Thứ ba, 23/04/2024 20:10 (GMT+7)

Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng thuế môi trường với xăng

MTĐT -  Thứ năm, 03/03/2022 17:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ Tài chính cho hay đã trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Bộ Tài chính vừa gửi công văn xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về hồ sơ dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế BVMT với xăng, dầu đến hết ngày 31/12/2022.

Hiện nay, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol) được quy định là 4.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 và trong những tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao đã kéo theo giá xăng dầu trong nước cũng tăng. Tại lần điều chỉnh gần đây nhất (ngày 01/3/2022), giá xăng E5RON92 là 26.077 đồng/lít (tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022 là 2.918 đồng/lít); xăng RON95 là 26.834 đồng/lít (tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022 là 2.958 đồng/lít); dầu diesel là 21.310 đồng/lít (tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022 là 3.071 đồng/lít); dầu hoả là 19.978 đồng/lít (tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022 là 2.840 đồng/lít); dầu mazut là 18.468đồng/kg (tăng so với kỳ điều chỉnh ngày 11/01/2022 là 2.106 đồng/kg).

Như vậy, giá xăng RON95 và xăng RON92 trong nước đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 07/7/2014, xăng E5RON92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON95 có giá 26.140 đồng/lít).

Bộ Tài chính nhận định, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân.

Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 thì cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Từ cơ cấu các chính sách thuế đối với xăng dầu, giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, ngày 22/2, Thủ tướng có Công điện số 160/2022 về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tại Công điện đó, Bộ Tài chính được giao “chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó đã chỉ đạo Bộ Tài chính đã xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay) theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo dự thảo Nghị quyết được gửi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, nếu giảm thuế bảo vệ môi trường theo đề xuất nói trên sẽ giảm thu NSNN khoảng gần 12.000 tỉ. Tuy vậy, giảm thuế sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng xăng dầu, giảm giá bán và hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, ổn định lạm phát.

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giảm thuế bảo vệ môi trường như trên góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước khi giá dầu thô tăng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.

Việc đề xuất giảm thuế BVMT với xăng, dầu sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao. Đồng thời, giảm thuế còn góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19; đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.

Tuệ Lâm (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính đề xuất giảm 1.000 đồng thuế môi trường với xăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới