Thứ bảy, 20/04/2024 05:15 (GMT+7)

Cấm xe máy, bài học từ các nước trên thế giới

MTĐT -  Thứ hai, 18/03/2019 16:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước Việt Nam, một số nước trên thế giới đã thực hiện lộ trình cấm xe máy thành công ở thành phố lớn.

Lộ trình chặt chẽ

Thời gian qua, dư luận quan tâm đến đề xuất thí điểm cấm xe máy tuyến Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi của Sở GTVT Hà Nội.

Các chuyên gia nhận định, chỉ khi giao thông công cộng thuận lợi, hạ tầng giao thông thông thoáng, đáp ứng được nhu cầu người dân thì mới có thể hạn chế xe máy đi vào nội đô.

Trước Việt Nam, một số nước trên thế giới đã thực hiện lộ trình cấm xe máy thành công ở thành phố lớn. Trong số này có Trung Quốc. Để việc "xóa sổ" xe máy có hiệu quả, chính quyền đã có những lộ trình chặt chẽ và hợp lý. Mục đích của dự án này là nhằm giảm tắc nghẽn, tai nạn giao thông và nạn cướp giật.

Nhật báo Trung Quốc cho hay, ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất nước, bắt đầu từ năm 2002, cảnh sát đã ra lệnh cấm xe máy ở những tuyến đường chính. Lệnh cấm này có tác dụng đối với 789.000 chiếc xe máy trong thành phố. Theo quan điểm của các nhà quản lý, phát triển giao thông công cộng là giải pháp chính giải quyết nhu cầu đi lại trong tương lai của Thượng Hải; vì vậy phải cấm xe máy đi vào các trục đường chính ở trung tâm thành phố.

Để việc "xóa sổ" xe máy có hiệu quả, chính quyền đã có những lộ trình chặt chẽ và hợp lý. 

Chu Doanh Lũy, phó giám đốc Sở Công an Thượng Hải nói: “Việc cấm xe máy được ban bố nhằm giúp hệ thống vận tải công cộng hoạt động hiệu quả hơn”.

Khi lệnh cấm được ban hành, xe máy chiếm 55% phương tiện giao thông ở Thượng Hải. Tuy nhiên, các nghiên cứu nói chúng chỉ gánh vác 2,1% nhu cầu đi lại hằng ngày.

Tại Bắc Kinh, ngay từ năm 1984, cảnh sát Bắc Kinh đã ngừng cấp đăng ký mới. Năm 2000, Cục cảnh sát giao thông Bắc Kinh tiếp tục cấm xe máy ba bánh, kể cả có đăng ký, lưu thông ở khu vực trung tâm và 8 quận lân cận.

Mặc dù đã cấm xe máy vào các tuyến đường trung tâm từ đầu thập niên 2000, nhưng mãi đến  năm 2016, Bắc Kinh mới cân nhắc việc cấm hoàn toàn xe máy.

Hoàn Cầu thời báo cho biết, vào tháng 4/2016, trên 10 tuyến đường chính ở Bắc Kinh, người ta bắt đầu thực hiện cấm hoàn toàn xe máy, kể cả xe máy điện. Trước đó, ở tỉnh Quảng Đông, chính quyền cũng ban bố lệnh tương tự. Đã có chống đối và 800 người đã bị bắt giam trong vòng 10 ngày.

Một chuyên gia nói động thái của chính quyền Bắc Kinh cho thấy một xu hướng mang tính toàn quốc về việc các đô thị sẽ dần cấm xe máy hoàn toàn.

Cơ quan quản lý giao thông Bắc Kinh nói 10 tuyến đường áp dụng lệnh cấm có mật độ giao thông cao, tỷ lệ tai nạn giao thông lớn và thường xuyên thiếu làn cho xe máy di chuyển.

Ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, ngay từ năm 2006 đã ban hành lệnh cấm tương tự. Sau đó, một loạt các đô thị khác như Hải Khẩu (tỉnh đảo Hải Nam) và Vũ Hán (thủ phủ Hồ Bắc) làm theo.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu ví dụ, Quảng Châu (Trung Quốc) có lộ trình cấm xe máy là 10 năm. Chính quyền thành phố này cũng thực hiện việc hạn xe cá nhân theo lộ trình thời gian và khu vực.

Tuy nhiên, việc đầu tiên là họ ban hành chủ trương để khuyến khích tư nhân phát triển hạ tầng, phương tiện công cộng.

Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, phương tiện này di chuyển không đúng giờ và hợp lý nên người dân chưa lựa chọn.

Lệnh cấm xe máy còn nhiều hạn chế tại Myanmar và Indonesia

Một bài học khác từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Myanmar và Indonesia mà theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cũng cần cân nhắc, 2 nước này đã áp dụng lệnh cấm xe máy tại một số tuyến đường, song hiệu quả mang lại không cao và vẫn còn nhiều hạn chế.

Từ năm 2003, Yangon khi đó còn là Thủ đô của Myanmar đã cấm hoàn toàn xe máy do có quá nhiều tai nạn giao thông liên quan đến loại xe này. Mặc dù hiện nay không còn là Thủ đô của Myanmar, nhưng Yangon vẫn duy trì lệnh cấm xe máy.

Năm 2007, Yangon đã nới lỏng lệnh cấm xe máy và cho phép người dân sử dụng phương tiện này để tham gia giao thông tại 14 khu vực ngoại thành.

Đến tháng 8/2008, Tuần báo Tiếng nói của Myanmar đưa tin, lệnh cấm sử dụng xe máy ở Yangon đã được hủy bỏ. Cơ quan chức năng sẽ cấp giấy đăng ký xe máy trở lại cho người dân.

Tuy nhiên, theo ChinaNews, đến năm 2009, các nhà chức trách Myanmar đã quyết định cấm lại hoàn toàn xe máy vì chúng đã phá vỡ quy tắc giao thông và gây ra tai nạn thường xuyên. Thậm chí, 1.035 xe máy thuộc sở hữu của các cơ quan chính phủ cũng phải ngừng hoạt động trước tháng 12/2009.

Ông U Myo Lwin, Phó Cục trưởng Cục cầu đường của Ủy ban phát triển thành phố Yangon cho biết, lệnh cấm xe máy sẽ được tiếp tục vô thời hạn. Giới chức Yangon đã phải siết chặt xử phạt đối với việc đi xe máy trong khu vực cấm.

Theo người phát ngôn sở cảnh sát giao thông Yangon, những người đi xe máy sẽ bị phạt từ 20.000 kyat (tương đương 430. 000 VND), thậm chí là bị tịch thu xe nếu họ bị bắt gặp đi xe ở khu vực cấm. Năm 2012, hơn 800 người bị phạt vì đi xe ở khu vực bị hạn chế.

Khi lệnh cấm xe máy có hiệu lực, phương tiện đi lại của người dân nơi đây là những chiếc xe buýt cũ kỹ có tuổi đời trên dưới 20 năm, nhưng lúc nào cũng quá tải vì lượng khách khổng lồ.

Ngoài xe bus, những chiếc xe tải thường dùng để trở hàng cũng được cải tiến thành xe trở người với hai hàng ghế thô sơ trên thùng xe. Loại xe này đặc biệt được những người từ khu vực khác và những người buôn bán ưa thích. Cùng với đó, chiếc xe đạp cũng là một phương tiện phổ biến ở Yangon bên cạnh phương tiện chính là ô tô.

Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, chính phủ nước này thực hiện lệnh kiểm soát chặt chẽ đối với việc sở hữu xe cơ giới, tăng thuế cầu đường và giảm trợ cấp xăng dầu. Đồng thời, họ cũng nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm và xây dựng các làn xe dành riêng cho xe bus.

Tháng 12/2014 Jakarta bắt đầu thử nghiệm lệnh cấm xe máy tại 2 tuyến đường lớn là Jl. MH Thamrin và Jl. Medan Merdeka Barat. Lệnh cấm xe được áp dụng toàn thời gian và đối với toàn bộ các ngày trong tuần.

Đồng thời, chính quyền cũng tăng thêm 20 chiếc xe bus, trong đó có đến 50% là xe bus hai tầng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên hai tuyến đường lớn.

Và bắt đầu từ tháng 2/2015, sau một tháng thử nghiệm, Jakarta đã áp dụng lệnh cấm xe máy. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ áp dụng ở một số khu vực và tuyến đường ở trung tâm thành phố, những nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Mặc dù vậy, việc có quá nhiều ô tô cá nhân vẫn gây ra tình trạng tắc đường tại Jakarta. Do đó, các phương tiện công cộng đặc biệt là dịch vụ chia sẻ xe đang rất phát triển tại thành phố này.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Cấm xe máy, bài học từ các nước trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...