Thứ sáu, 29/03/2024 00:13 (GMT+7)

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên

MTĐT -  Thứ tư, 08/06/2022 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, đối với vấn đề tập trung đất đai, hiện nay có nhiều mô hình tập trung thành công nhờ dồn điền đổi thửa, cho thuê đất...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà, thời gian qua Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, đó là Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nghị quyết liên quan đến lĩnh vực kinh tế tập thể. Bộ TNMT sẽ cùng Bộ NNPTNT thể hiện tinh thần trách nhiệm cao thực hiện nhiệm vụ của mình ở những vấn đề liên quan.

Thứ nhất, về tập trung đất đai xây dựng nền sản xuất lớn, quan điểm của tôi cho rằng nên dùng từ tập trung. Bởi nếu là tích tụ ruộng đất thì liên quan rất nhiều vấn đề, cần tính toán lớn bởi liên quan đến chuyển đổi lực lượng sản xuất, an ninh chính trị, công ăn việc làm của người nông dân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên - Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao không nhất thiết phải có cánh đồng lớn. Ảnh: quochoi

Thời gian qua, việc tập trung đất đai trên địa bàn có nhiều hình thức rất thành công, đó là thông qua việc dồn điền đổi thửa; các hình thức liên doanh liên kết giữa các HTX, nông dân… Đặc biệt hiện nay nhiều hộ gia đình đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, liên doanh liên kết rất hiệu quả.

"Ở đây tôi muốn nhấn mạnh vấn đề vướng mắc liên quan đến hạn mức chuyển nhượng đất trồng lúa và đất lâm nghiệp (hạn mức đất lúa là 20 ha), nhưng năng lực để đầu tư của các hộ nông dân là không nhiều. Năng lực để có nhiều hộ đầu tư lớn, nhiều hộ áp dụng công nghệ cao còn rất khó" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Xu hướng các nước phát triển trên thế giới hiện nay cũng chứng minh, không phải cứ cánh đồng lớn mới áp dụng được công nghệ cao. Vấn đề là liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, nông dân, HTX như thế nào để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng diện tích đất đó.

Hiện nay chúng ta đã có tính toán quy hoạch đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nằm trong quỹ đất nông nghiệp. Nhiều địa phương đã quy hoạch được quỹ đất này với diện tích khoảng 4.710 ha, song còn nhiều địa phương khác chưa quan tâm vấn đề này.

Nhưng không chỉ là đất, mà các vấn đề vốn, giống cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ chế đất đai cho các khu nông nghiệp công nghệ cao cũng giống như cơ chế cho khu, cụm công nghiệp mà thôi.

Hiện nay, việc tiếp nhận hạn mức đất đối với DN chúng ta không hạn chế mà chỉ hạn chế ở hộ gia đình. Cho nên, tới đây khi sửa đổi Luật Đất đai, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tính đến góc độ hộ gia đình.

"Nội dung thứ 2 mà tôi thấy rất rõ trách nhiệm của mình, đó là về vấn đề suy thoái đất. Nguyên nhân là do lâu nay chúng ta lựa chọn mô hình canh tác không đúng đắn, lấy thâm canh hơn quảng canh, dùng phân bón hóa học, phân bón vô cơ để nâng cao năng suất" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt, lượng mưa cực đoan… là do biến đổi khí hậu. Hệ quả của tình trạng này sẽ là hoang mạc hóa, xói mòn, sạt lở đất... gia tăng.

Về vấn đề này, chúng ta phải xuất phát từ câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta đã có 1 bài học, hay là 1 mô hình rất thành công, đó là ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long – là 1 trong 5 đồng bằng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu với các tình trạng phèn hóa, xâm nhập mặn…

Nguyên tắc chung là chung sống thân thiện với tự nhiên, thuận theo tự nhiên. Tức là làm kinh tế phải phát triển dựa theo hệ sinh thái. Như ở ĐBSCL hiện nay có 3 hệ sinh thái.

Chủ tịch Quốc hội có gợi ý, đó là phát triển kinh tế xanh, như trong nông nghiệp hiện nay đó chính là nông nghiệp tuần hoàn. Từ khâu thiết kế quy hoạch, bố trí sản xuất cây trồng, vật nuôi phải đi với nhau thành 1 vòng tròn khép kín, giải quyết tính liên hoàn, hiệu quả, đem lại sản phẩm nông nghiệp sinh thái mà chúng ta hoàn toàn làm được.

Với 1 đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên, có thể tái tạo nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị. Thực tế, như ở Bến Tre đã khai thác rất tốt ngành dừa. Trước đây ngành này ô nhiễm, nhưng hiện nay các dòng sông đã được phục hồi lại trong xanh, từ cây dừa, bẹ dừa, lá dừa đều sử dụng được, không có cái gì phải bỏ đi.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà muốn nhấn mạnh: Nguyên tắc làm kinh tế phải dựa vào tự nhiên, cân bằng với tự nhiên; thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, cơ cấu nền kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định. Thực tế là chúng ta đã có những giống khoai tây thích nghi với xâm nhập mặn.

Thứ 3, đó là vấn đề sử dụng đất đai đảm bảo đa mục tiêu, đa giá trị. Sản xuất nông nghiệp muốn đạt hiệu quả cao, thích ứng biến đổi khí hậu thì ngành nông nghiệp phải hướng tới đa mục tiêu, không chỉ thích ứng mà còn phải tận dụng được nó, đạt mục tiêu kinh tế xanh, phục hồi rừng hấp thụ carbon.

Với nền sản xuất nông nghiệp đa dạng sinh học, nhiều loài quý hiếm, chúng ta hoàn toàn có thể biến nó thành du lịch nông nghiệp. Đất đai sẽ trở thành đất đa mục tiêu, trong đó có dịch vụ, chế biến, du lịch sinh thái, dược liệu…

Sắp tới Bộ TNMT sẽ trình Luật Đất đai sửa đổi, và đó là những vấn đề sẽ được quan tâm.

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo danviet.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.