Thứ năm, 28/03/2024 19:00 (GMT+7)

Cần chấm dứt các dự án thuỷ điện tư nhân để tránh thiên tai, lũ lụt

MTĐT -  Thứ ba, 24/11/2020 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Từ đầu năm đến ngày 6.11, thiên tai đã làm 275 người chết, 65 người mất tích, tổng thiệt hại kinh tế hơn 33.449 tỉ đồng.

Ngày 7.11, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN và PTNT) cho biết qua tổng hợp từ các địa phương từ đầu năm đến ngày 6.11, thiên tai đã làm 275 người chết, 65 người mất tích, tổng thiệt hại kinh tế hơn 33.449 tỉ đồng. Trong đó, thiên tai gây thiệt hại tập trung trong tháng 9 – 10 ở khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Cụ thể, trong tháng 10, các tỉnh miền Trung hứng 4 cơn bão, 1 vùng áp thấp và 1 áp thấp nhiệt đới. Mưa lớn gây 2 đợt ngập lụt diện rộng từ ngày 6 - 13.10 và 16 - 20.10, gây lũ quét, lũ ống, sạt lở đất trên diện rộng, làm tổn thất đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Thống kê trong tháng 9 - 10, thiên tai ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên làm 242 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế 28.000 tỉ đồng. Mưa bão, sạt lở đất, lũ quét làm 201.374 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. Chỉ tính riêng việc khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện nay, các địa phương đang đề nghị T.Ư hỗ trợ 9.438 tỉ đồng.

Chiều 7.11, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bão số 11 trên Biển Đông đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Ở vùng biển phía đông miền trung Philippines lại có một ATNĐ đang hoạt động. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 9.11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ vĩ bắc và 115,0 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 160 km về phía bắc đông bắc. Vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8 (từ 60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Cơn bão này gây mưa lớn cho các tỉnh trung và nam Trung bộ.

Các tỉnh miền Trung chuẩn bị đảm bảo sẵn sàng nguồn lực ứng phó tình huống “bão chồng bão”, lũ chồng lũ” và nguy cơ xuất hiện tổ hợp thiên tai nguy hiểm kéo dài trong những ngày qua.

Chiều cùng ngày, Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, Bộ Quốc phòng phối hợp các địa phương sẵn sàng lực lượng với 59.234 người và 1.360 phương tiện, trong đó có 17 tàu, 70 xe đặc chủng , 540 xuồng các loại... sẵn sàng ứng phó mưa lũ trong những ngày qua.
“Trong 10 ngày, miền Trung hứng chịu 2 cơn bão và 2 đợt mưa lớn trong khi khu vực này liên tục có mưa bão nhiều ngày trước đây, nên nguy cơ rất cao sẽ xảy ra các tai biến địa chất nguy hiểm”, ông Năng cảnh báo.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, bắc Tây nguyên ở mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3 , có sông trên BĐ3. Các sông ở Quảng Bình và khu vực nam Tây nguyên ở mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng, thấp, ven sông và đô thị.

Nhiều khu vực ven biển, cửa sông các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ bị thiệt hại nặng do bão số 13.

Tại khu vực bờ kè sông Hàn dọc đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng), hàng trăm mét vỉa hè dọc bờ sông đã bị hư hỏng sau bão. Các loại gạch lát bị “lột” lên, nằm la liệt khắp vỉa hè và lòng đường. Nước dâng cũng kéo theo một lượng bùn cát lớn, bao phủ khu vực này. Nhiều điểm kè sông ở đây cũng bị sụt lún nghiêm trọng, có điểm sụt lún dài gần 5 - 6m.

Do ảnh hưởng của bão số 13, trong đêm 14, rạng sáng 15/11 tại Quảng Nam có mưa to, gió quật mạnh, đặc biệt khu vực ven biển sóng cao cả chục mét. Sóng to gió lớn liên tục công phá, quật sập dãy nhà chuyên bán hải sản phục vụ du khách của 7 hộ dân ven biển Hội An (thuộc tổ 4, khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An).

Toàn bộ bờ biển Hội An đến thời điểm hiện tại đều bị sạt lở, nghiêm trọng nhất vẫn là khu vực bãi tắm Cửa Đại.

Tại Đà Nẵng, tối 14 và rạng sáng ngày 15/11 có mưa to và gió lớn. Tuy tâm bão không đi vào, nhưng các khu vực ven biển, ven cửa sông ở Đà Nẵng đã bị sóng, gió kèm theo nước biển dâng cao đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho bờ biển, đê, kè chắn sóng. Các khu vực ven biển, cửa sông Hàn ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Thanh Khê chịu nhiều thiệt hại do mưa bão. Tại quận Hải Châu, khu vực cửa sông Hàn nước biển dâng cao, kèm sóng lớn đã làm tuyến đường Như Nguyệt và khu dân cư Thuận Phước bị ảnh hưởng nặng, lần đầu tiên bị ngập nước. Toàn bộ bờ kè sông dọc đường Như Nguyệt đã bị nước xói tung, nhiều đoạn bị sóng đánh nát, trơ lại lõi sắt thép. Các khu dân cư gần đó cũng bị nước sông Hàn dâng cao, gây ngập trong đêm.

Trong khi đó, tại khu vực bãi biển Mỹ Khê, Mỹ An, Phạm Văn Đồng, Mân Thái...vốn là những bãi biển đẹp nổi tiếng, sau bão trở nên tan hoang. Tại khu vực bãi biển Phạm Văn Đồng, toàn bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất của các bãi tắm số 1, 2,3 đã hư hỏng nặng. Toàn bộ tuyến bờ kè bị sóng ăn sâu, xới tung, đánh sập. Rặng dừa chắn sóng nhiều cây đã bị sóng quật ngã, trơ rễ do cát đã bị xói mòn. Hệ thống trang thiết bị phục vụ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao dọc tuyến biển đã bị sóng đánh hư hỏng, nhiều hạng mục trơ lại trụ bê tông, nghiêng ngả…

Cử tri Phan Văn Lực (phường 13, quận Bình Thạnh) nói: “Tháng 10/2020, giữa lũ chồng lũ, tang thương chồng tang thương, nhiều người giật mình nhớ lại 3 năm trước dư luận từng bất bình trước quyết định phá 200 ha rừng khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền để làm bốn nhà máy thủy điện, trong đó có Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Hiện nay, con sông Rào Trăng với chiều dài chỉ khoảng 26km nhưng phải gánh nhiều thủy điện công suất vừa và nhỏ. Thế này thì là thiên tai hay nhân tai?”

Trả lời các cử tri, đại biểu Quốc hội TP HCM Phạm Khánh Phong Lan nói rằng: Về tình trạng lũ lụt, sạt lở đất, bà Lan cho biết, sau khi ba vị Bộ trưởng Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn, Quốc hội đã thống nhất không thể chỉ tập trung vào một nguyên nhân là thiên tai gây ra lũ lụt, sạt lở đất mà còn liên quan đến vấn đề phá rừng, làm thủy điện tùy tiện.

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng: “Phải chấm dứt ngay các dự án thủy điện tư nhân hóa, là nguyên dẫn đến thủy điện phát triển ồ ạt, hình thức đầu tư BOT cho công trình thủy điện mà quốc tế đã cấm nhưng Việt Nam thì không”. Vì vậy có hiện tượng sau khi chủ đầu tư đã khai thác hết rừng, lại sang tên đổi chủ cho người khác, rừng bị khai thác triệt để làm thủy điện không hề có sự trồng lại như dự án đã được phê duyệt. Rõ ràng thủy điện là người phá rừng gây nên bão lụt, lở đất, tạo nên những thảm họa khôn lường cho nhân dân, cho xã hội.

Theo báo Thanh niên ngày 20/11/2020 “Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện bất tuân quy trình xả nước”.

Dù có đầy đủ quy định về quy trình vận hành, điều tiết nước trong hồ, nhưng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện ở tỉnh Thanh Hóa không tuân thủ khi có yêu cầu xả nước.

Thuỷ điện xả lũ (Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Thủy lợi không xả lũ điều tiết theo yêu cầu.

Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, H.Nông Cống, Thanh Hóa) là hồ thủy lợi lớn ở Thanh Hóa, có dung tích chứa 82 triệu m3 khi ở cao trình 20,36 m và 62 triệu m3 khi ở cao trình 18,50 m. Hồ có nhiệm vụ tưới cho gần 6.000 ha đất canh tác nông nghiệp và cung cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch của TX.Nghi Sơn (Thanh Hóa), đặc biệt là nước cho hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp ở Khu kinh tế Nghi Sơn. Trong các đợt mưa do ảnh hưởng của các cơn bão vừa qua, đơn vị quản lý hồ là Công ty TNHH MTV Sông Chu đã chưa thực hiện điều tiết xả lũ theo đúng quy trình vận hành hồ.(Thanh niên, 18/11/2020).

Cụ thể, khoảng thời gian từ 28 - 30.10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to, có nơi mưa rất to, khiến mực nước hồ Yên Mỹ đo được lúc 7 giờ ngày 30.10 ở cao trình 19,65 m; trong khi theo quy định của quy trình vận hành điều tiết hồ Yên Mỹ do UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, ngày cuối tháng 10 mực nước tích không vượt quá cao trình 18,30 m. Tiếp đó, khi cơn bão số 13 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, dự báo Thanh Hóa bị ảnh hưởng và có mưa lớn, nhưng đến 7 giờ ngày 12.11 mực nước ở hồ Yên Mỹ vẫn nằm ở cao trình 19,56 m; đến 7 giờ ngày 16.11 là 19,14 m.

Lo lắng cho an toàn hồ đập, liên tục các ngày 30.10, 13.11 và 16.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thanh Hóa và Sở NN-PTNT Thanh Hóa có công văn đốc thúc, yêu cầu Công ty TNHH MTV Sông Chu thực hiện xả lũ theo quy trình vận hành điều tiết hồ, tức là xả để mực nước về cao trình các ngày cuối tháng 10 là 18,30 m; tháng 11 là 18,50 m. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV, lúc hơn 10 giờ ngày 17.11 hồ Yên Mỹ chỉ mở 1 cửa xả và mực nước đang ở cao trình khoảng 19 m.
Không chỉ hồ Yên Mỹ, hồ Đồng Chùa (TX.Nghi Sơn) cũng trong tình trạng tương tự. Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã liên tục có văn bản yêu cầu Công ty TNNH MTV Sông Chu đưa mực nước hồ này về mức không quá 8,70 m, nhưng thời điểm 7 giờ ngày 12.11 mực nước hồ này là 9,06m.

Theo báo Tiền Phong ngày 11.11.2020: Sau khi bão số 12 đi qua, nhiều thôn xóm ở Khánh Hòa và Phú Yên chìm trong nước lũ. Trong khi đó, các hồ chứa thủy điện và thủy lợi xả lũ lớn làm ngập lụt vùng hạ du hai tỉnh này.

Sau bão số 12 đi qua, hồ Hoa Sơn xả lũ gây ngập cho các xã Vạn Phú, Vạn Bình (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), nhiều nơi khác cũng bị ngập cục bộ. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, đến chiều 10.11, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 70-80% công suất thiết kế. Riêng một số hồ có dung tích xấp xỉ thiết kế như: Hoa Sơn đạt 96%, Suối Dầu đạt 99%... Hồ Hoa Sơn đang xả lũ với lưu lượng hơn 280m3/s, Suối Dầu gần 21m3/s. Ông Lê Hồng Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết, hồ Hoa Sơn xả lũ đã gây ngập cho xã Vạn Phú và Vạn Bình. Cơ quan chức năng địa phương đang tập trung lực lượng di dời dân ra khỏi khu vực ngập. Theo ghi nhận của phóng viên vào chiều 10.11, tại thôn Bình Trung 1, xã Vạn Bình, nước ngập tứ bề. Theo lãnh đạo xã Vạn Bình, toàn xã có 141 hộ bị ngập; các lực lượng đã dùng ca nô đưa 50 người thuộc 20 hộ bị cô lập đến nơi an toàn.

Nhiều lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra hiện trường xã Vạn Bình và Vạn Phú để chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ.

Nhiều nhà máy thủy điện lớn, nhỏ ở Phú Yên đã bắt đầu xả lũ với lưu lượng lớn, gây ra nguy cơ ngập lụt ở vùng hạ du. Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết, chiều 10.11, tại huyện Sông Hinh và huyện Tuy An xuất hiện nhiều điểm ngập sâu. Hầu hết các hồ thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trong tỉnh đang xả lũ. Đến 17h chiều 10.11, Thủy điện Sông Ba Hạ nâng mức xả lũ lên 3.000 m3/s và Thủy điện Sông Hinh xả hơn 1.200 m3/s. Các hồ chứa Kỳ Lộ, Sông Cái cũng đang xả với lưu lượng rất lớn. Một lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho biết: “Do thủy điện Krông Năng trên cùng hệ thống sông đang xả hơn 1.700 m3/s nên chúng tôi phải tăng lưu lượng xả lên 3.000 m3/s”.

Ngay trước cơn bão số 13, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã dùng biện pháp mạnh để buộc Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (tại địa bàn xã Thượng Nhật, H.Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) chấp hành lệnh điều tiết lũ của tỉnh. (Tiền phong, 21/11/2020).

Thủy điện “găm” nước mùa hạn

Tình trạng bất tuân quy trình vận hành điều tiết hồ còn xảy ra đối với hồ thủy điện. Cuối tháng 6 vừa qua, là thời điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang xảy ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, nhưng thủy điện Cẩm Thủy 1 (trên sông Mã, thuộc địa phận H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) do Công ty CP đầu tư hạ tầng - giao thông (địa chỉ tại Hà Nội) đầu tư, cũng không thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, khi thủy điện Trung Sơn (H.Quan Hóa, Thanh Hóa) xả nước, buộc các thủy điện Thành Sơn, Bá Thước 1, Bá Thước 2 và Cẩm Thủy 1 (các thủy điện hạ du thủy điện Trung Sơn) phải vận hành xả nước với lưu lượng không nhỏ hơn lưu lượng đến hồ. Tuy nhiên, liên tục trong các ngày từ 25 - 28.6, thủy điện Cẩm Thủy 1 không thực hiện đúng quy định. Số liệu ghi nhận cho thấy: từ 1 - 3 giờ ngày 25.6 lưu lượng nước về hồ là 257 m3/giây nhưng chỉ xả 140 m3/giây; từ 14 - 16 giờ ngày 26.6 nước về hồ là 110 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây; từ 1 - 4 giờ ngày 27.6 nước về hồ là 164 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây; từ 3 - 7 giờ ngày 28.6 nước về hồ là 160 m3/giây nhưng chỉ xả 70 m3/giây. (Thanh niên, 18/11/2020)

Trước sự việc trên, ngày 30.6, Sở NN-PTNT Thanh Hóa phải có văn bản đề nghị chủ đầu tư thủy điện Cẩm Thủy 1 thực hiện việc vận hành xả nước đúng quy trình, đảm bảo không nhỏ hơn lưu lượng nước đến hồ. Rõ ràng thủy điện xả nước lúc mùa bão để khắp nơi úng ngập nhưng lại găm nước lúc đồng ruộng bị nứt nẻ, khô cháy. Như vậy, thủy điện có ích lợi gì cho xã hội?

