Thứ bảy, 20/04/2024 07:50 (GMT+7)

Các dự án BOT trong ngành giao thông đang mắc những sai phạm gì?

Nguyễn Cao -  Thứ tư, 13/09/2017 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Văn Khánh vừa ký Thông báo số 2222/TB-TTCP

Tài xế phản đối việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy không đúng, bằng việc trả phí bằng tiền lẻ.

Thông báo số 2222/TB-TTCP, chính thức công bố “Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một  số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Lỗi non nghiệp vụ?
Trước tiên, là Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT vào tháng 01 hàng năm theo quy định tại Điều 9, 10 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ.

Theo đó, những thông tin cần thiết về chủ trương đầu tư, về các dự án kêu gọi đầu tư được công bố chưa toàn diện, rộng rãi, kịp thời đến các nhà đầu tư, đến các thành phần kinh tế; hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia, hoặc nhà đầu tư bị hạn chế thông tin và thời gian cần thiết cho việc tiếp cận, nghiên cứu dự án để quyết định việc tham gia đầu tư.

Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có 01 nhà đầu tư tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư được lựa chọn chưa đảm bảo năng lực; dẫn đến việc đàm phán ký kết nội dung hợp đồng, hình thức hợp đồng, giám sát quản lý thực hiện hợp đồng, quản lý vốn đầu tư hết sức phức tạp, nhiều bất cập sai sót, làm hạn chế hiệu quả thực hiện các dự án cũng như chủ trương đầu tư chung (cụ thể nêu ở phần kết luận các nội dung khác liên quan).

Vấn đề tiếp theo, Bộ GTVT chưa có nghiên cứu đánh giá tổng thể, toàn diện hiện trạng giao thông để từ đó có cân đối, so sánh đầy đủ trên toàn hệ thống về sự cần thiết, về lộ trình đầu tư theo từng hình thức đầu tư trong đó có hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, BOT; coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án.

Kết quả là các dự án đã quyết định đầu tư bằng hình thức BT, BOT hầu hết thực hiện ở những khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ người, phương tiện tham gia giao thông lớn, đặt một số trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn đối với người tham gia giao thông không có sự lựa chọn khác (điển hình tại các khu vực: Hà Nội - Thái Bình - Nam Định - Hưng Yên, Hòa Bình...); phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tìm cách tránh trạm thu phí đi vào đường ngang, ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương và nguy cơ mất an toàn.

Mặt khác, việc xác định doanh thu theo phương án tài chính một số dự án còn thiếu chuẩn xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài.

Những con số ngàn tỷ đồng sai lệch


Kết quả thanh tra cho biết phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.

Một số dự án như: Đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Dự án Đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.

Khi phê duyệt các dự án đầu tư đã ghép việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 với Đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình và ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km Quốc lộ 3 với đầu tư xây dựng mới Đường Thái Nguyên - Chợ Mới thành 01 dự án rồi mỗi dự án đặt 02 trạm thu phí ở 02 nơi không hợp lý. Phê duyệt Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 02 giai đoạn thực hiện chưa đảm bảo kết nối tốt, đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có.

Dự án khôi phục, cải tạo QL20 Km 123+105 đến Km 268 đã phê duyệt mục mua quyền khai thác trạm thu phí dự án khác không thuộc danh mục quy định trong tổng mức đầu tư; phê duyệt chi phí giải phóng mặt bằng không sát, sai lệch lớn so với thực tế (459.844 triệu đồng/32.710 triệu đồng); phê duyệt tách dự án cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km123+105,17 khỏi dự án tổng thể từ Km 0+000 đến Km 268 thành dự án độc lập nhưng không thực hiện đầy đủ các quy định về thẩm định dự án để xác định các chi phí phù hợp với thời điểm phê duyệt.

Công tác lập và phê duyệt Tổng mức đầu tư còn nhiều nội dung chưa đúng chế độ, chưa phù hợp thực tế về: áp dụng đơn giá tiền lương, chế độ phụ cấp; giá và cự ly vận chuyển; cấp loại đất đá, vật liệu, định mức máy móc thiết bị, chi phí dự phòng... Hoặc thiếu hồ sơ, căn cứ về một số nội dung phê duyệt theo cơ sở thực tế.

Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 06 dự án xác định giá trị phê duyệt sai tăng 451.577,9 triệu đồng; trong đó: Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng, Hầm Phú Gia 44.164 triệu đồng; Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ 18.783,9 triệu đồng; Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình 51.236 triệu đồng; Dự án Đường Thái Nguyên - Chợ Mới 101.059 triệu đồng; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km123+105,17 là 225.195 triệu đồng; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 Km 123+105 đến Km 268 là 11.140 triệu đồng.

Nhà thầu có “đi đêm” hay không mà…


Kết quả thanh tra cho thấy các dự án trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, hoặc do tính cấp bách của dự án nhưng không có quy trình, thủ tục đánh giá, xác định thế nào là dự án cấp bách; trong đó, chỉ có duy nhất 01 Dự án Pháp - Vân Cầu Giẽ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng quá trình triển khai thực hiện đấu thầu cũng không chọn được nhà đầu tư phải chuyển sang hình thức chỉ định thầu.

Một số nhà đầu tư được lựa chọn năng lực hạn chế không đáp ứng yêu cầu của dự án như: 03/04 công ty trong liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng, Hầm Phú Gia đã không góp được vốn theo cam kết phải rút khỏi liên danh và xin giảm tối đa tỷ lệ vốn góp; theo đó, Liên danh phải mời gọi nhà đầu tư thay thế dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án.

Tổng Công ty 36 là công ty trong liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình cam kết góp vốn 67.320 triệu đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của Tổng công ty có 285.000 triệu đồng nhưng đã đầu tư vào Dự án BOT Quốc lộ 19 là 279.000 triệu đồng. Các công ty thành viên Liên danh thực hiện Dự án khôi phục, cải tạo QL20 đoạn Km 0+000 đến Km123+105,17 góp vốn chủ yếu bằng sản lượng thực hiện dự án không đúng cam kết hợp đồng ...

Nội dung ký kết các hợp đồng dự án phức tạp, nhiều điểm không cụ thể, mang nặng tính nguyên tắc với nhiều chỉ tiêu hợp đồng ký kết dưới dạng tạm tính và giả thiết sẽ phải tiếp tục đàm phán xác định trong suốt quá trình thực hiện dự án và cả thời gian quản lý khai thác dự án. Trong khi đó nhà đầu tư không phải chịu rủi ro về doanh thu mà lại được ấn định tỷ lệ lợi nhuận trong hợp đồng. Như vậy, hợp đồng dự án không mang tính thị trường, thiếu bình đẳng giữa các bên hợp đồng.

Tổng vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án trên cơ sở Tổng mức đầu tư; tuy nhiên, kết quả kiểm tra Tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án cũng không chính xác.

Mặt khác, Dự toán công trình do nhà đầu tư lập, phê duyệt làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng thầu và thanh quyết toán xác định chính thức tổng vốn đầu tư khi công trình hoàn thành cũng có nhiều sai lệch. Thực tế trong thời gian qua, việc tổ chức rà soát dự toán các dự án BOT của Bộ GTVT đã xác định các nhà đầu tư phê duyệt dự toán không đúng phải điều chỉnh, giải trình, bổ sung thủ tục với tổng giá trị là 654.000 triệu đồng.
Bao giờ mới có thể khắc phục những sai phạm?

Đoàn thanh tra kiểm tra một số nội dung về dự toán và thanh toán đối với 07 dự án xác định các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp, hoặc thiếu hồ sơ và căn cứ phê duyệt một số yếu tố phát sinh thực tế không hợp lý... với tổng giá trị 316.252,59 triệu đồng.

Trong đó: Dự án Hầm đường bộ Phước Tượng, Hầm Phú Gia 50.840,49 triệu đồng; Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ 55.620,9 triệu đồng; Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình 33.739 triệu đồng; Dự án Đường Thái Nguyên - Chợ Mới 73.502,9 triệu đồng; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km 0+000 đến Km 123+105,17 là 49.233,4 triệu đồng; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 Km 123+105 đến Km 268 là 25.128,3 triệu đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn qua tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương 28.187,6 triệu đồng.

Vấn đề tiếp theo là việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa vào khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng.

Mặc dù hợp đồng có điều khoản sẽ xác định chính xác vốn đầu tư trên cơ sở kết quả kiểm toán. Tuy nhiên, việc phê duyệt thiết kế, tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, tổ chức giám sát thực hiện hợp đồng thầu và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đều thuộc thẩm quyền của nhà đầu tư; không có quy định Ban QLDA đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giám sát quá trình thực hiện và nghiệm thu trong quá trình thực hiện dự án; trong khi quy trình và chuẩn mực kiểm toán thực hiện chủ yếu trên hồ sơ chứng từ không thể minh bạch, chính xác toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng trong quá khứ.

Đến thời điểm thanh tra, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đều chậm và chưa quyết toán được theo thời hạn hợp đồng ký kết, trong số 24 công trình của các dự án đã đưa vào khai thác mới chỉ quyết toán được 03 công trình.

Toàn vay ngân hàng


Ngoài số vốn góp tương ứng từ 12% - 15% của nhà đầu tư, phần còn lại 100% là vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, không có nguồn vốn nào khác tham gia; phần lớn vốn vay là của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối vốn điều lệ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh.

Phương án tài chính xác định giá phí và thời gian hợp đồng thu phí của các dự án chưa đầy đủ cơ sở cần thiết và thiếu chính xác nhiều yếu tố như: về tổng vốn đầu tư trên cơ sở Tổng mức đầu tư sai lệch; một số dự án không loại trừ giá trị thuế VAT được khấu trừ trong phương án tài chính; xác định lưu lượng xe chỉ trong thời gian quá ngắn làm cơ sở suy tính cho cả thời kỳ khai thác dự án dài, hoặc không điều chỉnh lưu lượng xe theo vị trí đặt trạm thu phí điều chỉnh; chưa đề cập và tính toán đầy đủ các yếu tố giá cả thị trường, khả năng chi trả của đối tượng tham gia giao thông theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích của Doanh nghiệp dự án, của người tham gia giao thông và của Nhà nước như quy định tại Điều 33 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ.

Cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý; dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới thực hiện 30%) nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới (Dự án Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ).

Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý như: Đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án (Dự án Hầm đường bộ đèo Phước Tượng, Hầm Phú Gia); dùng trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác (các dự án Đường Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình... đặc biệt, có một số trạm thu phí đối với người không tham gia giao thông trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT.

Những bất cập đó theo từng góc độ đều có ảnh hưởng nhất định đến lợi ích Nhà đầu tư, Nhà nước và đặc biệt là tạo áp lực về giá phí cao đối với người dân tham gia giao thông và chi phí hoạt động vận tải; thực tế đã xảy ra một số vụ việc người dân bức xúc, tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Bạn đang đọc bài viết Các dự án BOT trong ngành giao thông đang mắc những sai phạm gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...