Thứ sáu, 19/04/2024 15:24 (GMT+7)

Bộ Văn hóa phá Đàn Xã Tắc?

MTĐT -  Thứ ba, 09/04/2013 08:40 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Không thể xác định bán kính dự án rộng tới đâu, nhưng trong quá trình thì công dự án, nếu phát hiện có dấu tích Ban quản lý sẽ cho dừng dự án ngay và triển khai các phương án bảo vệ."

Giám đốc Ban QLDATĐ: Bộ Văn hóa cho cầu vượt đi qua đàn Xã Tắc

Ngày 26/3, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm (Ban QLDATĐ) giao thông đô thị Hà Nội cho biết, phương án kiến trúc cầu vượt trực thông ngã 5 Ô Chợ Dừa hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã tắc và nhà dân. Mố cầu nằm ngoài di tích còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này.

Theo chủ đầu tư, cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa bằng bê tông theo hướng vành đai 1 dài khoảng 510m, mặt cắt ngang rộng 14m gồm 4 làn xe. Ngoài ra, còn có hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, tổ chức giao thông… với tổng chi phí 766 tỷ đồng. Cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành năm 2015.

Tuyến vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cũng đang được các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vào quý 2, để có thể thông xe kỹ thuật trong năm nay. Theo ông Bảo, đoạn đường này đã thi công được khoảng 20% khối lượng.

Ông Bảo vẫn khẳng định, dự án cầu vượt Ngã 5 Ô Chợ Dừa không xâm hại di tích Đàn Xã Tắc. "Tôi khẳng định dự án dứt khoát không xâm phạm diện tích. Bất cứ việc gì Ban quản lý làm đều phải được thống nhất với Bộ VHTTDL. "Trả lời về vấn đề bảo tồn di tích là trách nhiệm của Bộ VHTT&DL".

Cũng theo ông Bảo, đối với dự án này, hiện đang có khoảng mười 15-17 phương án, đang trình Chính phủ phê duyệt.

Ngày 3/4, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Minh Đức - Trưởng phòng KHTC Ban QLDA trọng điểm cho biết: "xác định đây là khu vực có di tích quốc gia cần được bảo vệ, nên trong quá trình lập dự án Ban quản lý đều có sự thỏa thuận, phối hợp với các Bộ ngành, Sở Hà Nội như Sở giao thông, Sở Tư pháp, Sở xây dựng, Sở văn hóa, Cục di sản...Diện tích được Bộ VHTTDL khoanh vùng bảo vệ vào khoảng hơn 1000m2. Vì không phải là nhà khảo cổ học nên chúng tôi không xác định được trọng tâm nằm ở đâu. Tuy nhiên, theo khoanh vùng của Bộ Văn hóa thì Ban chắc chắn không xâm phạm."

Ông Đức khẳng định, không thể xác định bán kính dự án rộng tới đâu, nhưng trong quá trình thì công dự án, nếu phát hiện có dấu tích Ban quản lý sẽ cho dừng dự án ngay và triển khai các phương án bảo vệ.

Bộ Văn hóa cho phép... phá đàn Xã Tắc?

Tại công văn số 2461/BVHTTDL-DSVH ngày 3/8/2011 Bộ VHTT&DL cũng đã thống nhất với Sở VHTTDL Hà Nội và Ban quản lý dự án trọng điểm Hà Nội về việc thống nhất phương án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa (p. án 2). Theo đó, phương án lựa chọn có trụ cầu và làn đường nằm ngoài phạm vi Đàn Xã Tắc, lan can phải của tuyến trùng với bó vỉa đảo giao thông - là chỉ giới khu vực I của di tích khả cổ Đàn Xã Tắc.

Tuy nhiên, ngày 17/5/2012 căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là tìm phương án tránh giải phóng mặt bằng; Theo đó, đề nghị sửa đổi phương án kiến trúc đã được thỏa thuận.

