Thứ sáu, 29/03/2024 12:21 (GMT+7)

Cần hoàn thiện cơ chế xử lý phản ánh về môi trường

MTĐT -  Thứ bảy, 11/06/2022 09:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sáng 9-6, Bộ Tư pháp tổ chức toạ đàm “Đánh giá thực trạng sự tham gia của người dân trong giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM” tại trụ sở Sở Tư pháp TP.HCM.

tm-img-alt
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, cho biết đoàn giám sát rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các sở, ngành tại TP về tình hình tuân thủ bảo vệ môi trường, cũng như thực tiễn người dân tham gia giám sát bảo vệ môi trường để hoàn thiện hơn cơ chế pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Quản lý Xử lý Vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết trong thời gian qua Sở Tư pháp TP đã tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho người dân tại nhiều quận, huyện. Ngoài cách tuyên truyền truyền thống, Sở Tư pháp còn sử dụng các trang mạng xã hội để kết nối với người dân, truyền tải pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, bà Liên cho biết hiện nay rất khó để xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường. Lấy ví dụ về vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke, bà Liên chia sẻ rằng, việc gây ô nhiễm tiếng ồn từ hoạt động hát karaoke, tuy đã được các cấp chỉ đạo giải quyết nhưng dẹp rồi vẫn lặp lại. Lý giải cho điều này, bà cho rằng cần có sự thay đổi trong việc giáo dục hành vi, sinh hoạt của người dân.

“Karaoke đến từ Nhật Bản nhưng ở Nhật thì không bao giờ thấy vấn đề về tiếng ồn như ở Việt Nam. Còn ở Việt Nam, đây là một vấn đề đau đầu cho nhà quản lý”, bà Liên nói.

tm-img-alt
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Quản lý Xử lý Vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: DƯƠNG HOÀNG

Ngoài ra, bà Liên cũng cho rằng, có một lý do khác là vì khó khăn trong quản lý dân cư và doanh nghiệp. TP.HCM hiện nay có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước (năm 2021, có 32.344 doanh nghiệp), hơn nữa TP.HCM cũng có mật độ dân số cao nhất cả nước, tính đến năm 2019, dân số thực tế cư trú là gần 14 triệu người.

Đối với lĩnh vực quản lý doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí rất lớn mới có thể chấp hành đầy đủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Bởi thế, các doanh nghiệp sẽ thường sử dụng các chiêu trò để che dấu hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Hơn nữa, bà Liên khẳng định hiện nay các cơ chế pháp luật chưa có công cụ để cưỡng chế các doanh nghiệp gây ô nhiễm và không có các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể. Điều này dẫn đến việc có các quy định xử phạt nhưng không thể thi hành.

Đồng tình, đại diện Thanh tra sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết hiện nay nhiều đơn phản ánh của người dân về bảo vệ ô nhiễm môi trường yêu cầu cơ sở bị phản ánh phải di dời, đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, luật hiện hành quy định các doanh nghiệp chỉ có thể bị đình chỉ để khắc phục khi vi phạm về môi trường ở những mức độ vi phạm nặng. Điều này khiến cho nhiều vụ việc do người dân phản ánh dù đã được xử lý nhưng vẫn không được người dân đồng ý với kết quả.

Thêm vào đó, nhiều phản ánh xuất phát do mâu thuẫn cá nhân, thông tin theo cảm tính, thiếu chính xác. Vì thế, cần có cơ chế quy định trách nhiệm của người dân khi phản ánh. Ngoài ra, theo quy định hiện nay, thời gian giải quyết phản ánh là trong 48 giờ. Cộng thêm các đơn phản ánh thông tin sai hoặc không đủ cơ sở để xử lý, công việc của các cán bộ hành chính sẽ tăng lên rất nhiều nhưng nhân lực của sở thì khó có thể đáp ứng.

Bổ sung ý kiến về biện pháp đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến ô nhiễm môi trường, phía Phòng Cảnh sát môi trường TP.HCM cho biết, quy định hiện nay cũng gây khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.

“Lấy ví dụ như một toà chung cư xả thải ra môi trường, chúng tôi không thể nào đình chỉ hoạt động của toà chung cư bởi điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến người dân sống ở đó”, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường TP.HCM cho biết.

Vì thế, cần có những thay đổi về luật để phù hợp hơn cho công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm về môi trường.

Bạn đang đọc bài viết Cần hoàn thiện cơ chế xử lý phản ánh về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo PLO

Cùng chuyên mục

Tin mới