do tập đoàn Sembcorp Development (Singapore). Mục đích của dự án là hình thành và phát triển một vùng đô thị gắn kết hài hòa giữa công nghiệp và dịch vụ đô thị, thúc đẩy không gian đô thị và kinh tế – xã hội khu vực ven biển phía nam tỉnh Bình Thuận; đảm bảo phù hợp, hài hòa và gắn với quy hoạch chung của huyện Hàm Tân và thị xã La Gi.

Dự án được UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thủ tục triển khai thông qua bản thỏa thuận ghi nhớ tại hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận diễn ra vào cuối tháng 9/2019. Tại hội nghị, chủ đầu tư đã báo cáo tình hình và kế hoạch triển khai dự án.

Theo đó dự án có quy mô diện tích lên đến 4.984ha thông qua phân kỳ đầu tư: giai đoạn 1 (2020 – 2023) với 715ha, giai đoạn 2 (2021 – 2030) sẽ đầu tư phần diện tích còn lại là 4.269ha. Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh Dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng thể hiện mối quan hệ ngày càng mật thiết giữa tỉnh Bình Dương và Bình Thuận.

Về phía tỉnh Bình Thuận, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cơ bản thống nhất với mục đích, quy mô, kế hoạch thực hiện dự án và đánh giá cao tiến độ triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan trong thời gian qua. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định đây là dự án then chốt nhằm thúc đẩy khu vực phía nam của tỉnh Bình Thuận phát triển.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan sớm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; giải quyết các dự án chồng lấn; thành lập Ban chỉ đạo để theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án… Quá trình lập các thủ tục đầu tư phải tuân theo các khâu, các bước, đảm bảo đúng trình tự theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cam kết trong thời gian tới tỉnh sẽ chủ động chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.

Vào tháng 2 vừa qua, Becamex IDC đã thông qua việc góp vốn thành lập công ty cổ phần để triển khai thực hiện Dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận. Công ty thành lập mới dự kiến có tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Công nghiệp Đông Sài Gòn.

Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản và phát triển khu công nghiệp. Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Vốn điều lệ công ty được tăng theo quy mô đầu tư dự án, trong đó vốn góp của Becamex luôn đảm bảo ở mức 30%.

Được biết,  Dự án Khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Tổng Công ty Becamex IDC) và Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). 3 dự án thành phần thực hiện trong giai đoạn 1 gồm: Dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 với diện tích 540 ha; dự án Khu dịch vụ – đô thị, tái định cư 1 với diện tích 9762 ha và dự án Khu dịch vụ – đô thị, tái định cư 2 với diện tích 77,45 ha.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

La Gi - Trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bình Thuận

Tính đến thời điểm hiện tại, Becamex VSIP Bình Thuận là KCN có quy mô lớn nhất tại tỉnh này. Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp với quy mô 3.000 ha (KCN Phan Thiết 100 ha, KCN Tuy Phong 150 ha, KCN Hàm Kiệm gần 600 ha, KCN Sông Bình 300 ha, KCN Tân Đức 150 ha, KCN Sơn Mỹ 1 hơn 1.000 ha và Sơn Mỹ 2 gần 600 ha). Tính sơ bộ, quy mô của 9 KCN hiện hữu tại Bình Thuận chỉ bằng ½ quy mô Becamex VSIP Bình Thuận đang triển khai.

Với vị thế của một “ông trùm” bất động sản công nghiệp, có kinh nghiệm kết nối và kêu gọi hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài về Bình Dương - Quảng Ngãi - Bắc Ninh, các KCN mà Becamex phát triển được đánh giá là những KCN thành công nhất của Việt Nam, làm thay da đổi thịt của các địa phương mà tập đoàn này đặt chân tới.

Theo đó, Becamex VSIP Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp tỉnh thu hút dòng vốn đầu tư hàng tỉ USD. Hai địa phương La Gi và Hàm Tân cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ siêu dự án này. Đặc biệt là thị xã La Gi, với lộ trình trở thành “thành phố thứ 2” của Bình Thuận, cùng việc đón nhận nhiều dự án tỉ đô đầu tư trên địa bàn, nơi đây đang trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận - đúng theo định hướng của tỉnh đề ra.

Đón đầu việc hưởng lợi từ làn sóng đầu tư, thị trường BĐS khu vực này đã bắt đầu sôi động, rượt đuổi những thị trường quen thuộc như Phan Thiết, Mũi Né. Tại Sơn Mỹ (Hàm Tân), giá đất vào giữa năm 2021 có sự biến động rất lớn. Các khu dân cư mặt tiền đường liên thôn lân cận Becamex VSIP Bình Thuận giá tăng từ 20 - 50 triệu đồng/mét ngang so với ít tháng trước, từ 75 triệu đồng/mét ngang lên 100 triệu đồng/mét ngang.

Còn ở La Gi, nhiều dự án lớn đã đổ bộ vào đây từ vài năm trước đó. Hiện tại, mức giá đất nền dao động 35 - 45 triệu đồng/m2. Những khu vực có vị trí đẹp, ven biển, giá có thể chạm mốc 60 triệu đồng/m2. Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường địa ốc La Gi sẽ phát triển mạnh chưa từng có. Và các dòng sản phẩm nóng nhất tại La Gi trong thời gian tới là phức hợp, khu dân cư, bất động sản ven biển phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, trung tâm logistic, kho bãi phục vụ cho công nghiệp,…

Tiềm năng La Gi

Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải - Đại học Ngân hàng TP.HCM, Becamex lựa chọn La Gi và Hàm Tân để triển khai khu công nghiệp lớn nhất Bình Thuận chứng tỏ tiềm năng lớn của khu vực này. Thêm nữa, hiện tại, La Gi hội tụ đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Loạt đòn bẩy về hạ tầng, nâng cấp hành chính, thu hút đầu tư đều diễn ra cùng lúc trước thời điểm La Gi lên thành phố.

La Gi hiện thu hút mạnh vốn đầu tư với các dự án tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư loạt dự án quy mô lớn tại nam Bình Thuận. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận, gần 40 dự án sẽ được triển khai tại La Gi trong giai đoạn 2021-2022, trước thời điểm thị xã được nâng cấp lên thành phố theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2025.

Ngoài ra, các công trình hạ tầng giao thông có lợi cho sự phát triển của La Gi đang đồng loạt được triển khai. Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là công trình trọng điểm nhất. Trong các khu vực của Bình Thuận có cao tốc đi qua, La Gi là địa phương hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí cửa ngõ - nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi đến Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.

Để tăng thêm lực đẩy cho khu vực phía nam, Bình Thuận cũng gấp rút triển khai 2 trục đường kết nối từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến Hàm Tân rồi thẳng đến La Gi. Nhờ những công trình này, thời gian di chuyển TP.HCM - La Gi còn khoảng 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành đến La Gi còn 1 giờ.

Mới đây, Bình Thuận đồng ý đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu./.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận triển khai khu công nghiệp tổng đầu tư 3 tỷ USD tại La Gi và Hàm Tân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.