Thứ năm, 28/03/2024 21:03 (GMT+7)

Cà phê giải khát

MTĐT -  Thứ tư, 01/07/2020 16:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Là nói chuyện về những biển hiệu cà phê ở Hà Nội. Nói thì cứ nói. Chẳng mong gì nó thay đổi.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chẳng có hàng cà phê nào bây giờ không có những thứ nước giải khát khác bán kèm. Cái khác nhau là ở chỗ có hàng trưng biển có hàng không. Chữ “Giải khát” chen vào biển hiệu từ khi nào thế nhỉ? Chẳng cần phải nhiều tuổi lắm người Hà Nội cũng biết rằng sớm nhất nó được thêm vào từ ngày ra đời những quán cà phê Mậu dịch quốc doanh. Từ khi “Mậu dịch quốc doanh” tham gia bán cà phê cũng mới có khái niệm “Cô hàng giải khát”. Khái niệm này đã được nghệ thuật hóa bằng tiết mục “Cô hàng giải khát” do nghệ sĩ xiếc Tâm Chính trình diễn. Đó là một tiết mục hay nhất trong toàn bộ nền “xiếc đi xe đạp” của chúng ta. Khéo léo, can đảm và hài hước! Trước đó chỉ có “Cô hàng cà phê” ở chợ Dầu của nhạc sĩ Canh Thân. Và trước đó, ngoài chữ “cà phê” quán chỉ có thêm tên người chủ. Nhân, Nhĩ, Dĩ, Giảng, Tuyên, Lâm, Hói…

Rất nhiều quán cà phê bây giờ có thêm chữ “Giải khát”. Nhưng lại không bao giờ có tấm biển nào chỉ đề “Giải khát” mà không có chữ “Cà phê”. Chẳng hiểu tại sao? Tuy nhiên, biển hiệu chỉ là để dành cho người lạ. Người Hà Nội uống cà phê ở những quán quen thuộc của mình. Nhiều khi không cần biết đến cái biển trên đầu mình viết những gì. Nhưng người lạ cũng đừng nên quá tin vào những biển hiệu. Quán Cà phê Vịnh ở mạn Cầu Giấy chẳng có gì để vịn. Đó chỉ là tên ông chủ quán ngoại thành mà thôi.

Dân nghiện cà phê Hà Thành không vào những quán có quá nhiều đồ uống ngoài cà phê. Đương nhiên độ chuyên nghiệp pha chế cà phê ở những nơi như thế thường kém tin cậy. Và cái không khí cà phê ở đấy cũng phi thường bát nháo không phù hợp với nhâm nhi nghĩ ngợi. Nhiều người không biết thắc mắc rằng dân Hà Nội ngẫm ngợi cái gì mà ngay cả lúc uống cà phê cũng không ngơi nghỉ? Xin thưa, họ chẳng ngẫm ngợi gì ngoài cái bát nháo xô bồ phố xá và gia đình không có lúc nào dành cho họ vài chục phút thư thái để mà ngẫm ngợi. Bên ly cà phê sáng, châm một điếu thuốc lá thơm, nhìn mông lung và nghĩ về những việc hôm qua phiền muộn. Tắc đường, tai nạn, chùa Trăn Gian mới mở thêm phòng khám đa khoa, chùa Một Cột bị bỏ quên dột nát đến mức tượng phải đội nón mặc áo mưa…

Cái phần “Giải khát” trong các quán cà phê thường là ầm ĩ. Dăm bảy bà tập thể dục về áo ba lỗ quần lửng cắn hết nửa cân hạt hướng dương vung vãi khắp quán. Chuyện cũng ngần ấy. Khách uống cà phê sáng lại mất đi vài chục phút ngẫm ngợi hàng ngày. Biết nghĩ gì khi chẳng ai nghĩ gì?

Theo Đỗ Phấn/Báo Xây dựng

Bạn đang đọc bài viết Cà phê giải khát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.