Thứ sáu, 29/03/2024 12:04 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 200.000 SV thất nghiệp là do chất lượng đào tạo

MTĐT -  Thứ tư, 06/06/2018 12:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nói về tình trạng hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, có những sinh viên trong 200.000 sinh viên chưa có chất lượng đảm bảo.

Sáng nay (6/6), Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 liên quan đến: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp là do chất lượng đào tạo?

Liên quan đến vấn đề hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, VOV cho biết, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đã đặt ra câu hỏi: Theo báo cáo của Bộ LĐ – TB&XH, có hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân có cả có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người học. Giải pháp của Bộ về vấn đề này trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, 200.000 sinh viên thất nghiệp là có thật, những giải pháp căn cơ vẫn là chất lượng. Chất lượng chuẩn được kiểm định bằng chất lượng quốc tế và thị trường.

Giải pháp là mở rộng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, nâng cao chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất. Tuyển sinh phải gắn với thị trường, nhu cầu nguồn lao động, phải gắn trách nhiệm của trường với thị trường, với người học. Bộ sẽ tăng cường hậu kiểm, công khai minh bạch.

Chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế. 

Cũng liên quan đến vấn đề hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Thái Bình) hỏi: Bộ GD-ĐT hiện còn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm, trong khi Bộ LĐ-TB-XH báo cáo nước ta còn một nguồn lao động chưa đạt chất lượng cao. Vậy phải chăng 200.000 sinh viên của chúng ta được đào tạo chưa đạt chất lượng cao? Sự liên kết nào giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT trong việc giải quyết việc làm?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sinh viên trong các bậc học trình độ ĐH trở lên là chất lượng cao, tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có những sinh viên trong 200.000 sinh viên chưa có chất lượng đảm bảo. Sắp tới Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH phối hợp chặt chẽ về khâu dự báo thị trường, hạn chế số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm.

Đại biểu lo lắng về chất lượng đầu vào ngành sư phạm

Bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng đầu vào của các trường sư phạm hiện nay, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay, Bộ trưởng chưa trả lời câu hỏi trước đó của ông về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, mùa tuyển sinh năm ngoái có trường hợp chỉ 3 điểm cũng đỗ vào cao đẳng sư phạm, còn với các trường Đại học sư phạm thì hầu hết điểm đầu vào đều trên điểm sàn (15 điểm), một số trường tốt điểm đầu vào trên 20 điểm.

“Chất lượng đầu vào ngành sư phạm thấp là vấn đề rất báo động”, Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận và cho rằng, giáo viên sư phạm là "máy cái" nên chất lượng đầu vào sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung.

Ông Nhạ cho hay, Bộ đã rút kinh nghiệm và thống nhất với các trường sư phạm đề ra quyết tâm nâng cao chất lượng đầu vào. Cụ thể, chỉ xét tuyển hồ sơ giỏi khi tuyển sinh viên vào ĐH sư phạm, với các trường cao đẳng hồ sơ phải đạt khá.

Cùng vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên): Cử tri lo chất lượng sinh viên ngành sư phạm hiện nay, chất lượng đầu vào thấp? Tại sao trường sư phạm không thu hút được sinh viên giỏi? Ý kiến và giải pháp của Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, chúng tôi có giải pháp rà soát để biết được nhu cầu sử dụng giáo viên đến tận môn học để có kế hoạch đào tạo gắn với môn học. Để sao mạng lưới các trường đại học được đồng bộ, thống nhất. Chúng tôi rà soát, phối hợp với các bộ ngành liên quan để làm sao khi thông báo tuyển sinh thì người thi vào trường sư phạm thấy tương lai nghề nghiệp.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn.

Giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?

Tham gia phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu băn khoăn khi Việt Nam có 300 trường đại học, nhưng chỉ 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đại biểu nêu câu hỏi "giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng châu Á?".

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nhạ cho hay: “Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, có 5 trường được vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, đã có 2 đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới”.

Ông Nhạ cho hay đây là tín hiệu đáng mứng. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa trường trong nước với trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để đầu tư cho những trường xuất sắc.

Bộ trưởng Giáo dục cũng thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

"Nguyên nhân có nhiều nhưng trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học chủ yếu được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết chứ không xuất phát từ thực tế. Bên cạnh đó là chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính còn nhiều vấn đề…", ông Nhạ nêu lý do.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Bộ Giáo dục dẫn ra để lý giải chất lượng giáo dục đại học còn hạn chế là mức học phí. Ông Nhạ cho rằng mức học phí tại Việt Nam thấp và cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng".

"Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc 3.500 USD,... chi phí thấp nên nên chất lượng đại học khó mong đợi cao", Bộ trưởng Giáo dục nói.

Về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nhạ cho hay, Bộ sẽ cố gắng không đầu tư dàn trải, sẽ có những trường được đầu tư trọng điểm, hướng tới xã hội hóa, trong khi những trường chất lượng vừa phải có thể phải xem xét sáp nhập, giải thể.

Theo Vnexpress, bình luận về nội dung chất vấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng "vừa qua dư luận rất bức xúc về vấn đề này".

Tuy nhiên, bà Ngân nói, những trường hợp giáo viên hành xử không đúng mực chỉ là cá biệt, không phải phổ biến. "Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh:VNE.

Theo lãnh đạo Quốc hội, đại biểu muốn nói tới trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục, vì chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng về những trường hợp liên quan đến đạo đức giáo viên thì các trường mới vào cuộc.

Bà Ngân cho rằng, các trường đều có địa chỉ rõ ràng, ở đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đầy đủ. Nhưng khi xảy ra chuyện thì chính quyền địa phương, đoàn thể ở đó có biết hay không?. "Việc xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên có trách nhiệm của cả hệ thống, cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ có trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Giáo dục", Chủ tịch Quốc hội nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: 200.000 SV thất nghiệp là do chất lượng đào tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới