Thứ bảy, 20/04/2024 05:13 (GMT+7)

Bước đi chủ động của TP.HCM giữa đại dịch Covid-19

MTĐT -  Thứ hai, 13/04/2020 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước yêu cầu vừa phòng dịch, vừa không để kinh tế đình trệ, Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 của TP.HCM đưa ra đã giúp tháo gỡ nút thắt cho chính quyền và doanh nghiệp.

16h, bà Hòa (51 tuổi) lại len lỏi qua dòng người tan ca để tới nhà xe của khu công nghiệp. Là người đã làm việc lâu năm tại đây, bà không còn lạ với cảnh tượng hàng nghìn công nhân tấp nập ra về cùng 1 thời điểm.

Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) với gần 30.000 người lao động tại hơn 150 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đa ngành. Bà Hòa cho biết điểm khác duy nhất trong thời gian cách ly xã hội là người nào cũng đeo khẩu trang, còn khung cảnh chen chúc giờ tan tầm thì không mấy thay đổi.

Cùng thời điểm, lực lượng CSGT phải làm việc cật lực tại lối ra vào khu công nghiệp Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM). Với số lao động thống kê được khoảng 72.000 người, hàng nghìn xe máy luồn lách qua hàng trăm xe khách cỡ lớn trên đoạn đường dài vài km thuộc quốc lộ 1A.

Cảnh tượng hàng nghìn công nhân tấp nập ra về trong thời gian cách ly xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trước đó, từ ngày 30/3, hai ngày trước lệnh cách ly xã hội của Thủ tướng có hiệu lực, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã tính đến phương án dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn để đảm bảo an toàn trong phòng, chống Covid-19.

"Đại dịch này không phải cơ hội để kinh doanh. Kinh doanh mà phá hỏng công cuộc phòng, chống dịch là có tội với đất nước", ông Nhân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM có 11 khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô lớn đang giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn người. Việc dừng hoạt động sản xuất là quyết định không dễ.

Không cấm sản xuất nhưng phải an toàn

Hàng loạt biện pháp, phương án ứng phó được Chính phủ đưa ra kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ghi nhận ngày 23/1. Nhằm nâng cao mức độ cảnh giác với dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong khoảng "thời gian vàng" 15 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 16 về cách ly xã hội từ ngày 1/4.

Việc cách ly xã hội được đưa ra trong khoảng thời gian này nhằm nâng cao mức độ cảnh giác với dịch bệnh và hạn chế thấp nhất lây nhiễm trong khoảng “thời gian vàng” 15 ngày.

Sau 7 ngày đầu tiên cách ly xã hội, cả nước có 42 ca nhiễm mới và thêm 64 bệnh nhân xuất viện. Đi cùng những kết quả khả quan ban đầu, dấu hiệu của sự chủ quan trước dịch bệnh dần xuất hiện.

Từ ngày thứ 6 thực hiện cách ly xã hội, một số tuyến đường tại khu vực trung tâm các thành phố lớn đông đúc trở lại. Tại Hà Nội, từng tốp người với mật độ ngày càng đông dừng đỗ đèn đỏ dọc trục đường Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh... vào giờ tan tầm.

Cũng khoảng thời gian trên, các phương tiện chen chúc nhau di chuyển tại những trục đường dẫn vào trung tâm TP.HCM nằm tại quận 1, quận 3. Phía ngoại ô thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn hoạt động trong mùa dịch. Dù ban quản lý đã bố trí tan ca theo từng khung giờ khác nhau, nhưng dù trong khung giờ nào, cảnh tượng đông đúc, ùn tắc vẫn diễn ra.

Các tuyến đường một số thành phố lớn đông đúc trở lại từ ngày 6/4. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định việc hàng triệu công nhân đi làm hàng ngày hiện nay đang là nguy cơ lớn lây lan Covid-19 và có thể gây bùng phát dịch. TP.HCM cần kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức sản xuất, nghiên cứu để các nhà máy hoặc tạm dừng hoạt động, hoặc giảm tới mức thấp nhất khả năng lây nhiễm thì mới được tiếp tục sản xuất.

“Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây gây rủi ro cho an toàn người dân", Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động được nhắc đến gần như hàng ngày trong các buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM. Giữa khoảng thời gian được đánh giá là "giai đoạn vàng" chống dịch, vấn đề mới được đặt ra cho chính quyền thành phố là làm sao để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, không để nền kinh tế lâm vào trạng thái đình trệ.

Ngay khi có dấu hiệu mất an toàn trong lao động sản xuất, ngày 4/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn lãnh đạo, trực tiếp đi thị sát tại một số cơ sở.

