Thứ tư, 24/04/2024 21:53 (GMT+7)

Các nước trên thế giới hồi sinh “sông chết” như thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 23/07/2019 17:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng từng có những “dòng sông” chết. Thế nhưng đến nay, họ đã thành công trong việc cải tạo, biến những dòng sông này thành diểm du lịch hấp dẫn.

Với chiều dài 14 km, chảy qua nhiều quận, huyện của Hà Nội như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Thế nhưng do phải gánh lượng nước thải chưa qua xử lý lớn, sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trung bình một ngày đêm sông Tô Lịch phải tiếp nhận hơn 100 nghìn m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Thế nên, dù được cải tạo, nạo vét và kè bờ đều đặn hằng năm, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch vẫn được đánh giá là nghiêm trọng với các chỉ số vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến công nghệ làm sạch sông Tô Lịch được các chuyên gia Nhật thử nghiệm và hy vọng dòng sông này sẽ trong xanh trở lại.

Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã từng có những dòng sông chảy qua nội đô như Tô Lịch từng được coi là dòng "sông chết" thế nhưng đến nay, nhiều quốc gia đã thành công trong việc cải tạo, biến dòng sông đó trở thành một diểm du lịch hấp dẫn.

Sông Thames, Anh

Năm 1957, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Môi trường nước của sông bị ô nhiễm nặng bởi chiến tranh, các công trình xử lý nước thải bị phá hủy, nước thải sinh hoạt và công nghiệp chảy trực tiếp xuống sông. Các thành viên của chính phủ lúc đó còn cho rằng việc làm sạch con sông này là không thể và không cần thiết.

Liệu sông Tô Lịch có thể "hồi sinh" như sông Thame? 

Theo Zing, tờ Guardian từng ví von nếu người nào bị rơi xuống sông thì chưa chắc đã nhập viện bởi đuối nước nhưng chắc chắn sẽ nhập viện vì tiếp xúc với nước sông ô nhiễm, độc hại.

Chỉ đến năm 1960, các hệ thống xử lý nước thải mới được cải tạo. Nhiều nhà máy xử lý nước thải bị bom đạn tàn phá được xây dựng lại. Dần dần nước thải từ các cống được tách ra khỏi sông. Bên cạnh đó, ý thức người dân được nâng cao, họ tự giác dọn dẹp các chất thải rắn ra khỏi lòng sông, khơi thông dòng chảy.

Theo BBC, nước Anh cũng thắt chặt quy định liên quan đến môi trường bao gồm các chế tài xử phạt người vi phạm trong khu vực đô thị, di dời nhà máy, ngành công nghiệp độc hại ra khỏi thành phố, hạn chế ngành rửa phim ảnh truyền thống - tác nhân gây ô nhiễm kim loại nặng ra các con sông.

Thành quả, các chỉ số đo đạc về mức độ ô nhiễm đã giảm xuống mức an toàn, con sông quay trở lại thành môi trường sông của nhiều loài động vật. Hiệp hội Động vật học London cho biết đã nhận được ghi chép về 2.732 loài động vật trên sông Thames trong 10 năm gần đây. Dòng sông cũng được cho là có khoảng gần 2.000 cá thể hải cẩu, cá heo, cá voi nhỏ được phát hiện.

Sông Thames tiếp tục trở thành một địa danh nổi tiếng của thủ đô London cũng như Anh quốc. Theo Báo cáo Du lịch của thành phố này, mỗi năm chỉ riêng London đã thu hút 31,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về khoảng 15 tỷ bảng Anh (khoảng 450.000 tỷ đồng).

Sông Hán, Hàn Quốc

Sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), sông Hán trở thành biểu tượng ô nhiễm của Hàn Quốc. Seoul thời đó tập hợp đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm nặng, từ chất thải công nghiệp đến sinh hoạt. Nước thải từ các nhà máy dệt, nhà máy sô cô và nước thải sinh hoạt là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm.

Thời điểm đó, cá chết ngập 2 bên bờ sông, các loại chim, gia cầm cũng không thể sinh sống ở đây. Nhận thấy sự cần thiết của việc hồi sinh sông Hán, chính quyền Seoul đã thảo luận và lập ngân sách. Mục tiêu là đưa sông Hán trở thành biểu tượng mới của Seoul.

Ngày nay, sông Hán trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Hàn Quốc.

Chính quyền Seoul chi tiêu số tiền này rất hợp lý, phân bổ ra nhiều giai đoạn làm sạch, trải qua nhiều năm.