Các giải pháp phòng chống thiên tai

1. Nghiêm cấm phá rừng: Rừng có thể lưu chứa nguồn nước, cản trở nước xói mòn đất. Theo tính toán, rừng so với diện tích không rừng, mỗi mẫu (1 mẫu bằng 667,7m2) có thể chứa 20m3 nước. Lượng nước 10 vạn mẫu rừng chứa tương đương với lượng nước của một hồ nước cỡ vừa hoặc nhỏ, tức là 20 triệu m3. Rừng còn là “điều độ viên” về nước. Mùa mưa, rừng có thể phân tán nước lũ, làm đỉnh lũ xuất hiện chậm. Mùa khô rừng giữ cho lưu lượng nước sông vẫn bình thường.

2. Phải chấm dứt các dự án tư nhân hóa thủy điện, kiên quyết không cho phát triển thủy điện loại nhỏ và vừa. Bắt buộc các công trình thủy điện phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của chính quyền về tích nước cứu hạn, xả lũ, hạn chế các tổn thất do thủy điện gây ra, nhất là lúc có thiên tai và hạn hán.

3. Trong PCTT, chủ trương “phòng ngừa là chính”, Thủ tướng nói. Thời gian tới, các địa phương cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai, tránh bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra, từ bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở, hạn hán… Cùng đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp về đê điều, hồ đập, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

4. Trước tình hình mới, đòi hỏi công tác môi trường phải chuyển từ bị động khắc phục sang chủ động kiểm soát phòng ngừa, ngành TNMT cần dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan trên diện rộng, đưa thông tin về trượt lở đất, lũ quét vào bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời trên ti vi. Nâng cao năng lực, khoa học trong dự báo bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn tốt hơn các sản phẩm dự báo, mô hình dự báo chuyển của Việt Nam khi bão vào Biển Đông phải làm sao đẩy mạnh truyền thông, truyền hình về bão, và các thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt phải chú ý đế cả các địa phương xưa nay ít bão lụt để cho nhân dân bớt chủ quan.

5. Người dân cần chủ động điều chỉnh hoạt động đời sống sản xuất để giảm tổn thất với những biểu hiện của BĐKH, có nhiều điều người dân có thể tự làm được để bảo vệ chính mình. Thí dụ ở đồng bằng sông Cửu Long, người dân có thể quan sát mực nước lũ vào tháng 10, dương lịch để sau tết có hạn mặn hay không để điều chỉnh loại hình canh tác, thời gian xuống giống tích cực trữ nước cho sinh họat. Kiên quyết ngăn chặn phá rừng chống sạt lở, lũ quét, lũ ống. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng có nhiều biện pháp để giúp người dân đối phó với vấn đề BĐKH. Những lựa chọn phát triển đó chính là phải lồng ghép vấn đề BĐKH đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, chiến lược bền vững, sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo giúp họ giảm thêm được tác hại do BĐKH, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập để thoát nghèo.

Tuy nhiên, để phòng chống tốt nhất và khắc phục thiên tai và khắc phục thiên tai nhanh nhất, hiệu quả nhát phải thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ.

6. Phải rà soát, quy hoạch, quy hoạch lại dân cư bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương. Chủ động kiên quyết di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ bão lũ gây sạt lở cao, có khả năng lũ quét xảy ra.

7. Vấn đề thiết thực cần làm ngay là khẩn trương khôi phục cuộc sống bình yên, ổn định cuộc sống và sản xuất sinh hoạt. Hội khuyến nông và các chuyên gia nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất, giúp nông dân phát triển cây, con mới nâng cao năng suất, cải thiện đời sống nông dân./.

PGS.TS Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở KH-CN-MT Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Cần chấm dứt các dự án thuỷ điện tư nhân để tránh thiên tai, lũ lụt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bản đồ công nghệ cho chính phủ số
Bản đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nhằm đánh giá các công nghệ có tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số của chính phủ.
Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi
Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá ổn định, song chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, chất thải từ chuồng trại của nhiều nông hộ, gia trại, trang trại gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.