Thứ sáu, 29/03/2024 18:56 (GMT+7)

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng

MTĐT -  Thứ bảy, 11/06/2022 15:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại phiên thảo luận sáng 10.6, các đại biểu cho rằng, DA đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TPHCM sẽ tạo ra không gian phát triển mới, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực cũng như trên cả nước.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Sáng nay, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh

Cơ bản nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt. Việc đầu tư sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP. Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung; có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng Đông, gia tăng kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đó, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành các liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ từ miền núi đến đồng bằng.

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai. Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư, giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu" là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (Long An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Long An) cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo về tính khả thi của dự án với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc đầu tư đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của khu vực và cả nước. Dự án này khi hoàn thành sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia; góp phần giảm thiểu quá tải về hạ tầng giao thông tại các khu vực cửa ngõ và nội đô TP. Hồ Chí Minh; tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh; phát triển dịch vụ vận tải liên vùng và góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về phạm vi đầu tư và phương án phân chia các dự án thành phần và phương án bố trí vốn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhất trí cao với việc phân chia các dự án thành phần để triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư riêng với phần đầu tư xây dựng đường vành đai và đường song hành thành các dự án độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động hơn và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Xây dựng cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, kịp thời

Về cách tiếp cận, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị, trong thiết kế dự án, cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, với các tuyến giao thông hiện hữu nên cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để bảo đảm việc đi lại, làm ăn của người dân. Trong thi công thì cần có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do 2 tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, việc quản lý, bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch, xây dựng cần làm hết sức chặt chẽ, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo đại biểu Tạ Thị Yên, do việc tổ chức thi công trong khu vực có mật độ dân cư, sản xuất công nghiệp cao, nên tình hình sẽ khá phức tạp, vì phải kết nối với các hạ tầng năng lượng, viễn thông, cấp thoát nước… Do đó, vấn đề quan trọng là cần hết sức chú ý tới năng lực quản lý dự án và năng lực của nhà thầu. "Rút kinh nghiệm từ dự án vành đai 2 TP. Hồ Chí Minh được quy hoạch và thực hiện cách đây 15 năm, dài 64 km, nhưng đến nay vẫn còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Chỉ riêng đoạn 3 dài 2,7 km mà việc triển khai từ năm 2017 đến nay vẫn còn dang dở. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn và giải phóng mặt bằng chậm", đại biểu Tạ Thị Yên chỉ rõ.

Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng -2
Ảnh: Hồ Long

Hiện nay, mỗi khi mưa lớn hay triều cường, vấn đề ngập lụt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nghiêm trọng, do biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, do quy hoạch thoát nước và quản lý xây dựng trong đô thị chưa tốt. Do đó, khi thiết kế, thi công 2 tuyến vành đai này, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần cập nhật những biến đổi mới nhất về những diễn biến, để có giải pháp xử lý hữu hiệu. Cần khảo sát thiết kế nghiên cứu việc kết nối hệ thống thoát nước hiện hữu, với hệ thống thoát nước của đường vành đai cao tốc để làm sao có thể tận dụng hệ thống thoát nước mới, nhằm giải quyết một phần vấn đề thoát nước của 2 đô thị hiện nay.

Thời gian qua, thực tế các địa phương khi thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án quan trọng, có sự chênh lệch về mức giá đền bù, đặc biệt là ở những vùng giáp ranh giữa hai địa phương, dẫn đến tình trạng dự án bị ách tắc, tiến độ chậm trễ, làm phát sinh nhiều khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Việc này đã diễn ra nhiều năm, ở nhiều địa phương. Nêu thực tế này, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị, Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trước mắt áp dụng thí điểm cho các dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, có giải pháp và cơ chế, chính sách thỏa đáng, bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi bảo đảm có cuộc sống ổn định, chất lượng phải tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ, tránh tình trạng khi thu hồi đất xong thì người dân không có chỗ ở, thiếu đất để canh tác, sản xuất, kinh doanh, việc làm...

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng tương tự như các dự án quan trọng quốc gia trước đây, đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, kịp thời đối với các địa phương, Bộ ngành có liên quan trong việc cam kết tổ chức thực hiện, trách nhiệm về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án.

Bạn đang đọc bài viết Cải thiện năng lực cạnh tranh, gia tăng kết nối liên vùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo daibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt
Ngày 28/3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đắk Nông nhận Huân chương Độc lập hạng nhất
Tối 23/3, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 - 1/1/2024) gắn với kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Gia Nghĩa (23/3/1975 - 23/3/2024).
Ông Trần Hoàng Tuấn điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và kết luận giao ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh.

Tin mới