Thứ bảy, 20/04/2024 21:52 (GMT+7)

Bộ Y tế nói gì về lùm xùm trong chương trình Sữa học đường

Thu Thủy- Trúc Mai- Trần Hường -  Thứ năm, 04/10/2018 07:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo quy định về tiêu chuẩn sữa tươi của Sữa học đường báo cáo lại Thủ tướng. Việc áp dụng đề án này ở mỗi tỉnh là rất khác nhau", đại diện Bộ Y tế nói.

Vụ sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) là đơn vị trực tiếp lên kế hoạch và đề xuất với Chính phủ về Đề án sữa học đường đang được dư luận rất quan tâm những ngày qua.

Để có cái nhìn tổng thể về chương trình này, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi với TS.BS Trần Đăng Khoa – Phó vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Vụ SKBMTE).

PV: Thưa ông, đề án sữa học đường có từ khi nào và phạm vi triển khai đã ở mức độ nào trong cả nước?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Vụ SKBMTE là đầu mối trình lên Chính phủ, xây dựng đề án này phối hợp cùng các một số đơn vị như Viện dinh dưỡng, Bộ Giáo dục Đào tạo,… Bộ Y tế chủ trì và giao cho các tỉnh triển khai dự án. Đối tượng thụ hưởng là học sinh thuộc Bộ Giáo dục, cần về chuyên môn thì có Bộ Y tế.

Đề án được xây dựng từ năm 2014 - 2015, đến ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án này thì mới bắt đầu triển khai. Tuy nhiên khi duyệt đề án thì không có kinh phí từ ngân sách, các địa phương không có ngân sách cho đề án nên mới huy động từ các nhà tài trợ, ví dụ các công ty sữa cùng đóng góp với các trường, các tỉnh. Tỉnh nào có ngân sách có thể bỏ ra một phần, thứ 3 là gia đình đóng góp một phần.

Chưa có quy định của Bộ Y tế về sữa tươi riêng dành cho chương trình Sữa học đường thì các tỉnh vẫn triển khai, vẫn dùng các sữa và theo tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay chứ không phụ thuộc vào Bộ Y tế ban hành quyết định. Trước đây Bộ Y tế đã ban hành quy định tạm thời về Sữa học đường rồi.

Trước đó cũng có một số hội nghị đề xuất triển khai trong miền Nam, tiếp nối là Sở GD-ĐT Nghệ An cũng có đề xuất đưa phương án triển khai theo Vụ SKBMTE.

Hiện nay, mới chỉ có một vài tỉnh thực hiện theo đề án, tuy nhiên các tỉnh đó cũng không hẳn triển khai toàn bộ các trường trong địa bàn mà chỉ hỗ trợ một số trường.

Khi ban hành đề án là tiến hành triển khai, không có chữ “thí điểm” trong quyết định, không có tính chất bắt buộc các gia đình phải tham gia.

BS.TS Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ chăm sóc bà mẹ - trẻ em trả lời phỏng vấn về Đề án Sữa học đường.

PV: Với tư cách là cơ quan khởi xướng, cùng với chức năng chuyên môn của mình, Bộ Y tế có đưa ra các tiêu chí cụ thể nào về chất lượng sữa cần được đáp ứng để một đơn vị được trúng thầu?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Trong đề án không đưa ra tiêu chí trúng thầu mà nguyên văn trong quyết định của Thủ tướng là: Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay bộ Y tế đang trong quá trình xây dựng quyết định, tiêu chuẩn sữa tươi của Sữa học đường theo đúng chỉ đạo bằng văn bản của Thủ tướng.

Trong dự thảo quyết định của Vụ SKBMTE đang có đề xuất bổ sung 3 thành phần: chất sắt, canxi và vitamin D. Trong quyết định của Thủ tướng có giao chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu về sắt, canxi, vitamin D của trẻ Mẫu giáo và Tiểu học thêm 30% vào năm 2020. Như vậy, để đạt được mục tiêu này, Vụ có dự thảo đề xuất đưa 3 chất này vào chương trình Sữa học đường.

PV: Vì độ tuổi trẻ em tham gia chương trình kéo dài từ trẻ mẫu giáo 3 tuổi đến hết cấp 1 ứng với trẻ 11 tuổi. Vậy theo ông, các hàm lượng, khối lượng chất dinh dưỡng trong mỗi hộp sữa cho mỗi lứa tuổi cần có sự phân chia rõ ràng hay không?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Vấn đề này Viện dinh dưỡng sẽ có trách nhiệm cùng với Vụ SKBMTE, Bộ Y tế cùng với các Bộ, Cục khác đưa ra các khuyến cáo dùng sữa như thế nào ở các lứa tuổi. Hiện nay đang dự thảo quyết định của Bộ Y tế nên chưa có ban hành các quy định cụ thể. Dự thảo quyết định đang được xây dựng gần 1 năm nay, trong đó quy định về tiêu chuẩn sữa tươi của Sữa học đường.

Có một vướng mắc là trong quyết định của Thủ tướng chỉ có quy định về mỗi sản phẩm sữa tươi thôi. Nhưng chúng tôi băn khoăn là ở các vùng miền khác thì tính sao. Nên có lẽ cũng phải trình, báo cáo lại Thủ tướng, có thể là mở rộng, không phải chỉ sữa tươi nữa, mà có cả thành phần sữa khác.

"Việc áp dụng Đề án Sữa học đường ở mỗi tỉnh là rất khác nhau" - ông Trần Đăng Khoa cho biết.

PV: Trong quá trình thực hiện, nếu không may xảy ra tình trạng sữa có vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh thì trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị hay cá nhân nào thưa ông?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Hà Nội tổ chức đấu thấu thì phải hỏi Hà Nội. Chúng tôi không tiến hành đấu thầu thì chúng tôi không thể trả lời được câu hỏi này. Nếu Bộ Y tế đứng ra đấu thầu thì chúng tôi có thể lường trước được tất cả các điều sẽ xảy ra.

Thực tế tùy từng địa phương tổ chức. Chúng tôi được biết có những địa phương không phải tổ chức đấu thầu mà có những công ty sữa họ tài trợ cho toàn bộ cho một số trường. Ví dụ có 1 công ty sữa có khả năng, tiềm lực mạnh sẵn sàng tài trợ cho một vài trường tại một miền quê nào đấy mà sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn sữa tốt, sữa Việt Nam,… thì khi xảy ra vấn đề gì như ngộ độc thì công ty sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy việc áp dụng đề án này trên cả nước là khác nhau. Ví dụ có tỉnh là cho không, có tỉnh phải đấu thầu, có tỉnh đi xin tài trợ được,…

PV: Qua 2 năm Thủ tướng ra quyết định phê duyệt chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế và các Bộ ngành khác có sự liên kết như thế nào trong quá trình thực hiện Đề án này?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Trong đề án giao cho Bộ Y tế là đầu mối triển khai, phối hợp với Bộ GD – ĐT. Hiện tại có 1 số tỉnh có các công ty sữa đến họ lại làm việc trực tiếp với bên Sở Giáo dục – Đào tạo vì đó là đối tượng thụ hưởng. Sở GD-ĐT phối hợp các trường triển khai. Sau đó có báo cáo về Sở Y tế. Cũng có tỉnh làm việc trực tiếp với Sở Y tế và cùng phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai. Một số công ty liên hệ thẳng với Sở GD-ĐT để triển khai, một số liên hệ với Sở Y tế. Trong đề án là giao cho Bộ Y tế là đầu mối triển khai.

PV: Ông có suy nghĩ, đánh giá thế nào về Đề án này?

TS.BS Trần Đăng Khoa: Chương trình này rất tốt, không chỉ ở Hà Nội đâu vì Hà Nội tỉ lệ suy dinh dưỡng không cao như các tỉnh khác, đặc biệt các tỉnh vùng núi, Tây Nguyên, Tây Bắc. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở các địa phương này cao gấp 3 lần các tỉnh đồng bằng. Do vậy chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung  sữa và các vi chất cho các cháu để giảm tình trạng suy dinh dưỡng và góp phần nâng cao thể lực. Nếu cả nước đồng loạt triển khai cùng các công ty hoặc có nguồn ngân sách thì rất tốt cho các cháu.

Xin chân thành cảm ơn ông.

Bạn đang đọc bài viết Bộ Y tế nói gì về lùm xùm trong chương trình Sữa học đường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hàng loạt nguy cơ sức khoẻ khi thời tiết nắng nóng
Cái nóng như thiêu đốt đem lại gánh nặng và các bệnh liên quan đến nắng nóng (nhiệt) thường là tăng thân nhiệt. Tăng thân nhiệt đề cập đến bất kỳ tình trạng nào mà cơ thể không thể duy trì nhiệt độ và xử lý nhiệt đúng cách.
Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...
Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất