Thứ bảy, 20/04/2024 04:39 (GMT+7)

Các chuyên gia 'vạch' thiếu sót trong dự thảo luật BVMT

PV -  Thứ tư, 04/11/2020 16:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực môi trường cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (năm 2014) sửa đổi là "bước thụt lùi" so với luật trước đó.

Trong buổi tọa đàm “Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi” diễn ra vào ngày 2/11 tỏ ra lo ngại đối với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.  

Từ khi khởi thảo đến nay, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã qua 7 lần sửa đổi, đã qua bước thẩm tra và chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là được Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy vậy, dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều vấn đề thiếu sót, từ phạm vi, kết cấu, nội dung cần được tiếp tục xem xét, bổ sung để tránh tình trạng luật ra đời thiếu tính khả thi, không áp dụng được vào thực tiễn.

Công khai ĐTM cần rõ ràng, tránh hình thức

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường), chỉ ra một số bất cập: Quy định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường dù đã có trong luật Bảo vệ môi trường 2014, nhưng chưa có quy định thời điểm công khai, hình thức công khai, dẫn đến chuyện "tránh, né", nói "tôi chưa công khai chứ không phải không công khai", 10 năm nữa mới công khai vẫn không sai.

TS Hoàng Dương Tùng cho biết: “Về vấn đề công khai thông tin, các nội dung liên quan đến ĐTM và giấy phép môi trường gồm: Báo cáo ĐTM (bản trình hội đồng và bản đã phê duyệt), hội đồng thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM và các hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường, giấy phép môi trường; kết quả thanh tra; kết quả quan trắc của các dự án đó là vì:

Phát triển bền vững là chính sách của Đảng và Chính phủ, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Bảo vệ môi trường là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Điều 4 nguyên tắc bảo vệ môi trường đã nêu rõ: bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ dân và cá nhân. Điều 5 chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng nêu rõ: “Tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường”. Công khai để phòng ngừa, hạn chế dự án “có vấn đề về môi trường” ngay từ đầu, tránh những xung đột môi trường. Công khai là tiền đề đi vào chuyển đổi số trong thời kỳ Cách mạng 4.0. Không công khai các thủ tục môi trường không thể nói đến chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường. Công khai là để tăng cường sự giám sát trong cộng đồng.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường).

Có nhiều điểm đã được Ban Soạn thảo nghiên cứu tiếp thu. Tuy nhiên, tại dự thảo chỉnh lý tháng 10/2020, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 49, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng vẫn còn nhiều "sạn".

Đơn cử, "Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí" cần được chỉnh lại, bởi môi trường không khí là một vấn đề rất nóng hiện nay, nhưng các nội dung bảo vệ môi trường không khí trong dự thảo rất sơ sài, không chi tiết. Do vậy, cần xác định rõ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí là gì: môi trường xung quanh, trong nhà; các địa phương, liên vùng, xuyên biên giới. Bên cạnh đó, cần có kiểm kê, đánh giá, kiểm soát các nguồn thải (cố định, di động, điểm, vùng…), các chất ô nhiễm cần ưu tiên trong giai đoạn tới (như PM2.5, ozon, VOC…), tiếng ồn độ rung.

Với Khoản 4, Điều 12 quy định các nguồn khí thải lớn phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật mà không nhắc tới các nguồn thải trung bình và nhỏ, TS. Hoàng Dương Tùng kiến nghị bổ sung nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí và sửa quy định thành "tất cả các nguồn thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát".

Đặc biệt, tại "Điều 35. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong dự thảo thiếu vắng quy định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (viết tắt là ĐTM) do chủ dự án nộp khi đề nghị thẩm định. Do đó, cần quy định công khai ĐTM để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án, đơn vị tư vấn và nâng cao chất lượng của báo cáo ĐTM do chủ dự án nộp.

TS Hoàng Dương Tùng lưu ý, "Điều 39. Trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường" trong dự thảo vẫn còn thiếu sót khi không quy định công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Cho nên, cần công khai báo cáo này như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã yêu cầu.

