Thứ sáu, 29/03/2024 06:48 (GMT+7)

“Cà phê đường tàu” xin kinh doanh trở lại, Bộ GTVT nói gì?

MTĐT -  Thứ sáu, 18/10/2019 17:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mong muốn được tiếp tục hoạt động kinh doanh, cư dân xóm đường tàu cam kết không xâm phạm hành lang đường sắt và đề xuất thêm các biện pháp đảm bảo an toàn như lắp loa cảnh báo.

Mới đây, người dân ở "xóm đường tàu" Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã có đơn thư gửi lãnh đạo Chính phủ, bộ GTVT và chính quyền địa phương. Trong đơn kêu cứu người dân đã nêu ra những khó khăn về mưu sinh kể từ khi xóm cà phê đường tàu bị dẹp bỏ.

Người dân cũng mong muốn được kinh doanh trở lại, họ đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như an ninh đường sắt.

Đại diện cư dân cho biết, từ khi hình ảnh xóm này được đưa lên tạp chí National Geographic về một nét đẹp độc đáo và cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội, khách nước ngoài kéo đến đông và cuộc sống của những người dân ở đây có sự thay đổi tích cực.

Từ những công việc như đạp xích lô, chở hàng... người dân dần chuyển qua việc bán nước, bán đồ giải khát cho khách du lịch. Từ đó, vệ sinh khu phố sạch sẽ hơn, dân trí được nâng cao.

Một tụ điểm cà phê trên đường sắt. Ảnh: LĐ

"Người dân khu vực phố đường tàu tha thiết mong cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp giúp người dân chúng tôi có đời sống ổn định, có cơ hội cải thiện thu nhập, vừa an sinh vừa tạo được điểm nhấn cho du lịch Hà Nội và Việt Nam...", đơn kêu cứu viết.

Cũng trong đơn, người dân đề xuất các biện pháp an toàn gửi kèm, các hộ kinh doanh cam kết sẽ tuân thủ hoạt động trong phạm vi an toàn tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray và chỉ hoạt động trong phạm vi nhà. Camera giám sát sẽ được lặp đặt để người dân thực hiện nghiêm cam kết.

Bên cạnh đó, các hộ dân sẽ lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ để du khách ra khỏi phạm vi an toàn, đồng thời lắp loa phát cảnh báo khi tàu đến. Khi tàu chạy qua, du khách được đảm bảo ở trong khu vực kẻ vạch sơn an toàn, có barie bằng inox chặn trước mỗi cửa hàng và nhà dân. Khu vực đường ngang sẽ có barie cứng.

Trong đề xuất nêu trên, cư dân đưa ra con số 1,5 m là phạm vi an toàn tối thiểu tính từ đường ray và cam kết sẽ không xâm phạm. Tuy nhiên, theo chuyên gia về an toàn đường sắt, đây chỉ là khoảng cách mà người dân tự đặt ra.

Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban an ninh, an toàn đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), cho biết phạm vi bảo vệ đường sắt là 5,6 m tính từ mép ray, cộng thêm 3 m hành lang an toàn đường sắt (áp dụng với đô thị) thì khoảng cách không được xâm phạm hắt về mỗi bên là 8,6 m.

Tuy nhiên, do quá trình xây dựng thiếu quy hoạch, khoảng cách từ nhà dân ở xóm đường tàu đến phạm vi bảo vệ đường sắt không đáp ứng con số này. Nhiều đoạn từ cửa nhà đến mép ngoài đường ray chỉ khoảng 3 m.

Theo ông Chiến, để thực hiện giải tỏa hành lang sẽ cần sự vào cuộc đồng bộ nhưng ít nhất với những đoạn như cà phê đường tàu phải có hàng rào ngăn cách.

"Họ nói chỉ kinh doanh ở ngoài phạm vi 1,5 m, tránh va chạm với tàu nhưng việc đứng lố nhố ở ven đường sắt cũng rất dễ ngã vào tàu. Ở góc độ cơ quan đảm bảo an toàn, chúng tôi thấy việc tổ chức kinh doanh ở trong hành lang an toàn đường sắt là trái pháp luật, cần giải quyết triệt để", lãnh đạo Ban an ninh, an toàn giao thông đường sắt nêu quan điểm.

Cũng trao đổi về vấn đề này với báo NĐT, ngày 18/10, đại diện bộ GTVT cho biết sẽ kiên quyết xử lý, xóa bỏ "phố cà phê đường tàu" này.

"Bộ GTVT luôn nhất quán với quan điểm xóa bỏ tụ điểm cà phê vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Việc xử lý các trường hợp vi phạm này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP. Hà Nội", vị đại diện bộ GTVT khẳng định.

Cũng trong ngày 18/10, chia sẻ với báo NĐT, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: "Tôi cho rằng đề xuất của các hộ dân muốn được kinh doanh trở lại tại "phố cà phê đường tàu" là thiếu khả thi. Bởi lẽ, việc kinh doanh này không chỉ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông tại khu vực từ đường Trần Phú đến đoạn Phùng Hưng (Hà Nội) mà còn có thể gây ra hệ lụy xấu đối với nhiều địa phương khác có đường sắt chạy qua. Chính vì thế, chúng ta cần phải ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này ngay từ bây giờ".

Ông Thái nhấn mạnh: "Tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang an toàn đường sắt đã nêu rõ quy định về chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt. Do đó, loại hình kinh doanh này có tiềm năng đến mấy thì cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật".

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết “Cà phê đường tàu” xin kinh doanh trở lại, Bộ GTVT nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.