Thứ sáu, 19/04/2024 21:30 (GMT+7)

Cần đơn giản thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động

MTĐT -  Thứ hai, 28/02/2022 16:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nhiều chuyên gia nhận định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là một chính sách thiết thực, ý nghĩa nhưng phải lưu ý thủ tục hỗ trợ cần đơn giản để người lao động tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng.

Hiện nay Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đang hoàn tất lấy ý kiến các Bộ, ngành về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động để góp phần phục hồi lại thị trường lao động tại các đô thị, khu công nghiệp.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động căn cứ trên cơ sở triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, có 2 đối tượng được nhận hỗ trợ. Cụ thể, NLĐ đang làm việc trong DN được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.

Điều kiện hỗ trợ là NLĐ đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm khi đủ các yêu cầu như: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động được giao kết và thực hiện trước ngày 01/01/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm DN lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Với NLĐ quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng. Điều kiện hỗ trợ với nhóm này là: Ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 - 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 01/01 - 30/6/2022. Đồng thời, NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Theo Bộ LĐTBXH, trường hợp NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra phương án giao cho Ngân hàng chính sách được sử dụng một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà, xây dựng ký túc xá cho công nhân và cho công nhân mua hoặc thuê; lấy một khoản nữa từ ngân sách nhà nước cho công nhân có thể vay với lãi suất thấp để công nhân mua nhà với giá rẻ. 

Trước đó, ngày 30/01, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết 11).

Theo Nghị quyết 11, Chính phủ sẽ sử dụng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với NLĐ ngay trong tháng 02/2022.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) - cho biết, đây là chính sách kịp thời, nhân văn, thiết thực hỗ trợ người lao động lúc khó khăn. Để thực hiện chính sách một cách hiệu quả, ông Trung cho rằng cần xác định rõ nhóm đối tượng thật chi tiết, cụ thể. Điều này đảm bảo công bằng giữa những người lao động, các nhóm đối tượng. 

Theo ông Trung, chính sách nhà ở nếu được hỗ trợ cần thông qua doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt vai trò của chính quyền địa phương trong việc xác định người lao động thuê trọ. 

“Thủ tục nhận hỗ trợ phải hết sức đơn giản, cần có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi hỗ trợ này. Như vậy, người lao động mới tiếp cận được những chính sách nhanh chóng, kịp thời. Bên cạnh đó, chính sách ban hành có sự giám sát của các tổ chức trong quá trình thực thi” - ông Trung nói. 

Theo ông Trung, hỗ trợ bằng tiền trước mắt là hợp lý, nhưng cần tính đến vấn đề lâu dài về nhà ở cho người lao động. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động, như vậy người lao động mới gắn bó với doanh nghiệp một cách tích cực. Về phía nhà nước, các địa phương trong quá trình quy hoạch cũng cần rõ ràng vấn đề nhà ở; bố trí nhà ở gần khu công nghiệp. 

“Bên cạnh đó, trong quy hoạch, các địa phương cần tính toán đến việc đưa doanh nghiệp, nhà đầu tư đến “chân” người lao động. Như vậy, sẽ giảm được chi phí cho phía người lao động. Tôi mong muốn Bộ Xây dựng có định mức tối thiểu nhà ở công nhân, đảm bảo mức sống tối thiểu nhất cho người lao động” - ông Trung nói.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ 

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách và Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết: Về cơ bản chúng tôi đồng quan điểm về đối tượng và phạm vi áp dụng, còn yếu tố thời gian áp dụng có thể cân nhắc thêm.

“Trong quá trình thực hiện, điều chúng tôi quan tâm nhất là thủ tục đơn giản, dễ dàng cho người lao động để đảm bảo đến tay người lao động nhanh nhất. Do nguồn tiền từ ngân sách nên vẫn phải đảm bảo đúng thủ tục, tránh trục lợi. Có thể thấy thời gian qua việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 116 về bảo hiểm thất nghiệp là nhanh gọn, đơn giản thủ tục, nhất mà các chính sách”, ông Lê Đình Quảng cho biết.

Theo ông Quảng, việc thực hiện thủ tục, đối tượng thuê nhà trọ do doanh nghiệp lập bởi gắn với đối tượng có hợp đồng lao động, tham gia Bảo hiểm xã hội. Trình tự do chính quyền địa phương xác nhận do gắn với địa bàn dân cư. Việc này làm đúng trình tự nhưng phải tạo thuận lợi cho lao động. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động với mục đích phục hồi thị trường lao động.

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, lâu dài thì các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai chính sách nhà ở cho công nhân, lao động và nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Có vậy mới không xảy ra tình trạng lao động dời thành phố về quê tránh dịch như trong năm 2021”, ông Quảng cho biết.

Các chuyên gia về lĩnh vực lao động cũng cho rằng, mục đích triển khai chính sách là hỗ trợ người lao động trở lại thành phố làm việc, khắc phục khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, quan trọng nhất trong việc hỗ trợ lao động thuê nhà trọ là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào bởi liên quan nhiều đến thủ tục xác nhận hành chính, nhất là từ cấp chính quyền cơ sở liên quan đến khai báo tạm vắng, tạm trú. Nếu ứng dụng dữ liệu dân cư sẽ rất thuận lợi bởi thực tế việc triển khai Nghị quyết 116 đã chứng minh khi có nguồn dữ liệu chính xác sẽ rất nhanh. Trong khi đó, dữ liệu về thị trường lao động triển khai theo ngành dọc do Cục Việc làm là đầu mối hiện rất hạn chế.

PV (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần đơn giản thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...
Đà Nẵng: Xuất hiện mùi hôi thối trong khu công nghiệp Hoà Khánh
BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng đã đề nghị Công ty TNHH Bamboo Việt - Đà Nẵng làm việc với người dân tại khu dân cư Hoà Hiệp 4, phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu về việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...