Thứ sáu, 29/03/2024 17:11 (GMT+7)

Thâm nhập đường dây mua bán giấy khám sức khỏe tại BVĐK Hà Đông?

Hạ Nguyễn -  Thứ hai, 15/01/2018 09:56 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với 200 nghìn đồng tại BVĐK Hà Đông mua được 2 bản giấy khám sức khoẻ. Điều lạ, bác sĩ không cần khám đầy đủ các mục nhưng vẫn ký, đóng dấu với kết luận "sức khoẻ bình thường đủ điều kiện làm việc!".

"Cò" mồi ra giá và quá trình mua giấy KSK tại bệnh viện

Theo thông tin từ bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử trong thời gian qua về tình trạng trên "cò giấy khám sức khỏe" diễn ra một cách công khai tại BVĐK Hà Đông.

Thực hư câu chuyện trên diễn ra như thế nào? PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhập vai một người đi mua giấy khám sức khỏe. Liệu đường dây mua bán này có đúng như thông tin phản ánh hay không?

Khoảng 10h sáng 10/1 PV tới cổng BVĐK Hà Đông. Chỉ cần đưa một ánh mắt tỏ vẻ tìm kiếm đã có 2-3 người phụ nữ vây quanh hỏi "mua giấy khám sức khoẻ à em?". Theo quan sát của chúng tôi, trước cổng bệnh viện có rất nhiều "cò" mồi giao bán giấy khám sức khoẻ tràn lan. 

Một "cò" sau khi có khách đã cầm phiếu trên tay dẫn PV đi đóng tiền dưới quầy thu ngân

Tiếp cận với một "cò" mồi là người phụ nữ tầm tuổi trung niên, khi thấy PV có ý muốn mua giấy khám sức khỏe, chị đã nhanh nhẹn bắt chuyện. Ban đầu "cò" mồi giao giá 200 nghìn đồng 1 tờ giấy khám sức khoẻ khổ A3. Thấy PV có vẻ băn khoăn "cò" mồi tiếp tục giải thích: "Chị làm cho em 1 cái cũng 200 nghìn đồng mà 2 cái cũng 200 nghìn đồng, chị làm sao làm giả giấy cho em được!". 

Với hóa đơn này của bệnh viện qua "cò" mồi có thể mua được 2 bản giấy khám sức khỏe khổ A3

Theo chân "cò" giấy khám sức khỏe vào phía bên trong bệnh viện. Do được thoả thuận trước nên các giấy tờ thực hiện rất nhanh chóng. Cả quá trình mua giấy khám sức khỏe từ khi trả tiền đến lúc cầm được giấy khám sức khoẻ chỉ trong vòng 30 phút. 

Giấy KSK của BVĐK Hà Đông mà PV mua được với giá 200 nghìn 2 bản có nhận xét ,chữ ký của Bác sỹ trong khi không tiến hành khám đầy đủ các mục theo quy định.

Thứ nhất, trong nội dung giấy khám sức khỏe của Bộ y tế có 9 mục, nhưng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chỉ tiến hành khám 2 nội dung là lấy nước tiểu và đo thị lực. Ngoài ra các nội dung về sản phụ khoa, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoại khoa, nội khoa không có bất cứ nội dung nào được khám nhưng các bác sĩ ở đây vẫn nhận xét bình thường và ký kết luận rất nhanh chóng.

Thứ 2 hóa đơn bán hàng của bệnh viện bán ra với giá 158.000 đồng/1 giấy khám sức khỏe. Nhưng sau khi tôi thỏa thuận với "cò" bất ngờ mua được...2 bản.

Cả một hệ thống các bác sỹ của khoa khám bệnh BVĐK Hà Đông đã nhận xét ký tên nhưng không tiến hành khám khi bán giấy KSK này gồm có: Bác sỹ Dương Thị Bố nội dung khám phụ khoa, bác sỹ Nguyễn Đình Phong chịu trách nhiệm phòng Nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá), bác sỹ Nguyễn Thị Thảo chịu trách nhiệm khám về xương khớp,  thần kinh và răng hàm mặt.
Ngoài ra, chưa nói đến việc y tá của bệnh viện không tiến hành đo huyết áp, cân nặng, chiều cao mà vẫn điền đầy đủ các thông tin trên vào tờ khám!

