Thứ năm, 18/04/2024 12:31 (GMT+7)

Bộ Xây dựng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản

MTĐT -  Thứ tư, 18/05/2022 09:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản (BĐS) trong GDP các năm gần đây khoảng 11%, trong đó đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS thời gian vừa qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Chưa đồng bộ quy định về thị trường BĐS

Cụ thể, Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như: thống nhất về hình thức lựa chọn (đấu giá, đấu thầu, chỉ định) chủ đầu tư dự án có sử dụng đất. Các quy định liên quan đến việc xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng, quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Quy định về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại BĐS mới, BĐS hỗn hợp, đa chức năng...

Bên cạnh đó, việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Đồng thời, nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất.

Cùng với đó, kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các địa phương còn rất hạn chế so với kế hoạch đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Mặt khác, giá BĐS nhà ở tăng cao so với thu nhập của người dân. Cụ thể, tại Hà Nội và TP.HCM hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 triệu/m², giá nhà ở riêng lẻ, đất ở tại nhiều dự án rất cao, lên đến 200 triệu/m² thậm chí hơn. Trong khi đó, giá đất ở tại khu vực trung tâm nhiều đô thị đều ở mức trên 100 triệu/m².

Đáng chú ý, các sàn giao dịch BĐS hình thành, hoạt động mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa đảm bảo kiểm soát đầy đủ được thông tin, tính pháp lý trong giao dịch BĐS đặc biệt là các BĐS của doanh nghiệp, chủ đầu tư; còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “ thổi giá”, gây “sốt ảo” làm nhiễu loạn thị trường BĐS.

Bộ Xây dựng cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt; một bộ phận môi giới BĐS còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp; còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" BĐS tự do không có chứng chỉ hành nghề.

Trong khi đó, giao dịch BĐS chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh BĐS còn khá phổ biến.

Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường BĐS chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.

Theo Bộ Xây dựng, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường BĐS tại một số địa phương chưa đồng bộ, một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền thiếu kiểm soát.

Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro đặc biệt trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

“Chính sách thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh BĐS chưa phân biệt được giữa người sử dụng và và đối tượng đầu tư, kinh doanh đặc biệt mua đi, bán lại nhiều lần dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ BĐS” – Bộ Xây dựng cho biết.

Giải pháp phát triển thị trường BĐS bền vững

Từ thực tiễn và các bài học kinh nghiệm của các nước về quản lý thị trường BĐS, để đảm bảo thị trường BĐS trong thời gian tới phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp.

Cụ thể như: khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật đấu thầu (sửa đổi)… để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh BĐS, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường BĐS.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường BĐS, hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh BĐS, thị trường BĐS trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS, hoạt động sàn giao dịch BĐS, hoạt động môi giới BĐS, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh BĐS để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh BĐS....

Trong báo cáo đánh giá toàn diện thị trường BĐS năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 và dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường BĐS trong quý I/2022 cũng đã có dấu hiệu hồi phục và phát triển tốt với tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021.

Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao, hầu như không phát sinh lượng BĐS tồn kho mới, tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần. Thị trường BĐS đã cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán để sử dụng.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Xây dựng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Sản phẩm bất động sản nào đang được lòng giới đầu tư?
Vinhomes Ocean Park 2 - 'Quận Kinh đô' của Ocean City đang 'dậy sóng' mùa hè này, không chỉ bởi lực cộng hưởng từ tổ hợp biển tạo sóng nhân tạo lớn nhất thế giới mà còn từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ từ nội đô để 'về phố, sống biển'.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.