Thứ bảy, 14/09/2024 09:57 (GMT+7)

Các nguồn phát sinh vi nhựa

Đan Vy -  Thứ hai, 05/06/2023 18:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phần lớn vi nhựa sơ cấp (98%) phát sinh từ các hoạt động trên đất liền, chỉ 2% được tạo ra từ các hoạt động trên biển.

Trong Tổng luận Chính sách, pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam, các tác giả của nghiên cứu đã đưa ra rất chi tiết nguồn phát sinh vi nhựa ra môi trường.

Theo nghiên cứu nói trên, nhựa được sử dụng trong rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp và hộ gia đình, trên đất liền và trên biển. Tuy nhiên, phần lớn vi nhựa sơ cấp (98%) phát sinh từ các hoạt động trên đất liền, chỉ 2% được tạo ra từ các hoạt động trên biển. Vi nhựa sơ cấp phát sinh từ 7 nguồn chủ yếu, gồm: hạt/viên nhựa, vải sợi tổng hợp, mài mòn lốp xe, vạch kẻ đường, sơn tàu, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và bụi đô thị. Trongcác nguồn trên, chỉ vi nhựa từ các sản phẩm chăm sóc cá nhân được coi là nguồn phát sinh có chủ ý do cố ý đưa vi nhựa sơ cấp vào sản phẩm. Các nguồn khác tạo ra vi nhựa không chủ ý do mài mòn, do thời tiết hoặc do vô ý trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng, bảo trì hoặc tái chế các sản phẩm có chứa nhựa.

Nguồn phát sinh vi nhựa
Phần lớn vi nhựa sơ cấp (98%) phát sinh từ các hoạt động trên đất liền, chỉ 2% được tạo ra từ các hoạt động trên biển. Ảnh: ITN

Hạt nhựa: nhiều loại nhựa nguyên sinh ở dạng hạt/viên với đường kính thường từ 2-5 mm hoặc ở dạng bột. Những hạt nhựa này được vận chuyển tới các cơ sở sản xuất để tạo ra các sản phẩm nhựa. Trong quá trình sản xuất, vận chuyển và tái chế, hạt nhựa có thể bị rơi vãi ra môi trường làm phát sinh vi nhựa sơ cấp.

Vải sợi tổng hợp: việc giặt quần áo trong các tiệm giặt là công nghiệp hay hộ gia đình đã tạo ra vi nhựa sơ cấp thông qua quá trình mài mòn vải hay làm rụng một lượng lớn sợi vải. Những sợi vải này (thường làm bằng polyester, polyethylene, acrylic hay elastan) được thải ra theo đường nước thải và có khả năng đổ ra đại dương. Một lượng đáng kể các sợi vải tổng hợp đã được thấy trong nước mặt và trầm tích đại dương.

Lốp xe: trong quá trình sử dụng, lốp xe bị mài mòn giải phóng ra các hạt nhựa polyme tổng hợp. Bụi lốp xe sau đó phát tán theo gió hoặc bị mưa cuốn trôi trên đường. Một phần bụi tiếp tục lơ lửng trong không khí, trong khi phần còn lại rơi xuống ven đường, bị nước mưa cuốn trôi xuống cống rãnh hoặc rơi xuống nước mặt hoặc lẫn vào tuyết và di chuyển khi tuyết tan.

Dấu/vạch kẻ đường: vạch kẻ đường được tạo ra trong quá trình phát triển và bảo trì cơ sở hạ tầng đường bộ. Các loại dấu/vạch kẻ đường khác nhau được làm bằng sơn, nhựa nhiệt dẻo, băng polyme định hình sẵn và epoxy, trong đó sơn chiếm 45%. Chất thải vi nhựa có thể được tạo ra do thời tiết hoặc do lốp xe làm mòn các vạch kẻ này.

Giống như bụi lốp xe, các hạt vi nhựa này sẽ bị phát tán theo gió hoặc bị mưa cuốn trôi rồi đổ vào các vùng nước mặt hoặc đại dương.

Sơn tàu: một số loại nhựa sử dụng trong sơn tàu chủ yếu là polyurethane, lớp phủ epoxy, nhựa vinyl và sơn mài. Vi nhựa sơ cấp được thải ra từ các tàu thuyền thương mại và du lịch trong quá trình đóng mới, bảo trì, sửa chữa hoặc sử dụng. Các hoạt động chính có thể dẫn đến phát sinh vi nhựa là tiền xử lý bề mặt, sơn phủ và làm sạch khoang tàu, thiết bị.

Sản phẩm chăm sóc cá nhân: các hạt nhựa được sử dụng trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân (như sữa rửa mặt, kem tẩy da chết, thuốc đánh răng, ...) với nhiều mục đích khác nhau như pha chất hấp thụ để cung cấp các thành phần hoạt tính, tẩy da chết. Một số sản phẩm thậm chí còn chứa thành phần nhựa nhiều bằng lượng nhựa đóng gói. Thành phần này chiếm tới 10% trọng lượng sản phẩm và vài nghìn hạt vi nhựa trên mỗi gam sản phẩm. Ước tính khoảng 4.600 - 94.500 hạt vi nhựa được giải phóng mỗi lần sử dụng sản phẩm tẩy da chết. Việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân dẫn đến việc đưa trực tiếp các hạt vi nhựa vào dòng nước thải từ các hộ gia đình, khách sạn, bệnh viện và các cơ sở thể thao, bao gồm cả các bãi biển.

Bụi đô thị: bụi tại các đô thị phát sinh do sự mài mòn của các sản phẩm (đế giày dép, dụng cụ nấu ăn tổng hợp), sự mài mòn cơ sở hạ tầng (bụi từ các hộ gia đình, bụi thành phố, cỏ nhân tạo, bến cảng và bến du thuyền, lớp sơn bề mặt tòa nhà) cũng như từ việc cố ý đổ các loại chất làm sạch vào nước thải.

Ước tính khoảng 48% vi nhựa sơ cấp (1,5 triệu tấn/năm) được thải bỏ ra đại dương, 52% còn lại tích tụ trong đất hoặc bùn thải. Ba nguồn phát sinh vi nhựa nhiều nhất từ các hoạt động trên đất liền và trên biển là: giặt quần áo, mài mòn lốp xe và bụi đô thị (ước tính chiếm 87%).

Một số hoạt động khác như bảo trì, phá dỡ tàu thủy và xử lý nước thải cũng làm phát sinh vi nhựa vào môi trường.

Bảo trì và phá dỡ tàu thủy: thân tàu cần được vệ sinh thường xuyên để loại bỏ sinh vật bám và sơn lại. Phương pháp truyền thống là phun khí hoặc nước có lẫn cát nhưng đôi khi sử dụng hạt nhựa. Chúng cũng được sử dụng để làm sạch bên trong các khoang chứa. Điều này tạo điều kiện cho 2 loại hạt vi nhựa được giải phóng ra môi trường: hạt vi nhựa sơ cấp dùng làm bột bào mòn và hạt vi nhựa thứ cấp là vẩy sơn tàu thủy thường chứa gốc polymer. Trong quá trình phá dỡ tàu trên biển, nhựa và mảnh nhựa hay vẩy sơn dễ dàng lọt xuống biển.

Xử lý nước thải: nhiều bằng chứng cho thấy các cơ sở xử lý nước thải thông thường không thể giữ lại hoặc xử lý vi nhựa, dẫn đến việc vi nhựa bị xả thải ra môi trường. Bên cạnh đó, các hoạt động trên biển làm phát sinh vi nhựa chủ yếu là hàng hải, du lịch và khai thác hải sản. Nguồn chính của vi nhựa sơ cấp trên biển là sự xuất hiện của hạt keo nhựa do sự thất thoát vô tình của hàng hóa. Một nguồn khác ít hơn là do sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm của hành khách trên tàu du lịch. Sự bào mòn, hỏng hóc của các dụng cụ khai thác thủy sản và các thiết bị khác cũng dẫn đến sự phát sinh vi nhựa thứ cấp.

Nguồn: Tổng luận Chính sách, pháp luật quản lý ô nhiễm vi nhựa của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Các nguồn phát sinh vi nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng phó thế nào trước những cơn bão lớn?
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.
Hiệu ứng nhà kính, thủ phạm tạo ra siêu bão
Hiệu ứng nhà kính mà điển hình là hiện tượng nước biển ấm lên đang là nguyên nhân trực tiếp khiến biến đổi khí hậu, sinh ra nhiều hơn những cơn siêu bão như bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.

Tin mới