Cả nước có trên 400 công trình xanh
Theo số liệu thống kê của Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), đến hết tháng 4/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đã đạt được khoảng trên 400 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2.
Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Số lượng công trình xanh ở Việt Nam ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED (đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ).
Tính theo tỷ lệ phần trăm các loại hình công trình, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 37,8%; công trình nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 36,3%; công trình văn phòng 11,88%; cơ sở lưu trú 6,52%..
Các tỉnh, thành phố tập trung nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh như: TP. Hồ Chí Minh hơn 2,9 triệu m2; TP Hà Nội hơn 2 triệu m2; Bình Dương hơn 930 nghìn m2; TP. Hải Phòng hơn 570 nghìn m2; Bắc Ninh hơn 490 nghìn m2; Hưng Yên hơn 341 nghìn m2; Đồng Nai hơn 328 nghìn m2; Hà Nam hơn 319 nghìn m2…
Việc phát triển công trình xanh tại các đô thị đã được Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Cụ thể, tại Nghị quyết số 06/NO-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ việc khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị.
Theo đó, Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 148/NO-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị. Cùng đó, Bộ Xây dựng đã ban hành kịp thời quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ. Trong đó, nội dung yêu cầu về phát triển công trình xanh gắn với công tác quy hoạch, xây dụng, quản lý phát triển bền vững đô thị.
Tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị cũng đã đưa ra chỉ tiêu về số lượng công trình xanh của đô thị trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị.
Tiêu chí về công trình xanh là công trình đã được hệ thống chứng nhận công trình xanh (như LOTUS, LEED, Green Mark...) cấp giấy chứng nhận. Bộ Xây dựng đánh giá, sau khi Nghị quyết số 26/2022/UBTVOHI5 được ban hành, nhiều địa phương đã quan tâm và có hành động cụ thể để phát triển công trình xanh tại các đô thị trên địa bàn mình; gắn với việc phân loại, quản lý, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Trên cơ sở kế thừa, công nhận các hệ thống đánh giá, chứng nhận công trình xanh hiện có của các tổ chức trong và ngoài nước đang hoạt đông tại Việt Nam, các bộ công cụ phổ biến sử dụng để đánh giá, chứng nhận công trình xanh tại Viêt Nam hiện nay gồm: Lotus của Hội đồng Công trình xanh Viêt Nam; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; EDGE của Tổ chức tài chính ngân hàng thế giới (IFC-Worldbank); Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore...
Hiện các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, công cụ đánh và chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam đã khá đầy đủ, cụ thể, minh bạch. Các tiêu chí dễ đánh giá và có chứng nhận công trình xanh cho nhiều loại hình công trình; trong đó, đã sử dụng, viện dẫn, tham chiếu nhiều tiêu chuẩn, công cụ kỹ thuật liên quan. Nhưng hiện vẫn cần nguồn lực về chuyên gia, kỹ thuật để định kỳ cập nhật, rà soát, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp và sát thực tế.
Số lượng công trình xanh tại Việt Nam dù đã tăng lên đáng kể hằng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hằng năm thì con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới.
Việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế các tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu một số giải pháp về chính sách để đề xuất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.
Đơn cử như việc lồng ghép các nội dung về sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường trong các lĩnh vực ngành xây dụng cũng như giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dụng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Cụ thể như tại các văn bản hướng dẫn Luât Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; quá trình nghiên cúu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng nghiên cúu rà soát, sửa đổi quy định về phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NÐ-CP; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành như: QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dụng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mới liên quan như: Quy chuẩn về kết cấu dạng nhà, Quy chuẩn về nhà công nghiệp... để quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dụng, trang thiết bị trong công trình...
Điều này nhằm khuyến khích việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng luợng, tiết kiệm nước; khuyến khích việc tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các nguyên vật liệu, tài nguyên trong công trình; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; tăng tỷ lệ diện tích đất cây xanh, mặt nước trong khuôn viên công trình, khu vực dự án và của đô thị...
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng lộ trình phù hợp để từng bước yêu cầu bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp với một số loại hình, quy mô công trình.
Sau đó, dần mở rộng thêm các đối tượng, quy mô với nhiều loại hình công trình khác; nghiên cứu đề xuất chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng sản phẩm, thiết bị, công nghệ, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải thấp để dễ dàng sử dụng trong các dự án, công trình xây dựng.
Chính sách, cơ chế ưu đãi về đầu tư, về tài chính, tín dụng xanh cho các dự án công trình xanh, đô thị xanh cũng được Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thời gian tới. Bởi theo ông Trần Thành Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Edeec, trong quá trình xây dựng công trình xanh, tâm lý các nhà đầu tư e ngại nhất là gia tăng chi phí và bị ảnh hưởng đến tiến độ vì phải thực hiện theo những tiêu chuẩn mới.
Do đó, trọng tâm cần giải quyết chính là chi phí. Còn về tiến độ và các tiêu chuẩn mới không phải là vấn đề lớn. Xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không làm tăng chi phí nếu các chủ đầu tư được tư vấn sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, ứng dụng số hóa, dự báo vận hành công trình đúng cách.
Trâm Anh (T/h)