Thứ bảy, 20/04/2024 18:32 (GMT+7)

Bình Thuận ứng phó với hạn hán gay gắt

MTĐT -  Thứ bảy, 13/06/2020 17:45 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2020, mặc dù không có hiện tượng El Nino như năm 2016 nhưng tỉnh này vẫn xảy ra hạn và mức độ nghiêm trọng hơn.

Theo đó, các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa từ đầu năm đến tháng 5/2020 thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% đến 90%. Toàn tỉnh Bình Thuận đã phải cắt giảm gần 14.000 ha diện tích cây trồng trong vụ đông - xuân và hơn 30.000 ha lúa vụ hè - thu không thể sản xuất, chờ mưa và hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

Hiện, nhiều diện tích cây trồng lâu năm ở các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân không có nguồn nước thủy lợi để tưới. Hàng nghìn ha thanh long bị khô hạn, nhiều vườn bị héo úa do không có nước trong thời gian dài, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân địa phương.

Vườn thanh long ở Bình Thuận bị khô hạn kéo dài . (Ảnh: K.V)

Năm nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lượng mưa ít và đến muộn. Từ sau Tết Nguyên đán, dòng chảy trên các sông, suối đều cạn kiệt. Nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Các giếng khoan, giếng đào hầu hết đều trong tình trạng cạn nước, có nhiều khu vực không còn nước hoặc nhiễm mặn.

Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng thiếu hụt. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Đến tháng 5/2020, trong toàn hệ thống chỉ còn khoảng trên 27 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, và chỉ bằng 31% so với thời điểm xảy ra hạn hán năm 2016.

Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, nhất là địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, từ cuối tháng 4/2020, toàn tỉnh này đã có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn đang thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn, yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó. Bình Thuận đã yêu cầu các sở ngành liên quan và các địa phương khẩn trương thực hiện ngay những giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thiệt hại cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân; huy động mọi lực lượng vận chuyển nước sinh hoạt, không để người dân thiếu nước uống do hạn hán.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến hạn hán để người dân chủ động tích trữ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, tỉnh Bình Thuận cũng đã triển khai cấp bách các giải pháp để dẫn nước, trữ nước, cấp nước, nhất là kéo các đường ống nước từ các hồ chứa bổ sung nước cho các nhà máy nước và đến các khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Trước mắt, để giải quyết vấn đề thiếu nước, các địa phương đã tổ chức chở nước về cấp cho người dân ở những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, trong giai đoạn 2021-2025 đồng thời thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu có phần cực đoan, Bình Thuận đang có nhu cầu rất lớn, cần sớm đầu tư một số công trình thủy lợi quan trọng.

Vì vậy, tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương xem xét thống nhất chủ trương đầu tư và hỗ trợ địa phương kinh phí đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng trong Quy hoạch Phát triển thủy lợi của tỉnh cần thiết đầu tư trong thời gian tới, như Hồ chứa La Ngà 3 (dung tích khoảng 476 triệu m3); hoàn thiện hệ thống kênh tưới hồ Sông Lũy; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, để chủ động ứng phó với khô hạn trước mắt và lâu dài, tỉnh Bình Thuận phải tính toán các giải pháp tổng thể để cân bằng đảm bảo nguồn nước. Tỉnh cũng cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để có thống kê chính xác nhu cầu sử dụng nước hiện nay của địa phương để từ đó có cơ sở cân bằng, tích trữ cho hợp lý.

Cùng với việc hoàn thiện và phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, tỉnh Bình Thuận cần đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang xây dựng. Đồng thời, hoàn thiện sớm nhất hệ thống kênh kết nối, chuyển nước từ các hồ đến các địa phương trong tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản giải quyết tình trạng hạn hán ở tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây ngắn ngày, cây chịu hạn... để thích ứng với điều kiện nguồn nước.

Theo ĐCSVN

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận ứng phó với hạn hán gay gắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất