Thứ năm, 25/04/2024 14:05 (GMT+7)

Cần lên tiếng về việc Lào muốn xây thuỷ điện thứ 6 trên sông Mekong

MTĐT -  Thứ tư, 13/05/2020 09:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thông tin Lào sẽ xây dựng thủy điện thứ 6 trên dòng chính sông Mekong hẳn sẽ khiến bất cứ ai quan tâm đến sự sống còn của dòng Mekong cũng như đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải cảm thấy lo lắng.

Để ngăn những hệ luỵ có thể xảy ra trong tương lai, phải chăng từ lúc này, những cơ quan hữu quan Việt Nam cần kịp thời lên tiếng về vấn đề này mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

1. Thông tin từ Ủy hội sông Mekong vào chiều ngày 11.5.2020 cho biết, Lào sẽ tiến hành Tham vấn trước dự án thủy điện Sanakham. Đây là thủy điện thứ sáu của Lào trên dòng chính sông Mekong. Sau khi quá trình Tham vấn trước kết thúc, thường là khoảng 6 tháng, Lào dự kiến sẽ khởi công xây dựng Sanakham trong năm 2020, và hoàn thành lẫn bắt đầu bán điện vào năm 2028. Thông tin này khiến bất cứ ai quan tâm đến sự sống còn của dòng Mekong nói riêng lẫn ĐBSCL nói chung cảm thấy lo lắng.

Trong một chuyến đi thực tế thủy điện Xayaburi (con đập thứ hai của Lào hiện đã đi vào vận hành) vào năm 2017, trước mắt chúng tôi là dòng Mekong vừa hiền hòa vừa hùng vỹ. Mạn ngược lên khu vực Lào dự kiến sẽ xây dựng đập thứ 5 Luang Prabang, rất dễ nhận thấy một cuộc sống phần nào vẫn còn trù phú, yên ả ven sông do mẹ Mekong cung dưỡng. Nhưng xuôi về thủy điện Xayaburi đang xây dựng, chúng tôi gần như không nhìn thấy nhiều dấu hiện của một cuộc sống ven sông tương tự, dù suốt dọc hàng trăm km đường sông vẫn thấy thấp thoáng những ngôi làng nhỏ sinh sống. 

Đập thuỷ điện Xayaburi ở Lào. Ảnh: ThaiPBS

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã được nghe rất nhiều chia sẻ đầy hứa hẹn từ chủ đầu tư về dự án Xayaburi. Chủ đầu tư cho biết đã phải bỏ thêm 400 triệu USD để thay đổi thiết kế dự án sau các ý kiến góp ý từ các nhà khoa học quốc tế, như làm “thang máy” cho cá di chuyển lên xuống thượng nguồn, cải tiến việc xả phù sa, giao thông thủy hiệu quả hơn... Nhiều lắm! Nói như đại diện Ủy hội sông Mekong lúc bấy giờ: Xayaburi sẽ làm một mô hình kiểu mẫu cho tất cả các đập trên dòng chính Mekong.

Thế nhưng, khi thủy điện Xayaburi tích nước và bắt đầu phát điện từ tháng 10 năm ngoái, mực nước sông Mekong đã giảm xuống thấp nhất trong 100 năm qua. Nhiều bằng chứng từ Tổ chức Sông ngòi quốc tế đã cáo buộc Xayaburi là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng này. Đó mới chỉ là một trong những hệ quả có thể dễ nhìn thấy được nhất.

Thực tế trên không thể không khiến người ta suy nghĩ đến con đập khác, thủy điện thứ 5 Luang Prabang mà Lào đã chính thức thông báo làm thủ tục Tham vấn trước vào tháng 10 năm ngoái. Việt Nam là một trong những quốc gia là chủ đầu tư dự án này. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) sở hữu 38% cổ phần Luang Prabang, Chính phủ Lào sở hữu 20% và phần còn lại sẽ thuộc sở hữu của “các nhà đầu tư tư nhân”. Suốt thời gian qua đã dấy lên nhiều phân tích, lo ngại lẫn khuyến nghị của giới khoa học trong và ngoài nước cho rằng việc xây dựng Luang Prabang không đem lại bất cứ lợi ích nào, kể cả cho Lào do những tác động tiêu cực của nó lớn hơn. Việt Nam cũng không nên làm chủ đầu tư dự án.

Dự án Luang Prabang và chuỗi đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Nguồn: Chuyên gia Nguyễn Đăng Anh Thi cập nhật từ bản đồ gốc của International Rivers (2017) và ICEM (2010)

Gần chục năm qua, trên trường quốc tế lẫn trong nước, Việt Nam là một trong những quốc gia hạ nguồn sông Mekong tham gia tích cực nhất trong việc lên tiếng bảo vệ dòng Mekong bằng cả tuyên bố lẫn hành động. Với bốn con đập trước đó của Lào, trong quá trình Tham vấn trước, ý kiến của Việt Nam với tư cách là một nước thành viên Ủy hội Mekong vẫn luôn là lo ngại những tác động xấu và không đồng tình xây dựng. Việt Nam cũng là quốc gia khuyến khích ủng hộ các nước, đặc biệt là Lào, phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo trên dòng Mekong (thay vì ồ ạt xây dựng các đập thủy điện) nhằm góp phần “bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước sông Mekong, ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến sinh kế người dân”. Không chỉ vậy, đã có nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra những nguy cơ tác động xấu, hiệu ứng domino trên toàn vùng nếu Luang Prabang được xây dựng.

Nghiên cứu của chính Ủy hội sông Mekong (công bố năm 2018) cũng đã đưa ra hàng loạt cảnh báo: dòng Mekong sẽ chết nếu xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Với riêng ĐBSCL, sẽ chỉ còn 3% lượng cát sỏi chảy về được tới đồng bằng vào năm 2040, nếu 11 thủy điện hạ nguồn sẽ được xây và vận hành trên dòng chính Mekong, cộng thêm 11 đập thủy điện Trung Quốc đang hoạt động trên thượng nguồn. Điều đó có nghĩa ĐBSCL sẽ từ từ bị “tan rã”, theo khoa học. Chưa kể ước tính, các con đập sẽ khiến sinh khối cá bị giảm từ 30 – 55% đến năm 2040 với 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan,…

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn tham gia làm chủ đầu tư Luang Prabang, mà theo một luồng ý kiến khác ủng hộ vì “nó sẽ giúp Việt Nam làm chủ hơn trong vận hành con đập trên sông Mekong”. Làm sao Việt Nam có thể làm chủ được khi trên “thân thể” dòng sông này đã có hơn chục thủy điện hoạt động bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau, trong đó có Trung Quốc; cũng như chưa có bất cứ một điều phối vận hành đập liên quốc gia ràng buộc nào?

Phác họa đập thủy điện Luang Prabang công suất 1.400MW xây dựng trên dòng chính của sông Mekong ở Lào. Ảnh: Reuters

Ngày 5.3.2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã phát biểu: “Là một quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy không chỉ của riêng công trình thủy điện Luang Prabang mà tất cả công trình thủy điện khác trên dòng chảy chính của sông Mekong... Việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đời sống kinh tế - xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.” Ý kiến này, lại khiến chúng tôi không khỏi không nhớ đến tuyên bố của Lào khi xây dựng Xayaburi vào năm 2017 và thực tế của nó.

Lịch sử đã chứng minh, một khi nước chủ nhà tiến hành Tham vấn trước một thủy điện, tức thủy điện đó sẽ được xây dựng, dù chúng bị phản đối. Tham vấn trước (gồm thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận) là thủ tục bắt buộc với các nước thành viên Ủy hội sông Mekong, theo Hiệp định Mekong 1995 đối với các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong. Tuy nhiên, quá trình Tham vấn trước lại không thông qua hoặc thông qua dự án đề xuất; không có ràng buộc pháp lý. Điều này có nghĩa, trong Tham vấn trước, dù Ủy hội sông Mekong hay các nước thành viên có ý kiến, đánh giá dự án như thế nào, thì quyết định xây dựng hay không vẫn thuộc về… nước chủ nhà. Viễn cảnh dòng Mekong bị cắt khúc bởi hành loạt thủy điện không thể cứu vãn hay sửa chữa được là có thật. Điều này cũng sẽ dẫn đến những hệ luỵ tiêu cực cho ĐBSCL là không tránh khỏi!

2. Chỉ mới cách đây 2 tháng ( ngày 18.3.2020), giới khoa học và cộng đồng quốc tế đều như phở phào, bớt nỗi lo khi Chính phủ Campuchia tuyên bố ngưng xây dựng đập thủy điện mới trên dòng chính Mekong trong vòng 10 năm tới, bởi lo ngại những tác động tiêu cực đem lại. Nhiều hy vọng sẽ có sự thay đổi ở Lào trong kế hoạch xây dựng những đập thủy điện tiếp theo.

Kỳ vọng càng như được nhân lên, khi giữa tháng 4 vừa qua, nghiên cứu của công ty Mỹ Eyes On Earth (từ nguồn tài chính Chương trình Sáng kiến hạ lưu Mekong của Bộ Ngoại giao Mỹ), công bố kết quả nghiên cứu từ dữ liệu suốt 28 năm khẳng định: tình trạng khô hạn trên sông Mekong phần lớn là do đập của Trung Quốc gây ra, khiến các nước ở hạ nguồn đang phải chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng chưa từng thấy.

Người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn mặn tấn công đã làm đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát. Ảnh: Lê Thế Thắng

Phân tích cho thấy, 11 con đập thượng nguồn của Trung Quốc đang tích trữ nhiều nước hơn bao giờ hết so với giai đoạn 20 năm trước; và cũng bắt đầu chặn nhiều nước hơn so với lượng xả ra. Chính sách quản lý đập của Trung Quốc đang gây ra những thay đổi thất thường và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ lưu, tàn phá các cộng đồng ở hạ lưu, gây thiệt hại hàng triệu đô, gây sốc cho quy trình tự nhiên của hệ sinh thái sông.

Nghiên cứu này lưu ý chưa tính tới những tác động khác do các công trình phía hạ lưu như hai đập thủy điện đã hoạt động của Lào, hệ thống thủy lợi dẫn nước Mekong vào nội đồng của Thái Lan... Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn mà nghiên cứu đem lại là: thời kỳ Trung Quốc luôn bí mật các thông tin vận hành đập, dữ liệu cung cấp nước… với các nước hạ lưu đã qua.

Ý nghĩa thứ hai, như khi trao đổi với người viết, ông Alan Basist, Chủ tịch Eyes On Earth, nói rằng: từ phát hiện mới của nghiên cứu trong việc sử dụng chỉ số độ ẩm làm công cụ hướng dẫn mô phỏng dòng chảy tự nhiên, nếu các nước hạ lưu có sự hợp tác nghiên cứu thì sẽ tạo ra được nhiều kết quả nghiên cứu tốt hơn. Điều này sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin chính xác cho mỗi quốc gia, lẫn trong hợp tác chia sẻ nguồn nước Mekong giữa các nước với nhau. Khi hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, các quốc gia cần các công cụ, có đầu vào dữ liệu khi ra các chính sách ứng phó.

Nhưng hy vọng về một sự hợp tác, chia sẻ lợi ích nguồn nước giữa các quốc gia trên dòng Mekong như bị dập tắt. Sau Luang Prabang, Lào thông báo dự kiến sẽ xây dựng con đập thứ 6 Sanakham. Vì sao nên nỗi này? Có câu trước khi trách người, cần nhìn lại mình bởi Việt Nam sẽ khó góp phần bảo vệ dòng Mekong và chính ĐBSCL của mình nếu tham gia đầu tư xây dựng thủy điện cùng Lào.

Một khi có nhà đầu tư Việt Nam tham gia xây đập Luang Prabang, cũng có nghĩa Việt Nam sẽ mở rộng đường cho nước láng giềng tiếp tục xây các con đập khác trên dòng chính sông Mekong. Các cơ hội hợp tác, phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo thay thế cho đập thủy điện trên dòng MeKong sẽ tiếp tục bị gạt bỏ sang bên lề.

Vẫn chưa muộn để Việt Nam quyết định chấm dứt làm chủ đầu tư thủy điện trên dòng chính sông Mekong, khi quy trình Tham vấn trước Luang Prabang dự kiến đầu tháng 6 năm nay sẽ kết thúc. Từ đó mới có thể có những bước tiếp theo trong việc hợp tác chia sẻ lợi ích trong sử dụng nguồn nước Mekong, một cách bền vững với các quốc gia khác. Sự hợp tác chỉ có khi anh tạo ra được sự thuyết phục từ chính hành động của mình.

Theo Lê Quỳnh/Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết Cần lên tiếng về việc Lào muốn xây thuỷ điện thứ 6 trên sông Mekong. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.
Ngành chiếu sáng Việt Nam trên lộ trình chuyển đổi số
Khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, ...

Tin mới