Tại một nhà máy bên trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), ông Thành Phong yêu cầu việc thực hiện phòng dịch cần được quán triệt tới từng người lao động, chỉ cần một người nhiễm Covid-19, cả phân xưởng, ký túc xá phải cách ly và mất thu nhập là điều khó tránh khỏi.

"Bảo vệ sức khỏe của người lao động là bảo vệ sản xuất, chỉ cần một công nhân nhiễm bệnh, toàn bộ dây chuyền sẽ chịu ảnh hưởng lớn", ông Nguyễn Thành Phong nhận định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trực tiếp đi thị sát các doanh nghiệp. Ảnh: HMC.

Thử nghiệm tiên phong

Sau khi kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng những vướng mắc trong việc thực hiện Chỉ thị 16 đối với trường hợp này.

Cụ thể, UBND TP.HCM cho rằng đa số doanh nghiệp hoạt động theo dây chuyền sản xuất cố định, khó đáp ứng yêu cầu “không quá 20 người trong một phòng, yêu cầu thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người...”.

Trong lúc chờ hồi đáp từ Chính phủ và các cơ quan Trung ương, Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp được TP.HCM ban hành ngày 6/4 như một lời giải cho bài toán trên.

Bộ chỉ số gồm tổng cộng 10 tiêu chí, trong đó 6 tiêu chí đánh giá dựa trên việc tuân thủ quy định phòng chống dịch của công nhân trong khu công nghiệp, 2 tiêu chí liên quan xe đưa rước công nhân. Hai chỉ số còn lại dựa trên việc công ty phát khẩu trang cho nhân viên và có làm ca đêm.

Các cơ sở có chỉ số rủi ro lây nhiễm rất cao, từ 80% đến 100% sẽ không được hoạt động. Với chỉ số từ 80% trở xuống, doanh nghiệp theo mức độ được hoạt động bình thường hoặc phải có giải pháp giảm rủi ro.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đông đức giờ tan tầm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để đẩy nhanh tốc độ đánh giá phòng dịch, đoàn liên ngành của thành phố gồm Sở Y tế; Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trên 3.000 lao động.

UBND quận, huyện kiểm tra doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 lao động còn UBND phường, xã, thị trấn được giao giám sát các doanh nghiệp dưới 1.000 lao động.

Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân xưởng, nhà máy tự thực hiện dựa trên hướng dẫn về các biện pháp an toàn dịch bệnh. Để đảm bảo khách quan và tính nghiêm túc, các tổ kiểm tra tiếp tục tới cơ sở để giám sát việc tự đánh giá của doanh nghiệp.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp ngày 9/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết công ty Pouyuen, nơi có khoảng 70.000 lao động - thuộc nhóm xí nghiệp lớn nhất TP.HCM, đã tự đánh giá chỉ số tính rủi ro lây nhiễm là 52%. Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác liên ngành đánh giá lại việc tự chấm điểm thì kết luận chỉ số lây nhiễm của đơn vị này lên đến 91%.

Sau đó ở buổi làm việc gần nhất với công ty Pouyuen tối 10/4, đoàn công tác đã thống nhất yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động trong 3 ngày (13/4 đến hết 15/4) để khắc phục theo hướng dẫn của Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19. Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM sẽ kiểm tra công tác khắc phục trước khi xem xét cho tiếp tục hoạt động.

Các doanh nghiệp chỉ được sản xuất khi đáp ứng được tiêu chí phòng, tránh Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc ban hành bộ chỉ số đánh giá trên là bước đi mang tính chủ động, quyết liệt của TP.HCM trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Chu Tiến Dũng thì cho rằng chỉ đạo này của UBND TP.HCM mang ý nghĩa khuyến cáo, giúp doanh nghiệp tự nhận diện và đánh giá rủi ro tại cơ sở, từ đó có kế hoạch khắc phục.

"Đây là cơ hội để doanh nghiệp tự cải thiện. Mỗi đơn vị chỉ cần dành chút thời gian là có thể hoàn thành bảng chấm điểm, doanh nghiệp có thê tự nghiên cứu giải pháp khắc phục", ông Dũng chia sẻ.

Tương tự, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét cách làm này của thành phố là phù hợp trong thời điểm các doanh nghiệp loay hoay tìm cách thích nghi với dịch.

Ông cho rằng Bộ chỉ số có thể chưa hoàn thiện và cần phải chỉnh sửa phù hợp với tình hình nhưng quan trọng là có tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp có cơ sở dựa vào. Nếu sai cũng biết sai ở đâu để sửa và rút ra bài học kinh nghiệm.

“Điều quan trọng là phải có phương án để các hoạt động trong xã hội vẫn duy trì nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải có cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình mỗi nơi để thích ứng với dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc này”, ông nói.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Bước đi chủ động của TP.HCM giữa đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...