Thứ sáu, 19/04/2024 12:59 (GMT+7)

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'

MTĐT -  Chủ nhật, 18/09/2022 22:21 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lâu nay chúng ta chỉ nói về đô thị và nông thôn, nhưng mối quan hệ giữa CNH và ĐTH hiện nay đang rất cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa và sự ra đời các KCN thế hệ mới với trên 300 khu trên cả nước cho thấy mối quan hệ này cần phải đánh giá...

Lâu nay chúng ta chỉ nói về đô thị và nông thôn, nhưng mối quan hệ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá hiện nay đang rất cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa và sự ra đời các khu công nghiệp thế hệ mới với trên 300 khu trên cả nước cho thấy mối quan hệ này cần phải đánh giá...

Ngày 16.9, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng Hội xây dựng Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Đô thị hoá và phát triển dô thị Việt Nam - thực trạng và định hướng chính sách đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại hai đầu cầu chính là Hà Nội và TP.HCM và hình thức trực tuyến với 14 điểm cầu là các sở xây dựng địa phương. Tham dự hội thảo là các nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các viện, các bộ ngành, các uỷ ban nhân dân, sở xây dựng và các hội nghề nghiệp…

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
Toàn cảnh Hội thảo tại đầu cầu chính ở Hà Nội. Ảnh: L.Q

Với mục tiêu có cơ sở khoa học và thực tiễn đánh giá quá trình đô thi hoá và phát triển đô thị hoá được đầy đủ, Hội thảo đã tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để đánh giá quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị của Việt Nam trong thời kỳ 2010 – 2020 và đề xuất các gợi ý định hướng chính sách về đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội thảo 4 nội dung chính được trình bày thông qua 4 tham luận, đó là: Định hướng chính sách về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn; Đánh giá đất đô thị và tổ chức không gian đô thị; Định hướng chính sách dịch cư đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề xuất “giải pháp xung” giải quyết ùn tắc giao thông cho Hà Nội và TP.HCM. Những nội dung này cũng được tóm tắt tại trình bày tổng quan về nội dung nghiên cứu của đề tài bởi PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, đồng thời cũng là chủ nhiệm đề tài.

Theo đó, một số nội dung mới được phát hiện như: “Chúng ta có hai loại điểm dân cư vẫn thường gọi là đô thị và nông thôn. Nhưng còn loại điểm thứ ba không có tên gọi trong văn bản quy phạm pháp luật đó là khoảng trên 300 khu công nghiệp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Và các khu công nghiệp này chiếm 90% nằm ở nông thôn thuộc các huyện trên các tỉnh thành. Trong điều tra dân số, không có thành phần dân số ở các khu này”.

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: CTV

Về dịch cư đô thị, đề tài nghiên cứu cho thấy, dịch cư đô thị hiện nay diễn ra phức tạp ở nhiều khu vực khác nhau. Có một loại hình dịch cư ở một điểm mà lẽ ra nhiều khu vực sẽ trở thành đô thị như các đô thị công nghiệp mà chúng ta đã từng có như thành phố Thái Nguyên, Việt Trì, Nam Định... là đô thị công nghiệp. Và sự dịch cư ở các khu công nghiệp cho thấy việc định cư ở đây là chưa bền vững. Nó vẫn là dịch cư con thoi. Và đại dịch COVID-19 năm 2020-2021 cho thấy những dòng người dịch chuyển từ các tỉnh này sang các tỉnh khác như từ phía Nam trở về quê hương phía Bắc, Tây Nguyên, miền Tây... mà lẽ ra nơi họ đang định cư sẽ trở thành quê hương thứ hai. Và từ quê hương thứ hai này, dịch cư tạm thời trở thành dịch cư bất định. Tuy nhiên điều đó chưa diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Qua báo cáo của đất đô thị và tổ chức không gian đô thị nêu về các văn bản quy phạm pháp luật, các đánh giá về đất đô thị cũng như về tổ chức không gian. Nghiên cứu này còn đánh giá về mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn và công nghiệp hoá. Theo đó, có công nghiệp hoá là bởi lâu nay chúng ta chỉ nói về đô thị và nông thôn, nhưng mối quan hệ giữa công nghiệp hoá và đô thị hoá hiện nay đang rất cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa và sự ra đời các khu công nghiệp thế hệ mới với trên 300 khu trên cả nước cho thấy mối quan hệ này cần phải đánh giá.

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
Trong ba ngày từ 2.10 đến 4.10.2021 đã có hơn 30.000 lượt người dân về quê các tỉnh Tây Nguyên, miền trung và miền bắc qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Người dân về quê được lực lượng công an dẫn đường, hỗ trợ thực phẩm, nước uống và xăng xe khi qua địa bàn tỉnh.. Nguồn: Báo Thanh Niên

Theo PGS-TS Lưu Đức Hải thì nghiên cứu cũng đánh giá ảnh hưởng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đến quá trình đô thị hoá. Nói tới hạ tầng kỹ thuật, chúng ta thấy rằng cần phải có đánh giá ảnh hưởng hệ thống giao thông trong quá trình đô thị hoá, ảnh hưởng của hệ thống cấp nước, của san nền thoát nước mưa, của hệ thống cấp điện chiếu sáng tới quá trình đô thị hoá. Đặc biệt là san nền thoát nước mưa trong quá trình đô thị hoá, cho thấy việc quản lý đô thị theo cốt nền hiện nay đang có vấn đề. Đây cũng là một trong những nội dung gây ra ngập lụt thường xuyên ở các đô thị lớn.

Mối quan hệ giữa giao thông và thoát nước mưa hiện nay ở khắp các địa phương trên cả nước đang diễn ra tình trạng khi cải tạo các con đường trong đô thị, chính quyền địa phương đã úp phủ một lớp bê tông nhựa lên trên với chiều dày khoảng 15 - 20cm. “Theo quy hoạch thoát nước mưa thì các cốt nền phải giữ nguyên. Việc úp phủ các con đường, cải tạo bê tông, nâng cấp vỉa hè lên làm sai lệch cốt nền so với các quy hoạch thoát nước của địa phương đã được phê duyệt. Làm sao khi cải tạo các con đường không làm thay đổi cốt nền đô thị và không làm ảnh hưởng tới thoát nước mưa đô thị - đây cũng là một trong những nội dung được đánh giá là phát hiện mới của đề tài trong quá trình nghiên cứu”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, đánh giá.

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
Mưa lớn kéo dài khiến một số tuyến phố ở Thủ đô ngập sâu dịp trung tuần tháng 6 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
Và mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều tuyến đường tại trung tâm TP.HCM và TP Thủ Đức ngập nặng. Ảnh chụp hiều 2.6.2022. Ảnh: Vnexpress

Từ các tham luận trình bày tại Hội thảo cho thấy, nghiên cứu còn phân tích đánh giá các chính sách phát triển đô thị, các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, các nghiên cứu cũng chỉ ra một số hạn chế trong chính sách của đô thị. “Khi đánh giá về quản lý phát triển đô thị, về kế hoạch phân loại đô thị giai đoạn 2021- 2030 và gần đây nhất đã ban hành quyết định số 241 và từ đó nhóm nghiên cứu xây dựng kịch bản về tình hình phân loại đô thị giai đoạn 2010- 2020. Thông qua số liệu cho thấy chân đế của tháp phân tầng phân loại đô thị có sự không bền vững, đặc biệt là đô thị loại 4. Đô thị loại 4 chỉ có 90 đô thị ttrong khi loại 5 là 668 đô thị. Hai loại đô thị nhỏ nhất ở Việt Nam trong 6 loại đô thị đó là loại 4 và loại 5, nhưng loại 4 còn cách xa loại 5 về mặt số lượng. Vì thế rất cần sửa đổi Nghị quyết 1210 ở đô thị loại 4 bởi dân số ở đây quá cao.

Và tương tự ở Nghị quyết 1211, thị trấn là đô thị loại 5 lớn hơn hoặc bằng một xã, thị xã; đô thị loại 4 lớn hơn hoặc bằng 10 xã; đô thị loại 3 lớn hơn hoặc bằng 10 xã thì trở thành thành phố. Điều này cho thấy có sự không tầng bậc ở nghị quyết 1211. Chúng tôi đã kiến nghị với Uỷ ban Pháp luật của Quốc Hội nghiên cứu lại Nghị quyết 1210. Khu vực đô thị loại 4 về dân số cần giảm xuống để thể hiện tính tầng bậc trong thấp phân tầng của loại đô thị. Và Nghị quyết 1211 cần điều chỉnh số xã. Thị xã từ 10 giảm xuống. Như vậy tính tầng bậc, tính phân cấp các loại đô thị về mặt hành chính phù hợp hơn. Đây cũng là những ý tưởng chúng tôi muốn nhấn mạnh trong Hội thảo này”, PGS-TS Lưu Đức Hải chia sẻ.

Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'
Vào giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân Khu chế xuất Tân Thuận chen chúc nhau ra về. Khu chế xuất này nằm tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM với diện tích 300 ha. Nơi đây có khoảng 100 nhà máy hoạt động với hàng chục nghìn công nhân. Ảnh: Zing

Đánh giá cao những đóng góp của nghiên cứu, đặc biệt là những phát hiện mới trong vấn đề quản lý đô thị, các đại biểu cũng góp ý một số nội dung để làm rõ thêm vấn đề. Theo đại diện lãnh đạo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) thì vấn đề vùng ven cũng là vấn đề rất quan trọng và nó cũng là một điển hình đô thị hoá trong bối cảnh của Việt Nam. Trong giai đoạn tới vùng ven vẫn tiếp tục là khu vực đô thị hoá và chuyển dịch mạnh mẽ vì vậy chúng ta có thể có những nhấn mạnh hơn về nội dung này.

Hay dưới góc độ là quản lý địa phương, ông Hà Văn Thanh Khương, Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang, cho rằng trong chính sách phát triển bền vững về mặt lý thuyết chúng ta có kinh tế, xã hội, môi trường nhưng nên theo từng giai đoạn, giai đoạn này chúng ta đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu hay giai đoạn kia chúng ta đặt vấn đề xã hội lên đầu? Và trong chính sách dọc theo chiều dài phát triển của 828 đô thị, nên có những chính sách cụ thể cho từng nhóm đô thị: như nhóm đô thị ven biển chúng ta đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu… Và với đặc thù địa hình của Việt Nam, nên có nghiên cứu thêm tính chất đặc thù về mặt vị trí địa lý của các đô thị tại Việt Nam để nó rõ hơn, cụ thể hơn.

Bạn đang đọc bài viết Cần định danh các 'đô thị công nghiệp'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo nguoidothi.net.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?