Năm 1982, Hàn Quốc khởi động dự án làm sạch sông Hán với ngân sách 470 triệu USD, kéo dài trong 5 năm. Ông Kim In Sik, Giám đốc công ty cấp nước Seoul khi đó nói: “Sông Hán giống như quần áo của người dân Seoul, thứ mặc lên người hàng ngày thì phải sạch sẽ.

Dự án này được áp dụng trên hơn 30 km sông Hán chảy qua Seoul bao gồm 4 giai đoạn. Trong đó có cải tạo đường cao tốc, xây 4 nhà máy xử lý nước thải, lên kế hoạch nạo vét, kiểm soát mực nước trong mùa khô cũng như mùa lũ và xây dựng các công trình giải trí, cây xanh dọc dòng sông.

Kết quả đầu tiên của dự án quy mô này là vào Olympics năm 1988, sông Hán được chọn làm nơi tổ chức môn đua thuyền.

Hiện nay, với 6 nhà máy có tổng công suất 5,8 triệu m3/ngày, tỷ lệ nước thải được xử lý của Seoul lên đến 100%. Qua đó, thành phố ngắt được hoàn toàn lượng nước thải chưa qua xử lý chảy xuống sông Hán. 

Giờ đây, khi đi từ sân bay Incheon về trung tâm Seoul, bạn sẽ được nhìn thấy dòng sông Hán đẹp tuyệt vời. Ngoài làn nước sạch, chính quyền còn xây lối đi bộ, đường xe đạp, công viên và nhà hàng dọc bờ sông. Dòng sông với những cây cầu càng lung linh hơn vào ban đêm, khi đèn đóm được bật sáng. 

Hồi sinh “sông chết” ở Singapore

Nguồn nước tự nhiên ở Singapore cũng từng bị ô nhiễm với hàng nghìn xưởng sản xuất, chăn nuôi, buôn bán hai bên sông. Thế nhưng, nhờ những chính sách kế hoạch và việc làm thiết thực của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, con sông Singapore ngày nay đã trở thành môi trường sống tuyệt vời của nhiều loài cá, đồng thời, cung cấp không gian thoáng mát, văn minh cho người dân thành phố.

Nguồn nước tự nhiên ở Singapore cũng từng bị ô nhiễm.

Kế hoạch tham vọng nhất của ông Lý Quang Diệu những năm cuối của thập niên 1970 là làm sạch sông Singapore và Kallang Basin. Công trình này có quy mô rất lớn, khi phải đặt các ống cống ngầm cho toàn bộ hòn đảo, trong khi trung tâm thành phố đã được xây dựng sẵn. Chính quyền Singapore đã chuyển khoảng 3.000 xưởng sản xuất thủ công, bố trí tái định cư với quy định về xả thải chặt chẽ. 5.000 người bán thức ăn đường phố cũng phải chuyển đến những trung tâm định sẵn, họ phải trả tiền thuê, tiền nước, tiền điện và Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ.

Dần dần, Singapore cũng hủy bỏ việc nuôi hơn 900.000 con lợn trong 8.000 nông trại vì ô nhiễm môi trường. Họ chỉ để lại 14 ao cá trong các công viên nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp và một vài ao cá dành cho việc câu cá giải trí. Còn lại, cá được nuôi ở ngoài khơi ở eo biển Johor hay gần các hòn đảo ở phía Nam.

“Vào tháng 11/1987, tôi cảm nhận được một điều toại nguyện lớn lao là khai thông sông Singapore và Kallang Basin sạch, sau đó là các ống cống mở của Singapore. Tại buổi kỷ niệm Clean River (Sông Sạch), tôi trao tặng những người có trách nhiệm những huy chương vàng để ghi nhớ sự đóng góp của họ”, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng viết trong cuốn sách của mình.

Từ đó, ven sông Singapore đã trở thành điểm thu hút du lịch, ẩm thực với du khách. Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông và kênh rạch. Người dân có thể đi câu cá, tắm nắng và lướt ván bên bờ sông.

“Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore. Những khu nhà cao tầng ven bờ biển đã thay thế những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Các cửa hàng và các kho hàng đã được phục hồi và trở thành những quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng, khách sạn, và mọi người tổ chức các bữa tiệc ngoài trời bên bờ sông hoặc trong những chiếc thuyền rồng Trung Quốc đậu dọc theo bờ sông”, ông Lý Quang Diệu tự hào kể lại.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Các nước trên thế giới hồi sinh “sông chết” như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.