Thứ sáu, 19/04/2024 21:21 (GMT+7)

Bộ TN&MT triển khai Nghị quyết về công tác phòng, chống thiên tai

MTĐT -  Thứ bảy, 07/07/2018 06:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang tác động nhanh đến thời tiết và tình hình thiên tai nước ta. Đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát sỏi) phía thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Kông đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. 

Thiên tai là nỗi lo sợ của nhiều người dân trên cả nước bởi sức tàn phá kinh hoàng của nó.

Vì thế, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai đã đưa ra tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới.

Mục tiêu của Nghị quyết nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai.

Nắm được chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Bộ TN&MT họp triển khai Nghị quyết số 76/NQ-CP.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan gồm: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, khoa học của các đơn vị trong bộ.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn: Tổng cục đã phối hợp xây dựng kế hoạch sơ bộ với các phương án tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan trên cơ sở các dự án, nhiệm vụ mà các đơn vị đang triển khai liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

Tại cuộc họp, các đơn vị cũng báo cáo kế hoạch chi tiết về các nhiệm vụ của từng đơn vị sẽ tham gia trong kế hoạch hành động chung của Bộ về công tác phòng, chống thiên tai như: cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chia sẻ dữ liệu vận hành hồ chứa, vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; quản lý chặt hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển; tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới; tiếp tục điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam…

Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo tại cuộc họp.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, trên tinh thần khẩn trương xây dựng kế hoạch, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị thành lập Tổ công tác xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Qua đó, rà soát các nhiệm vụ mà Bộ được giao cũng như các nhiệm vụ phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để lên một kế hoạch tổng thể, toàn diện. Đồng thời, Tổng cục Khí tượng thủy văn chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung ngay các dữ liệu về hồ chứa, các nguồn nước xuyên biên giới, các khu vực có nguy cơ sạt lở… để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo kịp thời mùa mưa lũ sắp tới.

Thứ trưởng cho rằng, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu nêu trong Nghị quyết, Kế hoạch phải quan tâm và tính toán đến một số vấn đề quan trọng như khai thác cát, sỏi lòng sông gây sụt lở lòng sông, ảnh hưởng chế độ thủy văn tại các tỉnh phía Nam; các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sắp được xây dựng…

“Vấn đề hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin trên về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới là rất quan trọng. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai thì cần phải kết hợp tốt giữa các biện pháp công trình và phi công trình theo hướng đa mục tiêu.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phòng, chống thiên tai 

Theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ TN&MT phải tập trung theo dõi diễn biến thiên tai, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ chỉ đạo ứng phó. Chú trọng đầu tư phát triển công nghệ quan trắc, ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai xuất hiện nhanh, quy mô vừa và nhỏ. 

Thiên tai tại Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất là trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm; xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống quan trắc, giám sát, cung cấp dịch vụ về khí tượng thủy văn.

Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với thực tiễn, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020. Cập nhật, công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng chi tiết làm cơ sở để rà soát, xây dựng phương án ứng phó.

Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai. 

Khai thác cát lòng sông làm tăng rủi ro thiên tai.

Kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đảm bảo vận hành an toàn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Chỉ đạo thực hiện các giải pháp để cập nhật tự động dữ liệu thông tin vận hành hồ chứa trước năm 2020.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế trong chia sẻ thông tin về khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa trên các sông xuyên biên giới nhằm chủ động trong phòng chống thiên tai.

Và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, làm cơ sở cho việc quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, sơ tán, di dời dân cư khỏi vùng thiên tai

MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Bộ TN&MT triển khai Nghị quyết về công tác phòng, chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...