Thứ năm, 25/04/2024 01:40 (GMT+7)

Bước chuyển cơ bản tạo hành lang pháp lý cho EPR

Hà Hồng -  Thứ sáu, 22/04/2022 14:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hằng chục năm trước đây nhiều nước trên thế giới đã hình thành và phát triển hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Tuy vậy chỉ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, Hệ thống EPR mới thật sự có hành lang pháp lý để vận hành và phát triển.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP (Nghị định 08) quy định chi tiết những điều chỉnh căn bản về chính sách EPR. Mô hình EPR tự nguyện đã chuyển sang mô hình EPR bắt buộc với những quy định cụ thể về tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc đối với từng sản phẩm.

Bước chuyển cơ bản tạo hành lang pháp lý cho EPR - Ảnh 1
Chương trình thu đổi rác tái chế tại Đà Nẵng do PRO Vietnam và Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức, được triển khai thực hiện bởi Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng

Hành lang pháp lý

Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Sau đó EPR được thực hiện theo Quyết định 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được áp dụng với 5 nhóm ngành hàng gồm: Ắc quy và pin; thiết bị điện, điện tử; dầu nhớt các loại; săm, lốp và phương tiện giao thông. Trong đó, thời hạn thu hồi và xử lý được áp dụng cho phương tiện giao thông từ 1/1/2018 còn các nhóm còn lại từ 1/7/2016. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn khiêm tốn.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường về thể chế với nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và tiếp cận quản lý chất thải rắn dựa trên nguyên tắc thị trường. Một trong những thay đổi đó là quy định về EPR. Lần này EPR được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Điều 54 và 55 trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra hai công cụ chính sách hướng tới nhà sản xuất, nhập khẩu, bao gồm trách nhiệm đóng góp tài chính và trách nhiệm thu gom, tái chế sản phẩm bị thải bỏ sau quá trình sử dụng. Đây cũng là hai công cụ chính sách nền tảng để thực hiện các tiếp cận EPR trong quản lý chất thải rắn, được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất. Điều 55 quy định trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất. Điều 54 nêu rõ, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo một trong các hình thức sau đây:Tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì; đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì; tổ chức, cá nhân phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hằng năm đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp đã đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Việc đóng góp, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Mức đóng góp tài chính và mức kinh phí hỗ trợ tái chế được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì; đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm; việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật.

Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Theo đó tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm. Tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính, vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam với mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì. Các hoạt động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phục vụ hoạt động xử lý chất thải bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; nghiên cứu, phát triển công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 (Nghị định 08) quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập cảnh, với trách nhiệm tái chế nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói của mình đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc từ Điều 77 đến điều 79 tại Chương VI: Trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì để đưa ra thị trường Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo lộ trình sau đây: Bao bì và các sản phẩm ắc quy, pin; dầu nhớt; săm lốp: từ ngày 1/1/2024; Sản phẩm điện, điện tử: từ ngày 1/1/2025; Phương tiện giao thông: từ ngày 1/1/2027.

Điều 78 của Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ định nghĩa tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc. Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm. Tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định trên cơ sở vòng đời, tỷ lệ thải bỏ, tỷ lệ thu gom của sản phẩm, bao bì; mục tiêu tái chế quốc gia, yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn hình thức tổ chức tái chế như: Tự thực hiện tái chế; thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế; ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái; kết hợp cách thức nói trên. Đồng thời các nhà sản xuất, nhập khẩu không tự thực hiện tái chế khi không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Định hướng phát triển

Để thực thi EPR với những quan điểm mới, ngành bao bì đang có những lợi thế lớn, đặc biệt là với sự thành lập của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Việc thành lập liên minh này được các chuyên gia nhận xét là "hình thức sơ khai của tổ chức thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”.

Bước chuyển cơ bản tạo hành lang pháp lý cho EPR - Ảnh 2
PRO Việt Nam triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thay đổi hành vi người tiêu dùng với rác thải.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Pro Việt Nam cho rằng: Giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cần phối hợp, gắn kết để đưa được mô hình EPR phù hợp nhất, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cho biết: Trong quá trình thu gom và tái chế vỏ bao bì đã qua sử dụng nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành bao bì tại Việt Nam, các nhà sản xuất đang gặp phải một số thách thức lớn. Thí dụ như: Việt Nam có nhiều hệ sinh thái khác nhau , chính vì vậy các nhà sản xuất hoặc tổ chức đại diện phải chạy từ 7 đến 8 dự án thí điểm để có cái nhìn tổng quan. Trong khi nguồn nhân lực và tiềm lực tài chính lại có hạn. Các vật liệu tái chế đang được thu gom bởi các đơn vị chính thức hoặc không chính thức , trong khi khối lượng rác thải không có giá trị cần thu gom lại chiếm số lượng lớn; cần có dự án quy mô lớn để đánh giá kết quả, sáng kiến của từng công ty mang lại. Để giải quyết những khó khăn nói trên, Bà Đào Thu Vinh, điều phối viên Croplife Việt Nam cho biết , chính sách EPR là một trong những chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy thực thi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tại Việt Nam, tuy nhiên để bảo đảm chủ trương trên trở thành hiện thực và triển khai một cách hiệu quả, bền vững, các quy định liên quan đến đối tượng và lộ trình thực hiện EPR cần được cân nhắc và áp dụng phù hợp đối với từng sản phẩm. Riêng với sản phẩm bao bì, Croplife Việt Nam cho rằng các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp các đối tượng có liên quan chưa đầy đủ. Bên cạnh đó các quy định về cách thức báo cáo và quản lý số lượng bao bì thu gom như hiện nay là chưa rõ ràng.

Để thực hành hiệu quả "công cụ” EPR, bà Nguyễn Hoàng Phượng, chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật cùng một số chuyên gia cho rằng cần xác định rõ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất có nghĩa vụ thực thi EPR phải là những doanh nghiệp có tác động cũng như quyền quyết định chuỗi sản xuất, từ đó tạo ra sự đồng bộ ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu cho tới công đoạn thu gom, xử lý. Cần có tiêu chí phân loại bao bì đối với bao bì dịch vụ, tức là loại bao bì chỉ sử dụng để chuyển hàng hóa cho người tiêu dùng như bìa các tông hay túi ni - lông. Mở rộng định nghĩa về bao bì bởi hiện nay các loại bao bì chất lượng cao như vỏ lon nhôm, chai nhựa PET hiện nay đang được thu gom rất hiệu quả bởi lực lượng thu gom rác thải phi chính thức. Do đó, định nghĩa hẹp về bao bì sẽ tiềm ẩn sự xung đột trong việc thu gom. Những doanh nghiệp lớn cần phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện EPR. Ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch PRO Việt Nam cho rằng, quy định về việc miễn trách nhiệm thực thi EPR cho doanh nghiệp nhỏ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng bởi có thể trở thành nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ đánh mất đi động lực trưởng thành, mở rộng quy mô.

Để thực hiện hiệu quả các quy định mới về EPR trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08, chúng tôi được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện EPR và Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai. Những quyết định này sẽ làm rõ cơ cấu, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Hội đồng EPR; Văn phòng EPR, đồng thời, vạch ra lộ trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; kế hoạch truyền thông về EPR. Tổ công tác tư vấn thúc đẩy thực hiện EPR có nhiệm vụ tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các chính sách, giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm mở rộng đối với các sản phẩm, bao bì. Tổ công tác được hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhânh trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong năm 2022, Tổ công tác sẽ cùng với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư Quy chế quản lý thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu; Thành lập Hội đồng EPR quốc gia, Quy chế và hoạt động của Hội đồng; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR; Xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia; Xây dựng Đề án Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia; Tập huấn và nâng cap năng lực cho nhân sự tại Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR. Từ năm 2022-2025, sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về mức chi phí tái chế; Quyết định quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông; Vận hành Hội đồng EPR; Vận hành và phát triển Công thông tin điện tử EPR; Thực hiện các hoạt động truyền thông về EPR; Xây dựng, công bố báo cáo EPR quốc gia.

Đó là các giải pháp cơ bản để tạo hành lang pháp lý nhằm xây dựng và phát triển mạng lưới EPR tại Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Bước chuyển cơ bản tạo hành lang pháp lý cho EPR. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành