Thứ bảy, 20/04/2024 06:35 (GMT+7)

Bộ TN&MT đề xuất sự kiện về rác thải đại dương trong khuôn khổ GEF 6

Phan Ngân -  Thứ sáu, 25/05/2018 16:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ TN&MT đề xuất tổ chức sự kiện bên lề về rác thải đại dương trong khuôn khổ Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 và các cuộc họp liên quan tổ chức tại Đà Nẵng,

Sự kiện bên lề GEF 6 về rác thải đại dương

Bên lề Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tổ chức tại Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề xuất sự kiện về rác thải đại dương nhằm mục đích nêu bật những vấn đề liên quan đến rác thải đại dương trong khu vực (các nước xung quanh biển Đông, các biển Đông Á), các giải pháp mới về chính sách, cơ chế, công nghệ liên quan đến rác thải đại dương (nhựa) trong nền kinh tế tuần hoàn (giảm thiểu tại nguồn, tái chế, tái sử dụng,…), quản lý rác thải trên biển.

Rác thải đại dương trở thành vấn đề nóng toàn cầu.

Bên cạnh đó, xác định những khó khăn chính hiện tại của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là quốc gia đang phát triển trong việc giảm thiểu nguồn rác thải đại dương, quản lý theo dõi, giám sát, xử lý rác thải đại dương.

Đồng thời, xác định một số yêu cầu về hợp tác trong khu vực và sự hỗ trợ nguồn lực, công nghệ cần thiết để theo dõi, giám sát, quản lý rác thải đại dương hiệu quả hơn; và sáng kiến xây dựng một dự án khu vực do GEF tài trợ nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai những chính sách, cơ chế liên quan.

Sự kiện cũng nhằm đóng góp vào nội dung trao đổi tại Phiên Tọa đàm bàn tròn cấp cao về Rác thải nhựa đại dương ngày 28/6/2018.

Tại sự kiện, các đại biểu sẽ trao đổi thông tin về tình hình rác thải đại dương, tác động và nguy cơ do rác thải đại dương gây ra trên thế giới, tập trung khu vực biển Đông, Đông Nam Á.

Các đại biểu cũng sẽ bàn về các giải pháp cơ chế chính sách mới (về công nghiệp, tài chính) nhằm hạn chế lượng rác thải nhựa ra biển, hợp tác công tư (nhà nước - doanh nghiệp), ví dụ về Sáng kiến của Coca-Cola, thuế bao bì,… đặc biệt chú trọng gia tăng hiệu quả sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn.

Một nội dung chính khác của sự kiện là yêu cầu tăng cường hợp tác khu vực hiệu quả và nhu cầu hỗ trợ về nguồn lực, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng lực ứng phó với rác thải nhựa đại dương.

Đồng thời, đề xuất chương trình, dự án, đề án cụ thể giữa các đối tác ở cấp khu vực hoặc quốc tế để điều phối, thực hiện kiểm soát và giảm thiểu rác thải đại dương phù hợp với ưu tiên, định hướng của GEF (có thể thí điểm với một số nước, trong đó có Việt Nam).

Được biết, hiện nay Đại Hội đồng GEF gồm đại diện của 183 quốc gia thành viên là cấp điều hành cao nhất của GEF. Đại Hội đồng họp 4 năm một lần để tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên của GEF. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao cho phối hợp với GEF để tổ chức Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6.

Hội nghị GEF6 có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng GEF; hội nghị bàn tròn cấp cao (14 phiên); cuộc họp của các tổ chức dân sự xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (08 cuộc họp); các sự kiện bên lề, các gian hàng triển làm (khoảng 50 sự kiện); tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ.

Thông điệp từ Việt Nam

Với vai trò là nước chủ trì, Hội nghị GEF6 thể hiện quyết tâm thể hiện vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF toàn cầu, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 Hội nghị GEF6 còn truyền đạt thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên.

GEF6 cũng là cơ hội để giới thiệu các thành tựu đã đạt được của GEF Việt Nam cũng như đóng góp của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia gia nhập GEF từ những ngày đầu tiên (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như: xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF. Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF của quốc gia.

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.

Bảo vệ thiên nhiên môi trường là trách nhiệm của toàn cầu.

Trong đó có 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD; ngoài ra còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia với tổng tài trợ là 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với tổng tài trợ là 917.431 USD.

Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD, suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD. Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong STAR là 24,6 triệu USD (đạt 95%), trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD (đạt 72%).

Ngoài ra, trong Chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp. Tuy nhiên theo dự kiến của GEF toàn cầu, nguồn kinh phí chung trong GEF 6 sẽ điều chỉnh giảm 16%, do đó những dự án chưa được đồng thuận từ phía GEF toàn cầu sẽ gặp khó khăn trong quá trình phê duyệt.

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN&MT đề xuất sự kiện về rác thải đại dương trong khuôn khổ GEF 6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...