Thứ bảy, 20/04/2024 09:27 (GMT+7)

Bộ GTVT không đầu tư BOT trên những tuyến đường độc đạo

MTĐT -  Thứ sáu, 10/11/2017 10:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lãnh đạo bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, chỉ cho phép đầu tư theo hình thức này với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo...

Mới đây, tại cuộc họp của ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, để đảm bảo các dự án BOT minh bạch, đến năm 2019, tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động.

Trước những bất cập tại các dự án BOT, Bộ trưởng Thể nêu rõ, đối với các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã có Nghị quyết riêng về vấn đề này. Theo đó, chỉ cho phép đầu tư hình thức BOT với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp Ban Cán sự Đảng, Bộ GTVT chiều 9/11

Liên quan đến kế hoạch đầu tư trung hạn, kế hoạch hàng năm, Bộ trưởng chỉ rõ dư luận hiện nay đang nói rất nhiều đến việc tiền ít nhưng vẫn giải ngân chậm, dẫn tới các dự án chậm tiến độ. “Vậy nguyên nhân vì sao? Vướng chỗ nào, do bản thân Bộ GTVT hay do bộ ngành khác liên quan, giải pháp ra sao? Phải làm rõ từng khâu, từng bộ phận mới có giải pháp hiệu quả”.

“Sắp tới, khi triển khai bất kỳ dự án nào, phải đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị đầu tư, cũng như GPMB. Có chuẩn bị đầu tư tốt, GPMB tốt mới đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng. Muốn cho người dân, xã hội bớt bức xúc, công tác chuẩn bị dự án phải thật tốt”, Bộ trưởng nói.

"Cần nâng cao vai trò của người đứng đầu. Những người nào cảm thấy áp lực lớn quá, đề xuất lên Ban Cán sự Đảng, chúng tôi sẽ giúp các đồng chí san sẻ bớt công việc, giảm bớt áp lực. Còn đã nhận nhiệm vụ là phải hoàn thành."

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Đặc biệt, với các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư, BOT, Bộ trưởng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết riêng về BOT, chỉ cho phép đầu tư theo hình thức này với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. 

“Với những dự án BOT sắp tới, đương nhiên phải tuyệt đối tuân theo Nghị quyết trên. Tuy nhiên, với những dự án BOT đang làm dở dang, những dự án mới GPMB xong, thậm chí với những dự án BOT mới chỉ thông qua chủ trương, chưa triển khai thì sẽ như thế nào? Các đơn vị liên quan cần rà soát, thống kê, báo cáo cụ thể và đề xuất giải pháp cho từng dự án để báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng lưu ý.

Thừa nhận thời gian qua dư luận đã nói rất nhiều đến các dự án BOT, song Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Phản ứng là có, nhưng không phải tất cả người dân. Hơn nữa, khâu truyền thông của ta làm chưa tốt, chưa nhanh, chưa thực sự để người dân hiểu rõ vấn đề mà bớt bức xúc.

Dẫn ví dụ về Trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng nói: “Nếu đưa trạm thu phí về tuyến tránh, chắc chắn QL1 sẽ tiếp tục ùn tắc. Vì sao? Vì đi tuyến tránh 12km sẽ tốn phí còn đi QL1 thì không mất tiền. Nhưng QL1 đã ùn tắc rồi. Nguyên nhân do cầu Cai Lậy nhỏ, không có dải phân cách giữa, khả năng lưu thoát thấp. Qua cầu Cai Lậy là đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ, lại tiếp tục ùn ách. Kế đến là các ngã ba, ngã tư tiếp theo trong TX Cai Lậy. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, ngày lễ, Tết, thường xuyên xảy ra ùn tắc nghiêm trọng do khả năng lưu thông hạn chế. Muốn lưu thoát tốt, không ùn tắc phải mở rộng đường thị xã, mở rộng cầu Cai Lậy, như thế rất tốn kém, phải GPMB, ảnh hưởng, xáo trộn đến việc làm ăn, sinh sống, buôn bán của người dân.

Do đó, mình phải chọn phương án làm BOT tuyến tránh. Nhưng mục tiêu của dự án BOT này là để giải quyết ùn tắc ở QL1 qua TX Cai Lậy. Nếu không giải quyết được ùn tắc bên trong thì không đạt được mục tiêu ban đầu để Chính phủ đồng ý cho làm dự án, cũng như không đúng đề nghị của địa phương. Làm BOT 12km tuyến tránh rút ngắn thời gian, quãng đường đi lại không nhiều, quan trọng nhất là giải quyết ùn tắc.

Thực tế, từ khi dự án đưa vào khai thác, hoàn toàn không còn ùn ách tại đây. Tư vấn đã nghiên cứu rất kỹ, đề xuất các phương án lựa chọn. Nếu không tin, cứ đặt trạm thử ở tuyến tránh, hoặc tạm đóng tuyến tránh, sẽ thấy ngay ùn tắc như thế nào”.

Khẳng định trong thời gian tới dư luận sẽ bớt dần bức xúc đối với các dự án BOT, Bộ trưởng cũng nêu rõ: Quan trọng là phải minh bạch để người dân nắm được, hiểu được và chia sẻ. Cụ thể, minh bạch đầu vào dự án thông qua công tác quyết toán đồng thời minh bạch đầu ra thông qua việc công khai mức thu, số thu mỗi lượt, mỗi ngày. Muốn làm được điều đó, thì đến năm 2019 tất cả các trạm BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động ở tất cả các làn,

Cuối cùng, theo Bộ trưởng, trong thời gian tới cần tập trung vào công tác trung tu, duy tu sửa chữa các tuyến đường, lên danh sách đường nào cần trung tu, đại tu, quản lý cụ thể, rõ ràng. Chỉ những trục đường lưu lượng thực sự tăng thì làm đường BOT song song để người dân lựa chọn.

Trước đó, phát biểu mở đầu buổi thảo luận tại tổ về dự án Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề cập tới đầu tư BOT đã thẳng thắn chia sẻ, ngân sách hiện nay vô cùng khó khăn.

Địa hình đất nước trải dài từ Bắc vào Nam, không phải nơi nào cũng có điều kiện giống nhau nên khi thực hiện dự án phải huy động lớn nguồn vốn từ xã hội. Nhiều tỉnh phát triển kém hơn địa phương khác, không có điều kiện tạo đột phá lớn trong ngân sách Nhà nước.

Do đó, quan điểm của Chính phủ phải hình thành trục quốc lộ, cao tốc giúp kết nối các trung tâm kinh tế - chính trị quan trọng của đất nước, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trang Triệu (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Bộ GTVT không đầu tư BOT trên những tuyến đường độc đạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam