Bộ Công Thương bỏ quy định mua điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng
Trong bản dự thảo mới lần này về điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương đã bỏ cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”.
Trong dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu mới nhất mà Bộ Công Thương gửi Bộ Tư Pháp, các quy định cho loại hình điện mặt trời mái nhà có nhiều điểm mới so với các bản dự thảo trước đó.
Bỏ cụm từ “giá 0 đồng”
Trong bản dự thảo mới, Bộ Công Thương vẫn bảo lưu quan điểm phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tự sử dụng và không mua bán dưới mọi hình thức.
Nếu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia thì vẫn "ưu tiên phát triển không giới hạn công suất". Nếu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thì quy định trong dự thảo mới có thay đổi một số chi tiết.
Cụ thể, ở các bản dự thảo cũ đều quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán. Trong bản dự thảo lần này, Bộ Công Thương đã bỏ cụm từ "ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán”.
Một điểm mới khác cũng được Bộ Công Thương đưa vào lần này đó là quy định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất đạt trên 1 MW và lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa.
Cạnh đó phải kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Đề xuất trước đó là công suất đạt 500 kWp.
Không được sử dụng các thiết bị đã qua sử dụng
Đáng chú ý, lần này Bộ Công Thương cũng bổ sung thêm một số nguyên tắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng với các đối tượng được quy định tại Nghị định này.
Nguyên tắc tiếp theo là các cá nhân, tổ chức phải lựa chọn thiết bị tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đặc biệt là “không sử dụng các thiết bị đã qua sử dụng”.
Các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chỉ có một số thay đổi nhỏ. Theo đó, vẫn được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng, được giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông và tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà được chứng nhận theo quy định của pháp luật việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Cơ quan soạn thảo đã bỏ đề xuất ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công.
Về hoạt động đăng ký, cả hai loại hình phát triển nối lưới và không nối lưới đều phải báo cáo Sở Công Thương địa phương. Sở Công Thương sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển dựa trên các tiêu chí về công suất còn được phát triển tại địa phương, thứ tự thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký đúng, hợp lệ, kết quả xử lý của các cơ quan lĩnh vực xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đơn vị điện lực đồng thuận cho phát triển…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng được quy định rõ trách nhiệm trong dự thảo lần này. Theo đó, EVN thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc tổng hợp, thống kê, kiểm soát tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt.
EVN phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và kiến nghị xử lý hoạt động phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện quốc gia. Đồng thời tổ chức đánh giá việc các nguồn điện mặt trời mái nhà trong trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.
Điều khoản chuyển tiếp
Các tổ chức, cá nhân có dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển trước ngày 1-1-2021 và đang thực hiện bán điện với đơn vị điện lực, dự thảo mới quy định “không được đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại cùng địa điểm”. Việc này nhằm tránh trục lợi việc đấu nối vào hệ thống mua bán đã có sẵn.
Còn những dự án phát triển sau ngày 31-12-2020 sẽ phải thực hiện theo các quy định nêu trên.
An Hiền/plo.vn