Thứ năm, 18/04/2024 12:16 (GMT+7)

Các hình thức vườn ĐTM: Tiềm năng và một số đề xuất cho các KĐT mới

MTĐT -  Thứ hai, 14/12/2020 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một số hình thức vườn đô thị mới đang rất phổ biến tại các thành phố trên thế giới như “vườn chia sẻ”, “vườn trên không”, “vườn thủy canh”, “vườn khí canh”.

Các không gian xanh truyền thống thường gắn liền với đất đai. Hiện nay, các đô thị trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm các hình thức trồng cây mới dựa trên các công nghệ mới nhằm đảm bảo tỷ trọng màu xanh trong đô thị nơi ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường. Một số hình thức vườn đô thị mới đang rất phổ biến tại các thành phố trên thế giới như “vườn chia sẻ”, “vườn trên không”, “vườn thủy canh”, “vườn khí canh”. Ở Việt Nam hiện nay các loại vườn nói trên phần nhiều được đưa vào đô thị một cách tự phát, thử nghiệm trên quy mô nhỏ, chủ yếu bởi các sáng kiến cá nhân. Bài báo nghiên cứu một cách hệ thống các hình thức vườn đô thị mới và tiềm năng của chúng, đồng thời đề xuất một số hướng phát triển những diện tích xây xanh hiện đại, bên cạnh những diện tích cây xanh truyền thống, giúp cải thiện hệ sinh thái đô thị, giảm ô nhiễm không khí và đem lại nhiều lợi ích khác cho người dân và cộng đồng.

Các hình thức vườn đô thị mới

1. Các điều kiện ra đời và phát triển
Người Việt Nam có truyền thống sinh sống và canh tác gắn liền với mặt đất dù hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, khi mật độ dân số đô thị càng tăng, diện tích những khoảng đất dành cho vườn và cây xanh càng hạn chế [1]. Trước tình trạng đó, việc tìm kiếm các hình thức vườn mới không sử dụng tài nguyên đất, kết hợp linh hoạt với các không gian phù hợp là cần thiết để đáp ứng nhu cầu trồng trọt của dân cư khu đô thị mới (KĐTM) nói riêng và đô thị nói chung.

Các không gian xanh công cộng trong các KĐTM, mặc dù phục vụ cho cộng đồng dân cư nhưng được thiết kế hoàn toàn bởi chủ đầu tư và quản lý hoàn toàn bởi Ban quản trị. Việc xác định chủ thể và nguồn lực quản lý vận hành như trên đã hạn chế chính người sử dụng là người dân tham gia vào việc tạo lập và duy trì không gian xanh. Chưa kể cách làm đó còn có thể dẫn đến việc các không gian có thể không phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của người dân.
Các hình thức vườn đô thị mới đã ra đời như là những giải pháp có tiềm năng phát triển bền vững. Các điều kiện đó gồm:

  • Nhu cầu tự nhiên của một bộ phận dân cư đô thị trong việc trồng trọt dựa trên sự yêu thích tự nhiên, nhu cầu có các hoạt động vận động trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu tự cung cấp một số sản phẩm nông nghiệp tại chỗ, nhu cầu trang trí, làm sinh động không gian ở, làm việc và nghỉ ngơi…;
  • Sự thiếu hụt không gian mặt đất hoặc không gian chứa đất để tạo lập vườn theo cách thông thường. Do mật độ xây dựng cao trong khi mặt đất cần dành cho nhiều mục đích sử dụng khác, đặc biệt là giao thông, không gian chứa đất để trồng cây bên trong và bên trên công trình khá đắt đỏ và làm phức tạp hóa nhiều vấn đề;
  • Sự phát triển của khoa học kỹ thuật liên quan đến trồng trọt cho phép trồng không cần đất, theo dõi, chăm sóc tự động và công nghệ giống cây trồng;
  •  Sự phát triển của mạng xã hội và các ứng dụng kinh tế giúp chia sẻ về nguồn lực, vai trò và trách nhiệm, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và hình thành các cộng đồng, phong trào.

Các hình thức vườn đô thị mới đã xuất hiện có thể được chia thành hai nhóm chính gồm các hình thức vườn mới dựa trên yếu tố sở hữu / sử dụng chung và các hình thức vườn mới dựa trên yếu tố kỹ thuật.

2. Các hình thức vườn đô thị mới dựa trên yếu tố sở hữu/ sử dụng chung

Bên cạnh cách thức truyền thống của loại vườn nhỏ là sở hữu riêng và sử dụng riêng, các điều kiện mới cho phép áp dụng các hình thức vườn đô thị mới dựa trên yếu tố sở hữu chung / sử dụng chung như sau:

  • Vườn sở hữu chung – sử dụng riêng được nhóm cư dân hoặc cộng đồng đầu tư, xây dựng, quản lí và cùng sở hữu như một cách thêm tiện ích cho khu ở. Bên sử dụng là từng cá nhân trong nhóm sở hữu chung. Tuy nhiên, mỗi cá nhân chỉ được khai thác và sử dụng một phần vườn nhất định trong thời gian nhất định.
  • Vườn sở hữu riêng – sử dụng chung được cá nhân hoặc tổ chức đầu tư, xây dựng, quản lí và sở hữu để cung cấp dịch vụ như một ý tưởng kinh doanh. Bên sử dụng gồm những người sở hữu và những người hoặc cộng đồng mua dịch vụ. Bên mua dịch vụ sẽ được hỗ trợ đầy đủ từ kỹ thuật, quy trình tới vật tư, cây giống …, được đảm bảo về chất lượng thành phẩm.
  • Vườn sở hữu chung – sử dụng chung được nhóm cư dân hoặc cộng đồng đầu tư, xây dựng, quản lí và cùng sở hữu với các mục đích chung (cảnh quan, không gian chơi và kết hợp cung cấp nông sản tại chỗ).

Theo cách phân loại này, sở hữu không phải là “sở hữu đất” mà được hiểu một cách tổng quát là “sở hữu không gian chứa vườn”. Sử dụng vườn được hiểu là “tham gia vào quá trình chăm sóc và duy trì vườn, đồng thời thu hoa lợi từ đó”.

Việc sở hữu chung, sử dụng chung các vườn đô thị có thể đem đến nhiều giá trị to lớn. Đó là những tiềm năng rất cần được khai thác và phát triển, bao gồm:

  • Giảm nhẹ gánh nặng của các công việc tạo lập và chăm sóc vườn bằng cách chia nhỏ cho nhiều người cùng gánh vác, hoặc thậm chí thuê ngoài những phần phức tạp;
  • Tranh thủ, tận dụng các nguồn lực, tài nguyên của các bên liên quan, đặc biệt là các không gian thuộc phần sử dụng chung, không gian cộng đồng của khu ở;
  • Tạo điều kiện tăng và duy trì các tương tác tốt, nhiều ý nghĩa giữa các thành viên của cộng đồng, từ những người tham gia trực tiếp vào việc tạo lập và duy trì vườn cho đến những người hưởng lợi từ nó;
  • Tăng tinh thần nơi chốn cho dân cư, giúp mọi người cảm nhận trực quan và liên tục về sự gắn bó của bản thân với nơi mình ở và cộng đồng của nó;
  • Đem lại sự linh hoạt cao trong việc tạo lập và duy trì vườn nhờ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng chia sẻ trực tuyến.

Như vậy, hình thức sở hữu chung – sử dụng chung là một hình thức vườn đô thị mới rất có tiềm năng, có thể tham gia hữu hiệu vào tạo lập nền tảng sinh thái xã hội – nhân văn cho đô thị mới, một cộng đồng gắn bó với nhau vì có chung mục tiêu, chung lợi ích, chung mối quan tâm và chia sẻ các giá trị cốt lõi [2]

3. Các loại vườn đô thị mới dựa trên yếu tố kỹ thuật

Đặc điểm kỹ thuật, cách sắp xếp và vận hành các loại vườn thủy canh và khí canh

(nguồn vi.wikipedia.org)

Ngoài phương pháp thổ canh truyền thống, thủy canh, khí canh và các kĩ thuật xoay quanh hai phương pháp này đang là phương pháp canh tác mới nổi bật hiện nay.

  • Khái niệm:
    • Thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể mà không phải là đất. Các giá thể có thể là cát, trấu, vỏ xơ dừa, than bùn, vermiculite perlite… [3].
    • Khí canh là một dạng mô hình của thủy canh. Hiểu một cách đơn giản nhất, khí canh là hệ thống trồng cây không cần đất, nước mà trồng trong môi trường không khí có chứa các giọt dinh dưỡng dưới dạng sương mù [3].

So với phương pháp thổ canh truyền thống phụ thuộc vào đất đai, các phương pháp thủy canh và khí canh có những ưu điểm đáng kể sau:

  • Dễ dàng cung cấp chất dinh dưỡng tương ứng với từng giai đoạn phát triển của rau;
  • Tiết kiệm diện tích, không gian, dễ dàng tận dụng các khoảng không gian thừa trong nhà như ban công, sân thượng, hành lang,…;
  • Tiết kiệm thời gian chăm sóc, người dùng gần như không phải can thiệp thủ công quá nhiều vào quá trình chăm sóc và nuôi cây lớn;
  • Cho năng suất cao gấp 3-5 lần so với trồng rau thổ canh thông thường, giúp người dùng giải quyết vấn đề về lượng rau cung ứng cho gia đình chỉ trong một thời gian ngắn;
  • Loại bỏ hầu hết các mầm bệnh trong đất;
  • Tiết kiệm công sức, tiền bạc, nhân công để chăm sóc và thu hoạch rau lượng rau đảm bảo về độ ngon, sạch và an toàn;
  • Sản xuất và phân phối tại chỗ không chỉ giúp thực phẩm giữ được tươi ngon, giàu dinh dưỡng, mà còn cắt giảm được chi phí đóng gói, lưu trữ, tỷ lệ hao hụt và phát thải CO2 do vận chuyển;
  • Có thể áp dụng nhiều công nghệ tự động từ gieo trồng đến chăm sóc và bảo vệ

Các nhược điểm của các phương pháp thủy canh và khí canh gồm:

  • Chi phí lắp đặt cao;
  • Yêu cầu tương đối nghiêm ngặt về quy trình và kỹ thuật;
  • Giống cây trồng hạn chế: Một số loại cây ăn quả, nhiều loại hoa, các loại cây, giống rau đặc thù chưa thể sử dụng phương pháp thủy canh để thay thế.

Trên thực tế, phương pháp thủy canh và khí canh không chỉ được áp dụng trong các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung mà đã dần được người dân đô thị ứng dụng một cách nhỏ lẻ trong các không gian riêng theo nhu cầu [4]; [5]. Điều đó minh chứng cho tính khả thi và sự hiệu quả của phương pháp canh tác này.

Ví dụ về ứng dụng kỹ thuật thủy canh và khí canh trong vườn đô thị tại các hộ gia đình

(nguồn vietnamnet.vn)

Giá trị lớn nhất của các vườn đô thị theo phương pháp thủy canh và khí canh nằm ở việc chúng hoàn toàn không phụ thuộc vào đất và không gian mặt đất. Điều đó có nghĩa là mỗi căn hộ, mỗi văn phòng, mỗi tầng, mỗi tòa nhà và thậm chí cả mỗi sân thượng đều có thể được tích hợp không gian xanh mà hầu như không làm phát sinh các vấn đề về tải trọng, về chống thấm và các hệ thống kỹ thuật khác. Nếu như theo quy chuẩn mỗi người trong đơn vị ở cần phải được cung cấp 2m2 cây xanh mặt đất thì bằng việc áp dụng phương pháp thủy canh và khí canh chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm một lượng tương đương không gian xanh nữa. Đó là chưa kể đến việc các vườn thủy canh và khí canh có thể được tích hợp ngay vào các không gian chức năng làm tăng hiệu quả trực tiếp đối với người sử dụng.

Hiệu quả của các vườn thủy canh và khí canh sẽ còn được nhân lên đáng kể khi được áp dụng cùng các hình thức sở hữu và sử dụng chung. Đó là vì:

  • Thủy canh và khí canh cho năng Suất cao nên có khả năng cung cấp nông sản cho nhiều gia đình, càng nhều người dùng càng hiệu quả;
  • Phát huy các tiềm năng của hình thức sở hữu chung – sử dụng chung như đã nói ở trên, đặc biệt là giảm được gánh nặng do chi phí ban đầu cao;
  • Tính sạch của quá trình trồng và của sản phẩm thu được của vườn thủy canh, khí canh rất phù hợp cho các không gian cộng đồng, không gian sử dụng chung.

Một số đề xuất ứng dụng các loại hình vườn đô thị mới cho KĐTM

1. Không gian chứa vườn có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau

Thông thường, các loại vườn thường chỉ có một trong hai chức năng chính là vườn nông nghiệp hay vườn cảnh quan. Tuy nhiên những tiến bộ khoa học mà cơ bản nhất là khả năng canh tác sạch (không cần đất, phân bón và các chất hóa học) và sự linh hoạt của các hình thức vườn đô thị mới đã có thể kết hợp hai chức năng trên cũng như nhiều chức năng khác.

Các chức năng có thể kết hợp trong không gian vườn đô thị mới gồm:

  •  Sản xuất nông sản (nông nghiệp);
  •  Trang trí cảnh quan, ngăn / chuyển tiếp không gian;
  •  Thư giãn, nghỉ ngơi (cả dạng thụ động và chủ động);
  •  Không gian chơi dành cho trẻ em và các gia đình;
  • Không gian học và thực hành;
  • Không gian cộng đồng;
  • Không gian chia sẻ, làm việc sáng tạo (coworking space);
  • Không gian hỗ trợ các hoạt động đặc thù như làm đẹp, chữa bệnh …

Kết hợp không gian xanh với các chức năng khác sẽ tăng tính hiệu quả của vườn và thu hút mọi người. Theo một hướng khác, không gian chứa vườn đô thị mới có thể có tính chất như những không gian chuyển đổi, tức chuyển từ chức năng này sang chức năng khác. Ví dụ như chuyển từ không gian cộng đồng sang không gian học và thực hành; chuyển từ không gian thư giãn, nghỉ ngơi sang không gian chơi …

2. Không gian xanh và sạch giúp gắn kết cộng đồng

Như đã biết, cây xanh và không gian xanh có nhiều tác động tích cực về mặt tâm sinh lý đối với con người. Chính vì thế các không gian dành cho các giao tiếp cộng đồng, nếu có sự hiện diện của cây xanh sẽ trở nên rất hấp dẫn và thú vị. Rào cản của sự kết hợp đó, từ trước tới nay, cơ bản là do những vấn đề liên quan đến chi phí cao, vệ sinh phức tạp và sự thiếu linh hoạt của các hệ thống cây xanh trồng bằng đất. Những hình thức vườn đô thị mới đã khắc phục được đáng kể các rào cản này và mở ra khả năng lớn lao trong việc xanh hóa các không gian cộng đồng.

Đề xuất ứng dụng hình thức vườn đô thị mới vào không gian mái tòa nhà chung cư
(nguồn nhóm tác giả)

3. Thúc đẩy ứng dụng các loại vườn có mức độ phụ thuộc đất đai thấp
Không gian xanh mặt đất cần được ưu tiên để trồng các loại cây vừa và lớn còn tại các không gian xanh bên trong và bên trên các phần của công trình nên sử dụng các hình thức vườn đô thị mới nhằm tăng hiệu quả sử dụng không gian, đảm bảo công năng, tránh tăng tải trọng cũng như phức tạp hóa các lớp cấu tạo.

Mô hình vườn thủy canh và khí canh là hai mô hình điển hình cho vườn không cần đất đai. Vườn thủy canh thay đất trồng bằng nước, giá thể (mùn cưa, vỏ cây, xơ dừa,…) là các loại vật liệu dễ thay thế, dễ luân chuyển, đôi khi còn là những vật liệu tái chế góp phần bảo vệ môi trường.

Cùng với sự phổ biến của các tòa nhà cao tầng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã nói ở trên, nhu cầu xanh hóa theo chiều đứng đã trở nên ngày càng rõ rệt. Tạo ra các không gian xanh ở trên cao không chỉ còn là tạo ra những sự ngạc nhiên thú vị của không gian trong và ngoài công trình nữa mà đã trở thành một xu hướng đi theo triết lý kéo gần thiên nhiên tới mọi không gian của con người. Các loại hình vườn mới phụ thuộc đất đai thấp đã giải quyết ngày càng tốt hơn những nhu cầu đó, thích hợp với sở thích của mỗi cá nhân, ứng với mọi loại công trình. Đa năng, dễ lắp ghép, tiện lợi là những ưu điểm vượt trội của chúng.

4. Đảm bảo lợi ích kinh tế để duy trì bền vững
Thực tế, tổng chí phí bỏ ra ban đầu để tạo lập vườn và chi phí chăm sóc, duy trì vườn là những khoản đáng kể. Tuy nhiên, cùng với thu nhập của người dân và cộng đồng tăng lên đồng thời nhu cầu tạo lập các loại vườn đô thị mới tăng lên thì chi phí tạo lập ban đầu và duy trì vườn sẽ ngày càng giảm đi. Ngay từ bây giờ nếu các cộng đồng dân cư đồng thuận, chung tay đầu tư và cùng duy trì, khai thác với các hình thức sở hữu chung – sử dụng chung hoặc áp dụng các nền tảng kinh tế chia sẻ thì việc ứng dụng các hình thức vườn đô thị mới đã là hoàn toàn khả thi và bền vững.

Kết luận

Các hình thức vườn đô thị mới dựa trên hình thức sở hữu chung – sử dụng chung hoặc dựa trên các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang mở ra tiềm năng lớn cho việc xanh hóa không gian ở đô thị từ bên trong, tức là từ các hộ gia đình, đến bên ngoài là không gian công cộng. Đây là giải pháp có sự sáng tạo, hợp xu hướng và có tính bền vững cho cả các vấn đề về môi trường, cảnh quan lẫn các vấn đề về hệ sinh thái xã hội – nhân văn. Vì thế đây chính là một gợi ý tốt, một khía cạnh cần quan tâm trong các công tác thiết kế kiến trúc và quy hoạch từ cấp độ đô thị tới cấp độ từng không gian ở cụ thể.

TS.KTS Hoàng Nguyên Tùng
TS.KTS Trần Minh Tùng
ThS.KTS Ngô Thị Hà Thanh
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Chú thích

Bài báo là kết quả nghiên cứu rút ra từ đề tài Khoa học Cấp trường năm 2019 của Giảng viên có tiêu đề “Nghiên cứu các hình thức vườn đô thị mới” mã số 02-2019/KHXD với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Nghiên cứu Khoa học Công nghệ của Trường Đại học Xây dựng, và đề tài nghiên cứu Khoa học Sinh viên năm 2019 có tiêu đề “Xanh hóa các khu đô thị mới tại Hà Nội thông qua ứng dụng các hình thức vườn đô thị mới – Nghiên cứu thử nghiệm cho khu đô thị Linh Đàm” mã số KD-2019-39

Tài liệu tham khảo

[1] Trần Minh Tùng, 2018, Khu đô thị mới: Từ nguyên gốc lý thuyết đến biến thể thực tế, NXB Xây dựng, tr.190
[2] Nguyễn Quang Minh, 2019, Mô hình sinh thái đô thị thích hợp cho các khu đô thị mới tại Hà Nội (Trường hợp nghiên cứu: Khu đô thị mới Văn Quán), Tạp chí Kiến trúc số 06-2019
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thủy_canh
[4] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/trong-rau-khi-canh-trong-rau-tren-cot-nhua-vuon-cay-moc-nghieng-tren-lung-troi-411273.html
[5] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/de-dang-thuy-canh-tai-nha-giup-ban-co-vuon-rau-xanh-mon-mon-301732.html.

Theo TCKT

Bạn đang đọc bài viết Các hình thức vườn ĐTM: Tiềm năng và một số đề xuất cho các KĐT mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.