Thứ năm, 28/03/2024 19:08 (GMT+7)

BXD yêu cầu làm rõ sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM

MTĐT -  Thứ tư, 11/08/2021 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

TP.HCM cần làm rõ mối quan hệ không gian với thành phố Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu long; làm rõ thêm ý tưởng về đô thị tương tác, sáng tạo, thành phố tri thức…

Văn phòng của Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 59/TB-BXD thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tại Hội nghị thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM, diễn ra ngày 16.7.2021.

TP.HCM cần làm rõ thêm các đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông nước, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ảnh: Phạm Ngôn

Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM và UBND thành phố Thủ Đức báo cáo nhiệm vụ quy hoạch; ý kiến phát biểu của các thành viên hội đồng thẩm định và lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch hội đồng thẩm định đã kết luận:

TP.HCM và thành phố Thủ Đức là hai đô thị quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia, có quy mô dân số lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú; là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có vị trí đặc biệt quan trọng trong tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của vùng và quốc gia; có sức thu hút và lan tỏa lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong thời gian qua, TP.HCM, bao gồm cả thành phố Thủ Đức, có mức tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh, đóng góp lớn GDP cho cả nước, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn các dự án phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng. Trong sự phát triển của thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng của quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010.

Qua đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch chung TP.HCM thời gian qua cho thấy những vấn đề tồn tại và những yếu tố mới tác động đến sự phát triển của thành phố, đòi hỏi quy hoạch cần điều chỉnh kịp thời để làm cơ sở pháp lý xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về cơ bản, các nhiệm vụ quy hoạch đã đáp ứng được các nội dung theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; phù hợp với mô hình định hướng phát triển đô thị của thành phố; xác định rõ các yêu cầu trong định hướng phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Bộ Xây dựng đề nghị xác định thời hạn quy hoạch thành phố Thủ Đức đến năm 2040, không xác định tầm nhìn quy hoạch. Ảnh: Soha

Để hoàn thiện các nhiệm vụ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch hội đồng thẩm định yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, Hội nghề nghiệp, các ý kiến góp ý trực tiếp tại Hội nghị thẩm định và lưu ý một số vấn đề:

Đối với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM

Rà soát, cập nhật, bổ sung đầy đủ các căn cứ pháp lý và cơ sở để lập điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM theo quy định pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Làm rõ hơn nữa sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch chung theo 4 nhóm vấn đề:

(1) Vai trò, vị thế và tính chất của thành phố trong vùng TP.HCM; Chiến lược mới phát triển kinh tế xã hội như: phát triển đô thị thông minh trên cơ sở chuyển đổi số; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm tài chính quốc tế. (2) Sự hình thành của các dự án trọng điểm cấp vùng và quốc gia có tác động đến không gian đô thị thời gian qua. (3) Các định hướng theo Quyết định 24/QĐ-TTg cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. (4) Tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển không gian đô thị, cần có giải pháp thích ứng phù hợp trong thời kỳ mới.

Rà soát phạm vi lập quy hoạch để phù hợp, thống nhất với quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ (tại khu vực biển Cần Giờ).

Làm rõ thêm các đặc điểm tự nhiên, hệ thống sông nước, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và các hiện trạng kinh tế - xã hội của thành phố; các quy hoạch và dự án đang triển khai; các hạn chế vướng mắc trong triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt; làm rõ các vấn đề về kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng phòng cháy chữa cháy, môi trường đô thị…

TP.HCM cần làm rõ hơn nữa tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển không gian đô thị và giải pháp thích ứng phù hợp trong thời kỳ mới. Ảnh: Hà An

Mục tiêu, tính chất của đô thị cần rà soát sự phù hợp với vai trò của thành phố đã được nêu tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM.

Đề nghị bổ sung các yêu cầu về phân tích động lực, mô hình phát triển đô thị trong thời gian tới; công tác dự báo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, hạ tầng và tác động của điều kiện tự nhiên đến thành phố; khai thác điều kiện tự nhiên sông nước, định hướng phát triển không gian, hệ thống trung tâm, không gian ngầm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, sử dụng đất đối với khu vực đô thị trung tâm; nội dung thiết kế đô thị.