Ngày 25/7/2012 Bộ VHTT&DL đã có công văn trả lời thống nhất với phương án tổ chức cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Nhưng khi thi công cần tính toán kỹ lưỡng giải pháp thi công phần móng các trụ cầu để tránh ảnh hưởng đến khu vực di tích Đàn Xã Tắc. Trong trường hợp phát hiện dấu tích kiến trúc hoặc di vật , cổ vật thì phải thông báo với cơ quan chức năng.

Như vậy, với phương án xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1 của Ban QLDATĐ Hà Nội đang trình Chính phủ phê duyệt...và dựa vào văn bản thỏa thuận của Bộ VHTT&DL ngày 25/7 nghĩa là Bộ VHTT&DL đã đồng ý thỏa thuận để chủ đầu tư xây cầu vượt trong vùng di tích Đàn Xã Tắc.

TS Nguyễn Hồng Kiên - chuyên viên Viện khảo cổ học cũng chính là người thực hiện khai quật di tích Đàn Xã Tắc khẳng định:

"Giải thích của Ban QLDATĐ Hà Nội, khu vực khoanh vùng bảo vệ 1000m2 là chưa đủ. Khu vực bảo vệ bây giờ chỉ là khoanh vùng bảo vệ khu vực đã đào chưa phải là khu vực khuôn viên Đàn Xã Tắc cần phải bảo vệ.

Di tích Đàn Xã Tắc hiện tại chưa xác định được phạm vi. Nhưng qua thông sử thì có thể khoanh được vùng tương đối rộng. Về phía Tây, diện tích Đàn Xã Tắc còn kéo dài qua cả đường Nguyễn Lương Bằng, phía Bắc sát với Đê La Thành.

Theo phong thủy, một cái đàn bắt buộc phải có một cái hồ, nghĩa là cả Hồ Xã Đàn, khu vực giáp Trung Tự cũng thuộc khuôn viên của Đàn Xã Tắc.

Nếu xây cầu chắc chắn các mố cầu sẽ xâm phạm tới di tích. Nếu không vào phần đã khai quật thì cũng rơi vào phần chưa khai quật. Mà rơi vào phần chưa khai quật thì còn tệ hại hơn cả phần đã được khai quật rồi".

Việc khai quật di tích chắc chắn Bộ VHTTDL phải nắm rõ, hơn nữa phạm vi, bán kính của di tích không phải Bộ VHTTDL không biết, nhưng lại có văn bản thỏa thuận đồng ý cho Chủ đầu tư thi công dự án không khác nào Bộ VHTTDL đã thỏa thuận cho Chủ đầu tư phá di tích đặc biệt quan trọng?

Ông Trần Đình Thành - Phó phòng quản lý di sản- Bộ Văn Hóa giải thích: Nói Bộ Văn Hóa và Cục di sản đồng ý cho chủ đầu tư phá di tích là không đúng. Theo Luật di sản sửa đổi và bổ sung năm 2009, khu vực bảo vệ di sản có vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2. Theo luật di sản trước kia quy định vùng 1 là khu vực "bất khả xâm phạm", tuy nhiên theo luật sửa đổi và bổ sung mới thì được phép xây dựng tại khu vực 1 nhưng phải được sự thống nhất của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Chính vì vậy, Bộ đã có một văn bản thỏa thuận thống nhất về dự án cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa, để phục vụ nhu cầu dân sinh.

Tuy nhiên, trong phương án mới có tính đến yếu tố hài hòa di tích, có ảnh hưởng đến yếu tố gốc hay không thì Bộ văn hóa phải chịu trách nhiệm.

Nguyễn Vũ (Baodatviet Ngày 9/4/2013)

Bạn đang đọc bài viết Bộ Văn hóa phá Đàn Xã Tắc?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Tự...
Ta mạnh mẽ không phải ta không khóc///Thực chỉ là nước mắt ngược vào trong///Bởi ta biết giữa biển đời mênh mông///Sông núi rộng - hành trình ta tự bước
Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.