Hơn nữa, dự thảo chỉ mới quy định cơ quan quản lý công khai quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, còn không công khai Hội đồng thẩm định. Công khai báo cáo ĐTM thì giao cho doanh nghiệp, không quy định thời điểm phải công khai, cách công khai. Về vấn đề này, ông Tùng cho rằng, cơ quan nhà nước cần công khai Hội đồng phê duyệt ĐTM, danh sách nộp hồ sơ thẩm định ĐTM, công khai nội dung thẩm định ĐTM, quy định thời điểm công khai đối với các nội dung cần công khai đúng theo tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Ngoài ra, cần thu hẹp các đối tượng phải làm ĐTM ở cấp bộ (chỉ với những dự án đặc biệt quan trọng, có nguy cơ ô nhiễm đặc biệt cáo), còn lại phân cấp cho địa phương.

TS Hoàng Dương Tùng cũng chỉ ra cả Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và dự thảo sửa đổi 2020 đều không quy định cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM phải công khai báo cáo này. Ông Tùng cho biết đã kiến nghị tới nhiều cấp việc bổ sung 4 nội dung thông tin về môi trường mà cơ quan nhà nước phải công khai.

Thứ nhất, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường với bản trình thẩm định và bản đã bổ sung được phê duyệt, các hồ sơ xin giấy phép môi trường.

Thứ hai, công khai hội đồng thẩm định, gồm tên tuổi thành viên, chuyên gia trong hội đồng, để họ ngoài trách nhiệm về chuyên môn còn phải có trách nhiệm với xã hội khi được ủy thác, chấp nhận chịu sự giám sát nếu không phản biện hết trách nhiệm.

Thứ ba, công khai các kết quả thanh tra, quy định cụ thể thời điểm công khai.

Thứ tư, công khai kết quả quan trắc của các dự án đầu tư để người dân giám sát nếu có vi phạm về môi trường.

Quy định về bảo vệ môi trường không khí chưa cụ thể

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật đã chỉ ra một số điểm mới cơ bản của Dự thảo Luật như đã bổ sung thêm nguyên tắc coi trọng giá trị tài nguyên trong chất thải; sửa đổi quy định về quy hoạch BVMT theo hướng phù hợp với Luật Quy hoạch; quy định rõ hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu…

Những sửa đổi này trong Dự thảo Luật khá toàn diện, Ban Soạn thảo đã tiếp thu khá nhiều quan điểm tiến bộ nhằm xây dựng một đạo luật môi trường có hiệu lực, hiệu quả thúc đẩy phát triển bền vững đất nước, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành.

TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm.

Theo TS. Bùi Đức Hiển, trong Điều 66, Điều 67 của Dự thảo Luật quy định về quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác trong Dự thảo Luật còn quá sơ sài. Bụi, khí thải ở Việt Nam chủ yếu do các phương tiện giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng gây ra. Do vậy, cần phải kiểm soát được nguồn phát thải: với phương tiện giao thông cần nâng cao quy chuẩn về khí thải với phương tiện giao thông nhập mới hoặc sản xuất mới trong nước theo hướng đẩy nhanh hơn lộ trình thực hiện theo quy chuẩn khí thải, tiếng ồn của khu vực và quốc tế; với những phương tiện giao thông đã qua sử dụng không đạt tiêu chuẩn về khí thải phải quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện giao thông, các nhà sản xuất trong việc thực hiện các chính sách về đổi sản phẩm, thu hồi sản phẩm trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước và nhà sản xuất…

Đối với bụi thì phải quy định về trách nhiệm của các chủ thể làm phát sinh nguồn bụi, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trong việc phòng ngừa, giảm thiểu nguồn bụi, trách nhiệm của các chủ đầu tư, cơ quan xây dựng trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động xây dựng, trách nhiệm của các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải, của thanh tra giao thông, môi trường trong kiểm soát nguồn bụi từ hoạt động của phương tiện giao thông… Tuy nhiên, Dự thảo cũng chưa quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân khi vi phạm quy định của pháp luật quản lý bụi, khí thải. 

Bạn đang đọc bài viết Các chuyên gia 'vạch' thiếu sót trong dự thảo luật BVMT. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái tạo thói quen “tiêu dùng xanh, sản xuất xanh”
Những năm trước, khái niệm về "tiêu dùng xanh" còn xa lạ với đa số người dân Yên Bái, nhất là tại các huyện vùng cao thì gần đây mọi người đã quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...