Nội dung nghiên cứu cần quan tâm gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để mở rộng không gian phát triển đô thị, khu chức năng. Làm rõ mối quan hệ không gian giữa TP.HCM với thành phố Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu long, cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển trong vùng và đảm bảo sự phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia.

Hồ sơ đánh giá môi trường chiến lược đề nghị thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực thi hành từ 1.1.2022.

Cần làm rõ mối quan hệ không gian giữa TP.HCM với thành phố Thủ Đức, với các đô thị thuộc vùng TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu long. Ảnh: Khu vực được các chuyên gia cao cấp thực hiện Báo cáo “TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế” đề xuất tạo Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công. Ảnh: Google map

Đối với nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố Thủ Đức

Lý do và sự cần thiết lập quy hoạch cần làm rõ thành phố Thủ Đức được thành lập tại Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9.12.2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; văn bản số 1568/TTg-CN ngày 10.11.2020 về việc công nhận kết quả, rà soát đánh giá khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức theo tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc TP.HCM.

Đề nghị xác định thời hạn quy hoạch đến năm 2040, không xác định tầm nhìn quy hoạch. Rà soát, bổ sung các căn cứ lập quy hoạch gồm văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành có liên quan, tài liệu số liệu về hiện trạng thành phố Thủ Đức…

Làm rõ thêm các đặc điểm chủ yếu trong phát triển; các quy hoạch và dự án đang triển khai; các vấn đề hạn chế vướng mắc trong triển khai thực hiện theo các quy hoạch đã được duyệt; lợi thế và thách thức khi chuyển đổi vai trò là khu đô thị phía Đông Thành phố thành thành phố Thủ Đức; làm rõ tính kết nối và phân chia chức năng với khu đô thị trung tâm TP.HCM và các khu vực khác.

Tính chất của thành phố Thủ Đức cần rà soát phù hợp với vai trò, tính chất và định hướng phát triển của TP.HCM và các yếu tố đặc thù khác đã được xác định qua cuộc thi ý tưởng quy hoạch.

Thành phố Thủ Đức cần làm rõ thêm ý tưởng về đô thị tương tác, sáng tạo, thành phố tri thức. Ảnh: TL

Nội dung nghiên cứu cần bổ sung các yêu cầu về thu thập tài liệu, số liệu; rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí cần bổ sung để hoàn thiện theo chất lượng đô thị loại 1; rà soát đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, các dự án đang triển khai thực hiện, sử dụng đất, gắn kết giao thông công cộng để khai thác hiệu quả quỹ đất trong phát triển đô thị và khu chức năng; phân tích động lực phát triển đô thị; công tác dự báo về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, đất đai, hạ tầng và tác động của điều kiện tự nhiên đến thành phố;

Khai thác điều kiện tự nhiên sông nước thành phố Thủ Đức để định hướng quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu; mối quan hệ không gian giữa TP.HCM với thành phố Thủ Đức và liên kết các đô thị lân cận tại Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; nội dung thiết kế đô thị theo quy định.

Bộ Xây dựng yêu cầu ứng dụng mô hình TOD (mô hình định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị) trong phát triển đô thị thành phố Thủ Đức. Ảnh: Soha

Bổ sung làm rõ thành phần, quy cách hồ sơ quy hoạch; tiến độ lập quy hoạch. Làm rõ thêm ý tưởng về đô thị tương tác, sáng tạo, thành phố tri thức và yêu cầu bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, đào tạo, cây xanh trong định hướng phát triển không gian, sử dụng đất và giải pháp tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, ứng dụng mô hình TOD trong phát triển đô thị thành phố Thủ Đức.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của nội dung quy hoạch thực hiện theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị giao Vụ Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các Cục, Vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Minh Hoàng/ Người Đô Thị

Bạn đang đọc bài viết BXD yêu cầu làm rõ sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.