Thứ sáu, 29/03/2024 11:59 (GMT+7)

Bộ TN&MT họp bàn dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Phan Ngân -  Thứ sáu, 25/05/2018 10:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013.

Luật Đất đai là Luật có tác động sâu rộng

Trong thời gian vừa qua, các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai đặt ra những thách thức làm sao để huy động tốt nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đặt ra những vấn đề phức tạp như giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; giá đất, bồi thường, thu hồi đất đai.

Vấn đề sử dụng và quản lý đất đai đang dần theo cơ chế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội nhưng rõ ràng là chính sách quản lý đất đai chưa thực sự đáp ứng được cơ chế thị trường. Cùng với đó là những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như tập trung đất đai phát triển công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Hơn nữa, kết quả sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật đất đai đã xác định những vấn đề tồn tại, những vấn đề thực tiễn đặt ra đòi hỏi sự điều chỉnh, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Vì vậy, chiều 24/5 vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (Trưởng Ban soạn thảo) chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Lê Công Thành và thành viên Ban soạn thảo, tổ biên tập là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Cuộc họp của Bộ TN&MT do Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Luật Đất đai có tác động sâu rộng đến hầu hết tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của người dân. Vấn đề đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội mà còn là vấn đề chính trị, ngoại giao và chủ quyền. Vì vậy, quá trình hình thành và hoàn thiện của Luật Đất đai được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai là công việc hết sức lớn, nặng nề và phức tạp, có tác động đến tất cả các lĩnh vực, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải có tiếng nói chung , phải phát huy, tập hợp được trí tuệ chung. Ban soạn thảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm vì đây là việc mà xã hội và người dân đang hết sức kỳ vọng.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo nghiên cứu và trao đổi các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai lần này. Trong đó, tập trung vào những vấn đề còn vướng mắc bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung, đảm bảo thống nhất với các Luật khác có liên quan; những vấn đề xuất phát từ quá trình phát triển để đảm bảo tài nguyên đất đai đáp ứng tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội; và những đề xuất chính sách ưu tiên sửa đổi xuất phát từ quan điểm quản lý của mỗi lĩnh vực.

Còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Sau 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, bất cập như: nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng  phí, hiệu quả thấp, khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, nhiều địa phương xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%)...

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Thanh Khuyến (Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai) đã nêu lên một số hạn chế, vướng mắc và một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn trong quá trình triển khai thi hành Luật; qua đó nêu lên một số định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Ông Lê Thanh Khuyến (Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai) báo cáo tại cuộc họp.

Cũng tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thảo luận về những vấn đề đất đai cần sửa đổi, bổ sung trong các lĩnh vực quản lý của các Bộ ngành và cho ý kiến về tiến độ kế hoạch xây dựng và hoàn thiện dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa (Tổ trưởng Tổ biên tập) cho rằng: trong quá trình tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng kết ý kiến các bộ ngành, địa phương và trực tiếp làm việc với các địa phương để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa (Tổ trưởng Tổ biên tập) phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng đề nghị, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai phải đảm bảo sự ổn định của người sử dụng đất, tránh việc điều chỉnh nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự thay đổi thì sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai lần này để đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.

Quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là phải bảo vệ tốt hơn quyền và làm rõ hơn trách nhiệm

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai lần này. Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo bám sát kế hoạch để trao đổi, phối hợp chặt chẽ và thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

Bộ trưởng cho rằng, cần xác định rõ phạm vi của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Phải xác định rõ những vấn đề nào là do chưa hoàn thiện Luật và những vấn đề nào là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.

Theo Bộ trưởng, những vấn đề bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai là những cơ chế, chính sách đất đai theo định hướng cơ chế thị trường mà chưa được thể chế hóa trong Luật; những vấn đề còn tồn tại, chồng chéo, mâu thuẫn với những Luật khác liên quan hay những cơ chế, chính sách gây cản trở phát triển kinh tế xã hội…

Luật Đất đai chi phối và ảnh hưởng tới nhiều mặt kinh tế - xã hội nên không thể thay đổi liên tục, phải đảm bảo được tính ổn định, tính kế thừa và phát triển lâu dài. Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện thêm các chính sách đã có. Một số vấn đề khó khăn chưa xác định rõ là do Luật hay do quá trình triển khai thực hiện. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần này cần xác định rõ phạm vi, trong đó phải làm rõ quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đó là Nhà nước và các bên sử dụng đất.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định, quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là phải bảo vệ tốt hơn quyền và làm rõ hơn trách nhiệm các bên, nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; phải giảm được khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai và với mục tiêu huy động nguồn tài nguyên đất đai trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tổ chức những cuộc họp về các nhóm vấn đề sẽ sửa đổi, bổ sung tại Luật Đất đai lần này để tham vấn ý kiến chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu về luật pháp và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế; đồng thời, phải có sự tham gia của các địa phương từ các vùng, miền khác nhau để đảm bảo tính đa dạng. Quan trọng hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp được biết và cho ý kiến giúp việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai khi được ban hành sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và doanh nghiệp. 

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN&MT họp bàn dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới