Thứ năm, 18/04/2024 23:59 (GMT+7)

Cảm nhận bài thơ “Hoa tháng ba” của Chế Lan Viên

Nguyễn Tâm -  Chủ nhật, 18/03/2018 09:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

“Hoa tháng ba” của Chế Lan Viên đã đánh thức bao nhiêu tâm hồn về một quá khứ, một tình yêu, một kỷ niệm… ngỡ đã xanh rêu.

Tháng ba nở trắng hoa xoan 
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương 
Không em anh chẳng qua vườn 
Sợ mùi hương… sợ mùi hương… nhắc mình. 

Khi viết về những cảm xúc chân thực nhất của mình, có lẽ không một thể thơ nào biểu đạt trọn vẹn và đầy đủ hơn thể thơ lục bát của dân tộc. Chế Lan Viên đã thật giản dị và tinh tế khi chọn thể thơ trên để nói lên tâm trạng của mình trong một thoáng xao động về một tình yêu đã qua.

Ảnh minh họa.

Ấn tượng và cảm giác chung toàn bài thơ mang lại cho người đọc, đó là tâm trạng của một con người trong một không gian hết sức đặc biệt. Không gian này sở dĩ được tạo nên rất thơ mộng và lãng mạn là nhờ vào bối cảnh:

Tháng ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương

Tác giả đã không nói “hoa xoan trắng”, “mùi hương lan tràn” mà đã dùng biện pháp đảo ngữ, mục đích nhằm nhấn mạnh vào cái màu trắng của hoa xoan, nhấn mạnh sự lan tràn của mùi hương hoa xoan. Như vậy, không gian nghệ thuật đã được mở ra trong một bối cảnh nên thơ. Không gian thật tự nhiên và phù hợp để tác giả hồi tưởng về những kỷ niệm của một tình yêu đã qua.

Dường như ngoài việc tạo ra không gian nghệ thuật, biện pháp đảo ngữ còn mang lại một hiệu quả thứ hai. Đó là chuẩn bị tâm thế cho người đọc đón nhận một điều gì đó trái ngược, đối nghịch không phải êm đềm, suôn sẻ như ngày xưa nữa:

Không em anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương… sợ mùi hương… nhắc mình.

Vách ngăn giữa quá khứ và hiện tại đã được dựng lên. Ngày xưa cũng vào khoảng thời gian này, cũng khu vườn này, cũng hoa xoan nở, mùi hương bay… Bây giờ cũng thế. Nhưng ngày xưa có em. Hiện tại “không em”.

“Anh” - “Hoa xoan” - “Em”, ba hình ảnh một khoảng lặng. Hoa xoan ở đây đã trở thành cầu nối để anh nhớ đến em. Nhớ đến những kỷ niệm vô cùng đẹp mà anh đã có một thời. Nỗi nhớ trong một thoáng xao động hết sức nhẹ nhàng, mênh mang, nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào và đầy ắp kỷ niệm như khu vườn đầy mùi hương hoa xoan.

Từ “chẳng” trong câu thơ thứ ba là một từ mang cảm xúc. Chủ thể trữ tình như kìm nén cảm xúc, kìm nén tình cảm của mình để tiếng nấc không bật ra. Nếu như tác giả viết “Không em anh không qua vườn” thì không những câu thơ hỏng mà bài thơ cũng giảm giá trị đi nhiều. Vì từ “không” không biểu đạt được cảm xúc mà chỉ nói lên sự thờ ơ, lạnh lùng…

Nếu như ba câu thơ trước mang nhịp chẵn, thì câu thơ cuối đã biến nhịp thành lẻ: 3/3/2.

Sợ mùi hương… sợ mùi hương… nhắc mình.

Chủ thể trữ tình vừa như muốn lãng tránh vừa như đang hồi tưởng về một kỷ niệm đã qua trong ký ức.

Tác giả đã không đặt tiêu đề cho bài thơ là “Hoa xoan” mà đặt là “Hoa tháng ba”. Vì hoa xoan nở vào tháng ba. Tháng ba cũng có thể gắn với một kỷ niệm nào đó xa xôi của tác giả… Thế nên bài thơ không chỉ nói đến hoa xoan mà ẩn sâu trong ấy là tâm trạng, tình cảm của chủ thể trữ tình.

“Hoa tháng ba” của Chế Lan Viên đã đánh thức bao nhiêu tâm hồn về một quá khứ, một tình yêu, một kỷ niệm… ngỡ đã xanh rêu.

Bạn đang đọc bài viết Cảm nhận bài thơ “Hoa tháng ba” của Chế Lan Viên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.