Thứ bảy, 20/04/2024 20:36 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều điểm nghẽn giúp vùng Đồng bằng sồng Hồng phát triển

Ngọc Tuyên -  Thứ năm, 30/03/2023 20:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Vùng Đồng bằng sông Hồng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; Thu NSNN còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất; Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm….

Ngày 30/3, tại Thái Bình diễn ra hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”. Hội thảo do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì tổ chức nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW (ngày 23-11-2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;...

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, vùng ĐBSH có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.

Trong giai đoạn vừa qua, Vùng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2022 đạt 8,93%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt 2,89 triệu tỷ đồng, chiếm 30,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 123,4 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Vùng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; Thu ngân sách Nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất; Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm; Phát triển không đồng đều giữa các tiểu Vùng và giữa các địa phương trong Vùng; Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do nhận thức về vai trò liên kết Vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; Thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối Vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng; Chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng còn thấp; Chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính lan tỏa của Vùng. Cùng với đó là bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Đứng trước các khó khăn, thách thức nêu trên, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như từng địa phương trong vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30. Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 của vùng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSH cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành.

Các tỉnh tranh thủ, tận dụng thời cơ từ các xu thế phát triển mới theo các mô hình tăng trưởng trong các Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, cam kết phát triển “xanh” với mức phát thải “ròng” về 0 vào năm 2050. Từ đó cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững kinh tế ban đêm; Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot,....

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra nhiều điểm nghẽn giúp vùng Đồng bằng sồng Hồng phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất