Thứ sáu, 29/03/2024 01:44 (GMT+7)

Các nhà khoa học đồng ý việc nhà máy Fukushima xả nước thải ra biển

MTĐT -  Thứ bảy, 15/05/2021 10:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong khi các nước láng giềng lên án việc Nhật Bản lên kế hoạch xả nước đã sử dụng để làm mát lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, thì các nhà nghiên cứu dường như lại đồng tình.

Hơn 1.000 bể chứa nước bị ô nhiễm nằm rải rác xung quanh khu vực của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, Nhật Bản

Đề xuất xả hơn một triệu tấn nước bị ô nhiễm từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra bờ biển phía đông của của Nhật Bản đã bị các nước láng giềng bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ. Nhưng các nhà khoa học cho rằng rủi ro có thể sẽ giảm thiểu nếu việc xả thải được thực hiện theo kế hoạch.

Nhật Bản đã tiết lộ đề xuất vào tháng 4, khiến ngoại trưởng Hàn Quốc bày tỏ quan ngại. Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã của Trung Quốc, các nhà khoa học Trung Quốc cực lực phản đối đề xuất này, trong đó ông Liu Senlin tại Viện Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc (Bắc Kinh) từng mô tả đây là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khác bao gồm cả tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lại phản bác ý kiến này bởi cho rằng hàm lượng bức xạ trong nước thải đã qua xử lý là rất thấp và lượng nước sẽ được thải ra dần trong vài năm để giảm thiểu mọi rủi ro.

Ông Jordi Vives I Batlle, nhà khoa học nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đối với các hệ sinh thái biển tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân của Bỉ (Mol) nhận định: “Là một nhà khoa học, tôi buộc phải giữ một đầu thật tỉnh táo để đánh giá mọi vấn đề và nhìn thẳng vào sự thật. Và sự thật cho tôi biết đây không phải là điều mà chúng ta cần phải lo lắng”.

Làm mát lò phản ứng nóng chảy

Trận động đất và sóng thần tấn công bờ biển phía đông Nhật Bản vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 là nguyên nhân dẫn đến sự cố của hệ thống làm mát tại nhà máy điện. Trong suốt thập kỷ qua, 1,25 triệu tấn nước biển đã được bơm vào các tổ máy bị hư hỏng để ngăn quá trình nóng chảy các mảnh vụn nhiên liệu. Nước bị ô nhiễm đã được xử lý để loại bỏ chất phóng xạ và được trữ trong hơn 1.000 bể xung quanh khu vực nhà máy.

Việc xả nước thải đã qua xử lý là một phần trong chuỗi các hoạt động tiêu chuẩn của nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Vives I Batlle, người đã tiến hành nghiên cứu ở Fukushima kể từ sau trận sóng thần xảy ra cho rằng một lượng nước khổng lồ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima và nồng độ phóng xạ cao tích tụ trong nước qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với lò phản ứng tan chảy là điều đáng lưu tâm.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy nước đã qua xử lý tồn tại mức phóng xạ lớn hơn mức nền hiện có trong môi trường.

Ông Vives I Batlle nhấn mạnh thêm việc công ty Điện lực Tokyo, đơn vị vận hành nhà máy điện Fukushima tiết lộ việc xử lý đã loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ bao gồm cesium và stronti, và chỉ còn lại triti – chất phát ra liều bức xạ thấp nhất so với bất kỳ hạt nhân phóng xạ nào.

Bà Deborah Oughton, giám đốc Trung tâm Phóng xạ Môi trường tại Đại học Khoa học Đời sống Na Uy (Oslo) khẳng định tritium là một hạt nhân phóng xạ tự nhiên được tìm thấy trong môi trường và trong các sinh vật sống, bao gồm cả con người.

Bà Oughton cho rằng quá trình xả thải của Nhật Bản sẽ diễn ra trong khoảng từ hai đến ba năm. Điều đó cho thấy rằng mức độ bức xạ trong nước uống sẽ luôn ở “mức cho phép”. Do đó, tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người sẽ là rất thấp.

Các nhà hoạt động môi trường phản đối kế hoạch xử lý nước thải Fukushima trước đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul

Ngay cả trong tình huống xấu nhất được chuyên gia Vives I Batlle mô tả là khi tất cả nước được giải phóng cùng một lúc trước được xử lý hoàn toàn, thì mức độ bức xạ trong môi trường biển lúc đó chắc chắn vẫn sẽ “ít độc hại hơn 100 lần” so với bức xạ nền.

Sự tham gia của IAEA

Trong một động thái nhằm làm giảm bớt nỗi sợ hãi của các nhà phê bình, IAEA đang làm việc với chính phủ Nhật Bản trong việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát việc xả thải.

Ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc của IAEA, tại Vienna khẳng định Cơ quan Nguyên tử Quốc tế sẽ đến tận nơi trước khi hoạt động lập kế hoạch được diễn ra (giai đoạn hiệu chuẩn) và sẽ ở đó khi diễn ra hoạt động, đồng thời tiến hành kiểm tra sau khi đã hoàn tất toàn bộ quá trình.

Ông Shigeyoshi Otosaka, nhà hải dương học và nhà hóa học biển tại Đại học Tokyo, người đã nghiên cứu các mô hình phân tán hạt nhân phóng xạ sau trận sóng thần cho biết việc truyền đạt thông tin khoa học sau khi việc xả thải được tiến hành phải được thực hiện cẩn thận để tránh những hiểu lầm không đáng có. Ông nhấn mạnh: “Việc phát hiện các hạt nhân phóng xạ sẽ dẫn đến những hiểu lầm hoặc tổn hại danh tiếng dù cho lượng phóng xạ ở mức rất thấp”.

Bà Oughton cũng nhấn mạnh tác động tiềm tàng đối với ngành đánh bắt cá của Nhật Bản nếu việc xả thải không được xử lý dựa trên lòng tin của công chúng. Bà khẳng định: Việc giám sát phải được theo dõi một cách nghiêm ngặt và cẩn thận để trấn an mọi người rằng hàm lượng phóng xạ trong hải sản không gây hại cho sức khỏe con người.

Nguồn: https://vinatom.gov.vn/cac-nha-khoa-hoc-dong-y-voi-ke-hoach-xa-mot-trieu-tan-nuoc-thai-tu-nha-may-dien-hat-nhan-fukushima/

Theo Trần Thiện Phương Anh/ Tia Sáng

Bạn đang đọc bài viết Các nhà khoa học đồng ý việc nhà máy Fukushima xả nước thải ra biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Yên Bái lan tỏa phong trào thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
Hưởng ứng Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh phát động, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Yên Bái đã tích cực triển khai, cụ thể hóa bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.