Thứ sáu, 19/04/2024 06:07 (GMT+7)

“Cần chấp nhận Tô Lịch là mương nước để ứng xử phù hợp”

MTĐT -  Thứ hai, 08/07/2019 15:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"Sông Tô Lịch chết đơn thuần bởi các điều kiện khách quan, tự nhiên bất lợi. Chính vì vậy, tác động của con người để làm sống lại con sông rất khó khăn", giáo sư Vũ Trọng Hồng nói.

Trao đổi với Zing.vn, GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi) cho rằng việc "hồi sinh" hay khơi thông dòng chảy, đưa Tô Lịch về trạng thái tự nhiên như trước là điều không thể.

Theo ông, Tô Lịch hiện giờ khó có thể coi là một con sông đúng nghĩa do đường dẫn nước quan trọng nhất của con sông đã bị chặn, lấp đi từ lâu. Bên cạnh đó, TP Hà Nội tận dụng, biến Tô Lịch thành cống chứa hàng trăm nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý khiến con sông tiếp tục "chết" bất chấp mọi giải pháp, công nghệ làm sạch.

Theo các chuyên gia, sông Tô Lịch chết chủ yếu do các điều kiện tự nhiên, khách quan. Ảnh: Việt Linh.

Chấp nhận sự thật Tô Lịch "đã chết"

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cho rằng việc sông Tô Lịch "chết" đơn thuần bởi các điều kiện tự nhiên, địa chất thay đổi sau hàng trăm năm.

"Dù khó chấp nhận, nhưng ta cần phải nhìn nhận sự thật Tô Lịch không bao giờ có thể quay trở lại là con sông tự nhiên như trước. Việc con sông chết đơn thuần bởi các điều kiện khách quan, tự nhiên bất lợi. Cũng chính vì vậy nên tác động của con người để làm sống lại con sông rất khó khăn", GS Trọng Hồng phân tích.

Về nguyên nhân của tình trạng này, ông đưa ra 2 lý do chính:

Thứ nhất, việc cửa đường dẫn nước từ sông Hồng vào Tô Lịch đã bị ngắt và lấp từ nhiều năm trước khiến cho việc đào lại dòng chảy cho con sông là điều không tưởng. Việc này sẽ tốn nguồn kinh phí khổng lồ, kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.

Thứ hai, sông Hồng từ nhiều năm nay thường xuyên rơi vào tình trạng cạn kiệt, nhất là vào mùa khô. Việc mở đường dẫn từ sông Hồng vào Tô Lịch đã khó, mà không chắc đủ nước để cấp dòng chảy cho Tô Lịch.

Trong quá trình đô thị hóa, bồi lấp của sông Hồng, nhiều đoạn của sông Tô Lịch (màu đỏ) chạy dọc đường Thụy Khê rồi đổ ra sông Hồng bị chặn, lấp. Con sông bị mất dòng chảy và chỉ còn đoạn như ngày nay (màu xanh). Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Chung nhận định, GS. TSKH Phạm Hoàng Hải, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Địa lý Việt Nam, cho rằng sông Hồng bản thân cũng không đủ nước để cấp cho chính nó, nên việc cấp nước cho Tô Lịch là điều không khả thi.

"Từ nhiều năm nay, nước sông Hồng luôn ở mức thấp, thậm chí còn không đủ để phục vụ nông nghiệp. Thời gian trước, một số chuyên gia đề xuất dùng máy bơm để bơm nước từ sông Hồng vào nhưng làm thế vừa tốn kém, vừa không bền vững. Bơm đến bao giờ mới đầy được Tô Lịch?", GS Hoàng Hải nói.

Bối rối với các hướng đi

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đã đến lúc cần chấp nhận sự thật Tô Lịch không thể trở lại thành con sông trong xanh, nước chảy như xưa nữa. Hà Nội nên chuyển hướng sang giải quyết Tô Lịch với đối tượng là một mương nước thải.

"Nếu con sông có dòng chảy thì rất dễ, tách nước thải là sông sẽ tự được làm sạch. Nhưng giờ đây, chúng ta phải đối mặt với bài toán sông chết mà nước thải cứ liên tục đổ vào như thế thì khác gì cái cống? Làm gì có con sông nào như thế?", GS Trọng Hồng nói.

Sông Tô Lịch hầu như chỉ chứa bùn và chất thải. Ảnh: Việt Linh.

PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), lại cho rằng Tô Lịch có là sông hay không chỉ là vấn đề quan niệm.

"Tùy theo quan niệm của từng người, tôi cho rằng Tô Lịch vẫn là một con sông, tất nhiên không phải sông tự nhiên. Nguồn nước cấp từ sông Hồng bị mất, nhưng sông Tô vẫn có nguồn nước mưa", ông nêu quan điểm.

Ông Tứ cho rằng nước thải sinh hoạt cũng được coi là một nguồn cấp nước quan trọng đối với các con sông trong đô thị, nhưng chỉ với điều kiện nước thải này phải qua xử lý, đạt tiêu chuẩn, cá có thể sống được. Theo ông, việc này không hề hiếm ở các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Các nước vẫn có các con sông nhân tạo, nước trong và có cá bơi giữa lòng đô thị. Vì vậy nước thải cùng là một nguồn tài nguyên. Nhưng Hà Nội lại đang thải thẳng nước không qua xử lý xuống như vậy thì chỉ là nguồn ô nhiễm chứ không thể là nguồn nước được", ông Tứ cho biết.

Công nhân của công ty JVE lắp đặt máy sục khí Nano. Ảnh: Việt Hùng.

Bài toán tách nước thải

Theo các chuyên gia, thành phố Hà Nội đang nỗ lực giải quyết vấn đề sông Tô Lịch nhưng mới chỉ tập trung vào phần ngọn. Cội rễ là xử lý nước thải thì vẫn bất lực.

"Mọi giải pháp, đặt máy xử lý nước thải, hay rải chế phẩm làm sạch đều chỉ là tình thế. Hàng chục triệu m3 nước thải mỗi năm như thế chả có máy gì làm sạch nổi, nếu làm sạch thì sẽ tốn bao nhiêu tiền cho đủ?", GS Hoàng Hải phân tích.

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải chưa qua xử lý chảy vào sông. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 54 triệu m3, lượng nước thải này khiến con sông liên tục đen kịt, dày đặc toàn bùn, bốc mùi hôi thối.

Hà Nội đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày, đêm. Tổng mức đầu tư được duyệt là gần 16.300 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Khởi công từ 2016, nhưng dự án ì ạch, mới chỉ triển khai được một số hạng mục cơ bản, phục vụ thi công.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang cho thí điểm công nghệ làm sạch Nano-Bioreactor do đoàn chuyên gia Nhật và công tư JVE làm chủ đầu tư. Đạt được một số thành quả nhất định trong xử lý bùn và mùi hôi nhưng các chuyên gia đánh giá công nghệ vẫn khó đạt hiệu quả nếu nước thải tiếp tục chảy vào sông như hiện nay.

Thành phố cũng đang cho khoanh vùng, thí điểm công nghệ làm sạch nước của Đức trên sông Tô Lịch. Chất Redoxy-3C được sử dụng cho kết quả khả quan, nhưng nếu sử dụng sẽ phải rải liên tục, rất tốn kém, không hiệu quả.

Sông Hồng cạn nước

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Tổng cục Thủy Lợi), có nhiều nguyên nhân dẫn đến mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp.

Sự xói lở lòng sông, ảnh hưởng từ các hồ chứa lớn ở Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang và tình trạng khai thác cát bừa bãi. Ước tính các hồ chứa có tổng dung tích hơn 30 tỷ m3 khối nước khiến sông Hồng thường xuyên cạn kiệt, nhất là mùa khô.

10 năm gần đây, dòng chảy mùa cạn hệ thống sông Hồng đều ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi lấy nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các địa phương đã thống nhất kế hoạch điều tiết, bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng. Tuy nhiên, để duy trì mực nước trên sông Hồng đạt mức 2,2 m rất khó khăn.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết “Cần chấp nhận Tô Lịch là mương nước để ứng xử phù hợp”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hậu Giang gắn camera quan sát rừng
Tỉnh Hậu Giang sẽ gắn thêm thiết bị camera quan sát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn sẽ còn diễn ra gay gắt và kéo dài trong thời gian tới.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.