Thứ tư, 24/04/2024 02:15 (GMT+7)

Bộ trưởng GTVT: Phá nát quy hoạch gây bức xúc xã hội

MTĐT -  Thứ ba, 19/11/2019 10:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thảo luận tại tổ sáng 18/11 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu nhiều góp ý bởi các quy định của luật này có liên quan mật thiết đến ngành giao thông.

Ngày 18/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều.

Theo Zing, thảo luận tại tổ sáng 18/11 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nêu nhiều góp ý bởi các quy định của luật này có liên quan mật thiết đến ngành giao thông.

Theo Bộ trưởng Thể, khi dân cư tập trung đông, nhu cầu đi lại càng lớn, nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông.

Ông cho rằng việc thông qua quy hoạch thường làm rất nghiêm túc, triển khai lấy ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành liên quan, thành lập cả hội đồng kiến trúc và hội đồng phản biện. UBND các cấp cũng rà soát xem xét rất kỹ. Nếu triển khai đúng thì đô thị sẽ được quản lý rất tốt.

Nhưng thực tế, khi công bố quy hoạch và bắt đầu triển khai thì nảy sinh bất cập, việc thay đổi cục bộ "rất đơn giản", "quá dễ" khiến quy hoạch bị phá vỡ.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Zing.

Thậm chí, ông phản ánh thực tế quy hoạch khu đô thị, công viên hay các không gian công cộng đã được phê duyệt nhưng có nhà đầu tư lớn thay đổi cục bộ, dẫn đến mất diện tích cây xanh, diện tích công cộng. Trong khi đó, hội đồng thẩm định quy hoạch lại không biết việc này mà chỉ là một số lãnh đạo, sở, ngành tự điều chỉnh.

Ông đề xuất cấp nào ban hành quy hoạch, hội đồng gồm bao nhiêu người thì khi điều chỉnh quy hoạch cũng phải có số thành viên tương ứng.

“Khi đó việc điều chỉnh mới đảm bảo tính khách quan, tránh tình trạng một vài cá nhân điều chỉnh, phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, bức xúc xã hội”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành giao thông cũng góp ý với những khu đô thị nằm ở vùng lõi với mật độ nhà cửa, dân cư đông thì nên bớt thay đổi, vì mỗi lần thay đổi, giải phóng mặt bằng, đền bù nhà cửa hay lo tái định cư… sẽ rất tốn kém về kinh phí.

Với những khu đô thị mới, mật độ xây dựng còn thấp thì có thể biến thành những khu đô thị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.

Đặc biệt, theo ông, phải giảm mật độ xây dựng, quản lý được dân cư trên cùng diện tích. Khi đó, hệ thống giao thông xung quanh mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu.

“Hiện, ở một số nơi quản lý không chặt chẽ. Cùng một diện tích chúng ta xây nhiều nhà cao tầng, gấp đôi gấp ba số lượng dân cư và trở thành điểm nóng về ùn tắc giao thông, đi lại vô cùng khó khăn. Khu mới làm như thế rất uổng phí”, ông Thể nói.

Phá nát quy hoạch, dẫn đến ùn ứ giao thông, bức xúc xã hội.

Chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại

Theo báo Pháp luật TP. HCM, cũng góp ý vào dự thảo, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) phản ánh tình trạng “phạt cho tồn tại” đối với vi phạm về trật tự xây dựng đang rất phổ biến. Điều này làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng. “Phạt thì nhẹ, lại cho tồn tại nữa và sau đó xử lý thì chỉ có mấy ông trật tự xây dựng phường. Ai làm trong hệ thống chính trị đều thừa biết là ở cấp phường chả có quyền hành gì” - ông Dũng nói.

Nhắc lại sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực nằm gần với trụ sở Quốc hội, ông Dũng cho rằng sai phạm từ nhiệm kỳ trước đã được phát hiện nhưng đến nay xử lý chưa xong, chỉ có một vài cán bộ cấp phường, quận bị xử lý trong khi họ không có thẩm quyền quyết định nhiều trong việc cho xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực.

“Kỷ cương không nghiêm dẫn đến việc xây dựng trái phép. Tôi đề nghị điều chỉnh luật thì phải coi lại chỗ đó, dứt khoát là phải xử lý cho nghiêm. Không có chuyện phạt cho tồn tại” - ông Dũng nói.

Còn ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng câu chuyện "cắt ngọn" công trình vi phạm là vấn đề nóng, song đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu pháp luật nghiêm minh thì sẽ không xảy ra việc này. Theo ĐB này, "cắt ngọn công trình phải đồng thời cách chức vụ của những người có trách nhiệm".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng GTVT: Phá nát quy hoạch gây bức xúc xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Châu Âu tham vọng biến những dòng sông thành “cao tốc”
Liên minh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang thử nghiệm dùng sà lan để vận tải hàng thay vì dùng xe tải - vốn là loại phương tiện gây tắc nghẽn, phát thải cao. Mục đích là để đạt mục tiêu giảm khí thải chung tới năm 2050.

Tin mới