Y tá của bệnh viện không tiến hành đo huyết áp, cân nặng, chiều cao mà vẫn điền đầy đủ các thông tin trên vào tờ khám

Một Bệnh viện đa khoa trực thuộc thành phố có quy mô lớn như vậy tại sao lại để tình trạng mua bán giấy KSK diễn ra tràn lan công khai như vậy?. Mua giấy khám sức khoẻ khi đi làm việc không được khám đầy đủ. Ngược lại các bác sỹ kết luận ký tên rất nhanh chóng? Liệu đây có phải là một đường dây buôn bán giấy khám sức khoẻ giữa bệnh viện và "cò" mồi hay không?

Phó Giám đốc Bệnh viện thừa nhận "giảm bớt quy trình KSK"

Trong một diễn biến khác, để xác minh lại thông tin trên chiều ngày 11/1 chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo bệnh viện. Tiếp PV ông Lê Hoàng Tú - Phó giám đốc Bệnh viện trả lời.
"Theo quy trình của bộ y tế là khám đầy đủ tất cả các phòng, bệnh viện đã rút gọn từ 11 bước xuống còn 4 bước. Còn quy trình chuẩn của bộ y tế là lấy máu, công thức máu chụp X quang, tim phổi...". Ông Tú cho hay.

Ông Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trao đổi với PV.

 Vị này đưa ra một lý do cho việc bệnh viện bỏ qua các bước khám: "Bệnh viện giảm bớt quy trình để tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân đến khám nhanh hơn".

Nhưng không có nghĩa, giảm bớt quy trình là "không khám và nhận xét, ký rất nhanh chóng" như ở phía trên đã phản ánh.

Để giải thích thêm về việc bác sỹ không khám mà vẫn ký giấy KSK ông Tú nói: "Bác sỹ có thể không khám nhưng bác sỹ có thể "nhìn" bệnh nhân" đế chẩn đoán bệnh và cấp giấy KSK. Nhưng theo nội dung giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế gồm có: đo huyết áp, tim mạch, bệnh da liễu, xương khớp, răng hàm mặt. Mà ở đây bác sỹ "có thể nhìn" và chẩn đoán được?! 

Theo như lời của ông Tú, bệnh viện đã bỏ qua các bước khám và không khám theo đúng quy trình của Bộ Y tế đã đưa ra?

Thực trạng đã được phản ánh, phía lãnh đạo bệnh viện cũng đã lên tiếng. Đây là lúc các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xử lý triệt để. Để chấm dứt tình trạng "cò" mồi mua bán giấy khám sức khỏe trên. Đặc biệt là việc bác sỹ không khám nhưng vẫn ký và nhận xét kết luận cho bệnh nhân.

Diễn biến tiếp theo của vụ việc chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và thông tin tới bạn đọc. 

Video "cò" mồi giấy khám sức khỏe tại BVĐK Hà Đông:

 

Tại thông tư 14/2013 của Bộ Y tế ban hành

Điều 7. Phân loại sức khỏe 1: Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng cho đối tượng KSK phải ghi rõ kết quả khám, phân loại sức khỏe của chuyên khoa, ký tên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám và kết quả khám của mình.

Trao đổi với PV Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: Việc cá nhân muốn có giấy chứng nhận sức khỏe và cơ sở y tế cấp giấy khám sức khỏe phải tuân theo các quy định tại điều 4, 5, 6, 7, 8 Thông tư Số: 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 05 năm 2013 của Bộ Y tế. Cụ thể: Người được cấp giấy khám sức khỏe phải có hồ sơ theo quy định và được cơ sở y tế tiến hành khám cho người đó và ghi các kết quả trên giấy khám sức khỏe.

Để thực hiện thủ tục khám sức khỏe, thì người kết luận trong giấy khám sức khỏe phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, và có thời gian khám chữa bệnh ít nhất là 54 tháng; được người có thẩm quyền phân công thực hiện việc phân loại sức khỏe, ký giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ. Việc phân công phải được thực hiện bằng văn bản và đóng dấu hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh.

Vì vậy, hành vi mua bán, làm giả, cấp khống giấy chứng nhận sức khỏe là hành vi vi phạm pháp luật, cần phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Thâm nhập đường dây mua bán giấy khám sức khỏe tại BVĐK Hà Đông?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Giấc mơ Hồng
Đêm qua, em có giấc mơ hồng///Được gặp anh ở cuối trời Tây///Vẫn dõi theo từng hơi thở, từng bước đi///Gửi đến bao tình thương và nỗi nhớ
Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.