Thứ sáu, 19/04/2024 15:02 (GMT+7)

Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 3

MTĐT -  Thứ năm, 01/08/2019 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An yêu cầu các tàu, thuyền không được ra biển.

Quảng Ninh: Cấm tàu ra biển

Theo Vnexpress, từ 10h hôm nay, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh dừng cấp phép với tàu vận tải, tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long.

Những tàu chạy từ các tuyến đảo về đất liền trú bão phải kết thúc công việc trước 12h. "Trong sáng nay, các phương tiện đã trở về cảng tránh bão", ông Vũ Mạnh Long, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh, cho biết.

Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với khoảng 5.000 dân sẽ đón bão đầu tiên. Hiện thời tiết nơi này âm u, gió mạnh cấp 6-7. Chính quyền từ hôm qua đã thông tin cho các nhà nghỉ, khách sạn và người dân biết về hướng di chuyển của bão. "Du khách đã về gần hết, hiện trên đảo còn 307 khách, trong đó có bốn khách nước ngoài", ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, nói.

Theo ông Long, biên phòng đã bắn pháo hiệu kêu gọi tàu bè vào tránh trú bão, hiện kêu gọi được 300 trong tổng số 350 tàu. Trong chiều nay, những tàu còn lại sẽ được di chuyển vào đất liền. Các lồng bè cũng được kéo vào hết vụng. Nhà cửa được chằng chống, các lực lượng sẵn sàng ứng phó khi bão về.

Hải Phòng: Tạm dừng các hoạt động giao thông đường thủy nội địa

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Hải Phòng vừa có thông báo về việc, đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực, biển, đảo và ven sông bắt đầu từ 17h ngày 01/8.

Đồng thời, bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động khẩn trương về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu an toàn. Không để người trên phương tiện, chòi canh thủy sản trong thời gian có bão.

Tại huyện Cát Hải, bắt đầu từ 12h hôm nay đã dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách các tuyến đường thủy nội địa, cấm các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven sông.

Trao đổi với báo Kinh tế nông thông, ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “UBND huyện đã họp triển khai công tác ứng phó với bão số 3. Hiện nay huyện Cát Hải có mưa nhẹ, gió giật cấp 3,4. Các phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn huyện cơ bản đã vào hết nơi tránh trú bão an toàn”.

Huyện Cát Hải đã huy động trên 1.000 tàu thuyền khai thác, phương tiện vận tải chở khách du lịch và trên 3.000 lao động vào nơi tránh trú bão an toàn. Tổ chức di dời 26 bè nuôi trồng và dịch vụ thủy sản và nhà hành nổi tại đảo Cát Bà vào nơi tránh trú, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện nay gần 2.000 khách du lịch trên đảo Cát Bà (285 khách quốc tế) đang rời đảo cho đến khi lệnh cấm biển được thực hiện lúc17h chiều nay 1/8.

Thái Bình cấm biển, hoãn họp, di dời dân trước khi bão số 3 đổ bộ

Theo báo Tiền Phong, cùng với việc ban hành Công điện khẩn của UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện phòng, chống bão số 3, lúc 10 giờ sáng nay (1/8), ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ban hành lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, đồng thời kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức kiểm đếm phương tiện và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với tất cả chủ phương tiện đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Chủ tịch tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu tổ chức sơ tán, di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong đê chính trước 16 giờ chiều nay. Bên cạnh đó, đóng các cửa khẩu qua đê sông, đê biển, chỉ đạo chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, nhà xưởng…bảo đảm an toàn trong bão.

Bắt đầu từ hôm nay, tỉnh Thái Bình sẽ hoãn các cuộc họp và các hoạt động chưa thật sự cần thiết; tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường lực lượng ứng trực theo qui định. Thái Bình cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động ứng cứu với các tình huống theo phương châm "bốn tại chỗ".

Nam Định: Sẵn sàng phương án đối phó với bão

Tại Nam Định, ông Nguyễn Doãn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, toàn tỉnh có trên 75.920 ha lúa mùa; trong đó, 25% diện tích lúa đang trong quá trình chăm sóc, còn thấp cây. Nếu mưa lớn, kéo dài liên tục, việc tiêu thoát nước không kịp thời thì những diện tích này có thể bị ngập.

Trước khả năng bão số 3 đổ bộ vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai các biện pháp ứng phó bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lưu ý, các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập cho lúa mùa; đảm bảo an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển và tại các lồng bè.

Nghệ An: 100% tàu thuyền đã liên lạc để tránh trú bão số 3

Theo báo Nghệ An, từ chiều hôm qua đến nay, chính quyền các địa phương và các Đồn Biên phòng đang tuyên truyền, vận động ngư dân đưa tàu thuyền về tránh trú cơn bão số 3. Đến trưa 1/8, hầu hết các tàu đã được liên lạc và tìm chỗ tránh bão an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 01/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10km, khoảng chiều đến tối mai đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh đến Thái Bình với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11 sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 03/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 6, đêm nay tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão số 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.