Thứ sáu, 19/04/2024 21:06 (GMT+7)

Bộ GTVT thông tin xử lý sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

MTĐT -  Thứ ba, 16/11/2021 09:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Bộ GTVT vừa có công văn trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án.

Bộ cho biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc. Ngày 15/10/2008, Bộ đã phê duyệt dự án và thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC.

Dự án được khởi công tháng 10/2011, nhưng do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài đến tháng 5/2014 mới cơ bản hoàn thành (tháng 8/2015 mới bàn giao toàn bộ mặt bằng ga Cát Linh), nên tiến độ dự án đã bị chậm so với kế hoạch.

Trên cơ sở văn bản chấp thuận cơ chế đặc thù cho dự án của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án đường sắt và tổng thầu đã ký điều chỉnh giá trị trọn gói của hợp đồng EPC. Đến cuối tháng 12/2020, tổng thầu đã hoàn thành vận hành thử toàn hệ thống.

Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, công năng thiết kế và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vận hành theo quy định của dự án, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác.

tm-img-alt
Bộ GTVT cho biết sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh:Internet)

Ngày 29/10/2021, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức họp, xem xét, đánh giá, kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Theo Bộ GTVT, quá trình thực hiện dự án chậm do một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan do đây là dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, tư vấn thiết kế phía Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Ngoài ra, dự án cũng phải chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài; Tổng thầu EPC là Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ; cách thức quản lý, triển khai thực hiện dự án ở Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, dự toán hồ sơ nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác quản lý điều hành của chủ đầu tư còn lúng túng và bất cập.

Bộ cũng cho biết công tác giải ngân của hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc, kéo dài, ký từ 11/5/2017 nhưng đến 25/4/2018 mới đủ điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên cho dự án.

Về nguyên nhân khách quan, công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm TP Hà Nội chậm và phức tạp; yếu tố khác biệt về quy định giữa hai nước về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.

Song song với đó, hệ thống quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án.

Lạm phát giai đoạn thực hiện năm 2008 và giai đoạn 2010-2011 cao cũng đã ảnh hưởng lớn đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nên các nhân sự nước ngoài không thể sang Việt Nam hoàn thiện (kéo dài từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021).

Về biện pháp xử lý sai phạm liên quan đến dự án, Bộ GTVT cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ sẽ rà soát, phân tích, đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai phạm (nếu có) của các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao, 12 nhà ga, một khu depot, 13 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.001 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 864 triệu USD).

Ngày 6/11 vừa qua, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội ký biên bản bàn giao đưa dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác thương mại.

Minh Thư (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT thông tin xử lý sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...