Thứ bảy, 20/04/2024 12:51 (GMT+7)

Các chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy khi tham gia cứu nạn, cứu hộ

Luật Đồng -  Thứ ba, 02/08/2022 16:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Luật và các Nghị định đã quy định rõ các chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy khi tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Hai ngày nay, tại Thủ đô Hà Nội, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương về ba cán bộ, chiến sỹ, gồm Trung tá Đặng Anh Quân, Trung úy Đỗ Đức Việt và binh nhất Nguyễn Đình Phúc hy sinh trong quá trình chữa cháy quán karaoke tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy.

Các anh đã dũng cảm tham gia chữa cháy, cứu người, thể hiện phẩm chất: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tô thắm truyền thống Anh hùng của Công an nhân dân. Sự hy sinh của các anh còn để lại cho chúng ta những bài học về sự đề cao cảnh giác với "giặc lửa", trong mọi lúc, mọi nơi.

tm-img-alt
Ngày 2/8, Đại tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm đối với 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin trân trọng giới thiệu về một số chế độ chính sách dành cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Cụ thể:

Tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, người được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ, cán bộ, đội viên Đội dân phòng, Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành khi tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ được hưởng các chế độ, chính sách như khi tham gia chữa cháy quy định tại Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Theo đó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên, công nhân Công an thuộc lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân còn được hưởng các chế độ định lượng ăn cao, bồi dưỡng khi tập luyện, khi cứu nạn, cứu hộ.

Được hưởng các chế độ, chính sách như đối với người làm các ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật.

Đối với người trực cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Nghị định cũng quy định chế độ đối với người được huy động làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, theo quy định, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo mức hưởng quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 19 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP.

Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.

Nghị định quy định người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn trong các trường hợp sau đây sẽ được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động (từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú):

Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú.

Không giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do sử dụng chất kích thích hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 và nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 9/12/2015.

Nghị định cũng quy định người tham gia cứu nạn, cứu hộ khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh triệu tập, huy động của người có thẩm quyền thì được hưởng chế độ sau:

Nếu thời gian chữa cháy dưới 2 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,3 ngày lương tối thiểu vùng; Nếu thời gian chữa cháy từ 2 giờ đến dưới 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,45 ngày lương tối thiểu vùng.

Nếu thời gian chữa cháy từ 4 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 4 giờ được bồi thường một khoản tiền bằng 0,6 ngày lương tối thiểu vùng. Nếu tham gia chữa cháy vào ban đêm từ 22 giờ đến 6 giờ sáng thì được tính gấp 2 lần theo cách tính trên.

Trường hợp bị tai nạn, bị thương được thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh; bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; bị chết thì được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.

Những khoản chi chế độ nêu trên do tổ chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chi trả theo quy định; nếu người đó chưa tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội thì do ngân sách địa phương hoặc cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm.

Trường hợp bị thương thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh.

Trường hợp bị chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì được xét công nhận là liệt sỹ.

tm-img-alt
Hiện trường vụ cháy ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022. Ảnh: Hoàng Chiến.

Khuyến cáo của Công an thành phố Hà Nội :

Người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tự kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mỗi cá nhân, hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình; chuẩn bị sẵn thang, thang dây và dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực… để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra. Người dân không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.

Người dân nên lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, aptomat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; tắt thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng. Đặc biệt, không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở; trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng, chống ngạt khói.

Người dân nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Khi xảy cháy, người dân cần bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Bạn đang đọc bài viết Các chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy khi tham gia cứu nạn, cứu hộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